Bẫy trên đường: Ai chịu?

26/10/2009 01:01 GMT+7

Những cái “bẫy” trên đường phố không chỉ là “đặc sản” của những đường phố Sài Gòn. Chúng có ở rất nhiều đường phố của các thành phố trong nước, kể cả thủ đô Hà Nội. Những cái "bẫy" ấy nhằm bẫy ai?

Chúng bẫy tất cả những ai tham gia giao thông trên đường phố, nhưng có lẽ những đối tượng thường bị bẫy nhất là người đi xe máy, xe đạp, thậm chí cả người đi bộ. Dĩ nhiên, xe ô tô cũng không là ngoại lệ, nhưng ô tô có vẻ khó bẫy hơn.

Danh mục những loại "bẫy" ấy, người tham gia giao thông đều biết. Chúng có thể là những "lô cốt", là những hố ga mất nắp, là những đoạn đường sau khi bị đào lên để lắp đặt cái gì đó, đã không bao giờ "trở về nguyên trạng" như cam kết của những đơn vị đào đường. Chúng có thể là dây điện đứt, là cột điện bị nhiễm điện, là những cành cây có thể bị gãy bất cứ lúc nào để rớt xuống đầu người đi đường...

Những tai họa chực chờ từ phía sau những cái "bẫy" ấy là có thật. Những người trở thành nạn nhân của cái bẫy ấy là có thật. Thậm chí, những người bị mất mạng sống của mình vì những cái "bẫy" ấy cũng là có thật, và không chỉ một vài người.

Nhưng, điều đáng sợ nhất từ những cái "bẫy" ấy là không có ai, không có cơ quan đơn vị nào đứng ra chịu trách nhiệm một khi chúng gây ra tai nạn cho người đi đường. Đó là điều không thể hiểu nổi!

Ở đây, liệu có "kẽ hở" nào của pháp luật cho phép người ta có thể "lách luật" để phủi tay, không phải chịu bất cứ trách nhiệm nào sau khi đã gây ra những tai nạn, kể cả tai nạn chết người? Có những thực tế không thể không đối mặt, như mật độ lưu thông trên đường phố ngày càng cao, những đường phố ngày càng bị quá tải, và việc đào đường liên miên để lắp đặt những thứ không thể không lắp đặt là có thật và cũng không có giải pháp nào khác.

Nhưng vấn đề lại ở chỗ khác. Nếu mọi chuyện đào đường, dựng "lô cốt" là bất khả kháng, thì việc bảo vệ người đi đường tránh khỏi những tai nạn từ những chướng ngại vật ấy hoàn toàn là chuyện khả thi. Có thể làm, và làm trong khả năng tốt nhất có thể. Những hố ga không thể không có nắp. Nếu không bảo vệ được, để bị mất cắp, thì phải thay nắp mới vào ngay. Những "lô cốt" phải có đèn báo hiệu, có biển chỉ dẫn và cảnh báo cho người đi đường. Những đoạn phố sau khi bị đào lên phải được lấp lại đúng như cũ, nghĩa là không thể lấp qua loa, bỏ luôn khâu tráng nhựa. Những cột điện không thể thiếu những thiết bị ngắt điện an toàn một khi có sự cố. Những cây xanh trên đường phố phải được rà soát kiểm tra thường xuyên để tránh những gãy đổ đáng tiếc. Tất cả những điều ấy hoàn toàn có thể làm được, và làm tốt, nhằm bảo đảm an toàn cho nhân dân.

Nếu mặt đường phố lại phẳng lì sau khi thi công, thì nhân dân dù phải chịu đựng cảnh "lô cốt" một thời gian như cam kết, họ cũng sẵn sàng chịu đựng. Nếu có những cơ quan, những đơn vị chịu trách nhiệm về sự an toàn trên đường phố, thì những tai nạn sẽ được giảm thiểu tới mức thấp nhất.

Ngược lại, một khi không có ai chịu trách nhiệm cả, thì mọi cái "bẫy" trên đường phố như được khuyến khích để "trăm hoa đua nở". Và những tai nạn là không thể tránh khỏi. Và vì không ai phải ngồi tù nên người lãnh đủ cuối cùng chính là nhân dân.

Thanh Thảo

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.