Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền: Ưu tiên thu hồi tài sản đã bị chiếm đoạt

24/10/2009 00:52 GMT+7

Bên hành lang kỳ họp QH, Tổng thanh tra Chính phủ Trần Văn Truyền (ảnh) đã dành gấp đôi thời gian giải lao (15 phút) để trả lời nhiều câu hỏi của PV liên quan đến lĩnh vực phòng chống tham nhũng.

* Chính phủ báo cáo tham nhũng nghiêm trọng nhưng số liệu các vụ việc lại ít đi, điều này  có mâu thuẫn gì không, thưa ông?

- Đánh giá tình trạng tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, là vì xét về quy mô, thì biểu hiện, dấu hiệu tham nhũng có ở nhiều lĩnh vực, ở nhiều cấp, nhiều ngành. Thăm dò trong cán bộ công chức và người dân thì thấy họ còn lo lắng; tình trạng nhũng nhiễu trong công việc vẫn là điều bức xúc. Nhưng xét về mặt vụ việc ngày càng ít đi thì đó cũng là tất yếu của quá trình tiến lên. Nhưng vẫn còn điều đáng lo là còn một bộ phận tổ chức, cá nhân hô hào chống tham nhũng thì nhiều nhưng thực tế làm thì chưa tốt.

* Một tỷ lệ lớn mức án trong các vụ án tham nhũng là án treo (tới 37%), có phải hình phạt của luật pháp về loại tội danh này còn chưa đủ nghiêm minh, thưa ông?

- Nguyên tắc của mình là vi phạm đến đâu xử lý đến đó, mức độ tội phạm nghiêm trọng đến đâu thì đưa ra hình phạt tương ứng đến đó. Vừa qua ta xử thì phần lớn là những người ở cấp thực hành, trong đó rất nhiều cán bộ ở cấp phường xã, quản lý dự án cụ thể. Do vậy mức độ vi phạm rất nhỏ, thấp. Số cán bộ cấp thấp chiếm tỷ trọng nhiều trong các vụ án thì án xử nhẹ phải nhiều.

Án treo xuất phát từ mức độ vi phạm và trong pháp luật hình sự của mình là xem xét 2 yếu tố: một là người ta tự giác báo cáo để nộp lại tài sản thì mình cũng xem đó là một yếu tố giảm nhẹ; thứ hai còn xét đến nhân thân, cũng có cân nhắc. Có một cái quan trọng trong các vụ án tham nhũng là phải thu hồi được tài sản tham nhũng đã. Nếu hình phạt nặng và người ta không khắc phục được thì coi như mình mất tất. Mất cả con người, cả vật chất. Cho nên phải ưu tiên thu hồi cho được tài sản đã bị chiếm đoạt. Khi người ta nhận ra lỗi lầm rồi thì phải nộp lại số tiền này.

* Những vụ án lớn như  PMU 18, PCI có quá trình xét xử khá lâu, nhiều vụ đã mở ra nhiều năm nhưng chưa “kết” được. Ông đánh giá thế nào về điều này?

- PMU 18 cũng đã xử rồi đấy, nhưng chỉ trục trặc kỹ thuật trong quá trình xử mà thôi. Nội dung vụ án cũng đã đưa ra, truy tố trách nhiệm nhiều người, chính vì vậy, xử lý cũng có phần kéo dài.

Còn PCI, trước nhất là xử lý về mặt trách nhiệm, việc lạm dụng trách nhiệm trong khi thi hành công vụ, cũng có dấu hiệu tham nhũng ở đây. Phần đó thì xử rồi, còn phần liên đới với nước ngoài thì phải chờ tiến hành điều tra riêng vì đây là một lĩnh vực khác. Phía Nhật cung cấp cho mình rất nhiều tài liệu, nay đã xong việc dịch thuật. Các cơ quan chức năng bây giờ sẽ xem xét khai thác các yếu tố có dấu hiệu để tiến hành điều tra. Nguyên tắc của Bộ luật Hình sự là phải tiến hành điều tra để tìm ra chứng cứ. Có chứng cứ thì mới có thể xét xử. Còn tài liệu bên kia người ta lấy từ khai báo của nhân viên của họ, các nhân viên của họ chỉ khai với cơ quan chức năng của họ là có đưa tiền. Nhưng mà chứng cứ đưa cho ai, ở đâu thì phải rõ ràng. Nguyên tắc là trọng chứng hơn trọng cung. Do vậy, mặc dù ở ngoài họ nói thế, họ khai trước cơ quan chức năng của họ là như thế nhưng ta chưa có chứng cứ thì chưa kết luận được.

Káp Thành Long (thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.