Vùng đất chết của cao su

24/10/2009 00:16 GMT+7

Khoảng 5.000/10.000 ha cao su ở khu vực Trung Trung Bộ đã bị bão số 9 vùi dập tơi bời, đẩy hai vạn nông dân vào cảnh ngặt nghèo. Một câu hỏi đặt ra từ đó: Có nên tiếp tục trồng cao su tại vùng đất thường xuyên gặp bão dữ này?

Người Pháp lắc đầu

Ngay sau khi người Pháp đưa cây cao su từ Indonesia vào Việt Nam, trồng đại trà từ đầu thế kỷ trước ở miền Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, họ cũng đã nghĩ đến việc trồng loại cây này trên đất miền Trung. Không màu mỡ bằng Tây Nguyên hay Đông Nam Bộ, song thổ nhưỡng ở một số vùng thuộc các tỉnh miền Trung, nhất là vùng gò đồi tựa lưng vào Trường Sơn, cũng rất hợp với cây cao su.

Tuy nhiên, vốn rất cẩn trọng trong mỗi bước đi để triển khai các dự án, người Pháp đã phải đợi cơ quan chuyên môn của ngành khí tượng cung cấp các thông số về gió bão trong vòng 10 năm, để có kết luận cuối cùng nên hay không trồng cao su ở miền Trung Việt Nam. Và câu trả lời cuối cùng là “không”. Vì một lẽ giản đơn: Khảo sát trong 10 năm liên tục thì bình quân mỗi năm, ở miền Trung có ít nhất 3 cơn bão đổ bộ vào đất liền. Trong 3 cơn bão ấy thì có 1 cơn sức gió ít nhất là cấp 8 - 9, đủ để “hạ gục” rừng cao su - giống cây luôn phải để nhiều cành, xòe tán rộng để lá quang hợp tốt nhằm tạo được nhiều mủ.

Tan hoang sau bão

Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp cao su VN vừa có chuyến thị sát các tỉnh miền Trung để xem xét số diện tích cao su bị hư hại do bão số 9 và sẽ đưa ra ý kiến cuối cùng rằng có nên tiếp tục trồng hay dẹp bỏ cây cao su. Đây là bài toán không hề đơn giản chút nào. Riêng hàng ngàn gia đình tham gia trồng cao su tiểu điền đang trắng tay nhưng số tiền và hàng cứu trợ cho những vùng này thì rất ít ỏi, vì đây là những nơi không bị ngập lụt!

Đối với vùng tây Quảng Bình, Quảng Trị, cây cao su được trồng từ sau ngày giải phóng miền Nam. Ở Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi, cây cao su “rộ” lên nhất là vào đầu những năm 90 thế kỷ trước, khi Chương trình 327 được triển khai ồ ạt nhằm phủ xanh đất trống đồi trọc. Sau hơn 10 năm triển khai dự án trồng cao su đại trà, một số địa phương đã phải trả giá cho quan niệm “không thành mủ cũng thành cây” này. Trên 300 ha cao su vùng Phổ Nhơn, Đức Phổ tỉnh Quảng Ngãi là một ví dụ. Nhà nước đã mất bạc tỉ vào “canh bạc” cao su này.

Trong số 10 ngàn ha cao su hiện có mặt tại các tỉnh Trung Bộ thì có khoảng 60% đã cho khai thác mủ từ 3-5 năm nay. Đây cũng là số diện tích bị bão số 9 quăng quật tơi bời, coi như bị xóa sổ hoàn toàn. Thống kê từ các tỉnh cho biết: Quảng Trị là tỉnh ít chịu ảnh hưởng của bão số 9 nhưng cũng đã có đến 1.592 ha cao su bị ngã đổ, trong đó Vĩnh Linh là huyện bị nặng nhất với 830 ha, thiệt hại lên đến 120 tỉ đồng. Vườn cao su vùng Nam Đông của Thừa Thiên-Huế vừa phục hồi sau bão Xangsane năm 2006, nay bị bão số 9 vùi dập tơi bời với 1.290 ha bị mất trắng, chiếm gần 50% diện tích cao su hiện có tại vùng này. Tỉnh Quảng Nam cũng đã có 1.000/3.200 ha cao su bị bão triệt hạ. Quảng Ngãi là tỉnh có diện tích cao su ít nhất với 2.200 ha nhưng lại là nơi tâm bão hoành hành nên số cao su bị mất trắng lên đến khoảng 70%. Gần như số diện tích cao su đã khai thác được 2 - 3 năm nay đều bị bão dọn sạch sẽ!

Vườn cao su Bình Sơn (Quảng Ngãi) tan hoang sau bão số 9 - ảnh: M.Toàn

Bão số 9 đã đi qua gần 1 tháng, nhiều rừng cây keo lai, bạch đàn đã gượng dậy, riêng cây cao su thì khô luôn. Đi về vùng Nam Đông (Thừa Thiên-Huế) hoặc vùng Bình Khương, Bình Minh (huyện Bình Sơn, Quảng Ngãi) hiện chỉ thấy những bãi cây cao su ngã đổ hoang tàn như sau một trận B52 rải thảm thời chiến tranh. Ông Lê Minh Châu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp cao su VN đã thị sát thực trạng các vườn cao su phía tây Bình Sơn mới đây, và “không thể tin nổi” bão số 9 đã tàn sát cây cao su một cách khủng khiếp đến vậy. Trong số trên 2.200 ha cao su hiện có ở Bình Sơn thì công ty cao su có trên 1.200 ha nhưng bão đã dọn sạch 668 ha, trong đó có trên 330 ha chuẩn bị cạo mủ.

Các vườn cao su tiểu điền còn lại của người dân ở Bình Sơn đều không còn một cây nào cho trọn vẹn. Bình Minh là “rốn bão, rốn lũ”, có đến 400 ha cũng bị bão tàn phá. Trớ trêu là, những người trồng keo lai hoặc bạch đàn, bão cũng gây thiệt hại nhưng họ gỡ gạc được dù giá có rẻ hơn chút đỉnh nhưng với cây cao su thì chỉ có đun củi mà thôi. Một số nhà máy gỗ dăm xuất khẩu cũng có nhã ý mua thân cây cao su đổ cho nông dân nhưng với yêu cầu là đường kính của cây phải 30 cm trở lên. Yêu cầu này quả là đánh đố nông dân !

Có nên tiếp tục trồng cao su? 

Đặc thù của cây cao su là không thể “thu hoạch chạy bão” như một số giống cây khác. Cũng không thể tỉa cành, chặt nhánh để hạn chế bật gốc khi có gió lớn hoặc trồng vào các tháng chệch với gió bão như các loại cây ngắn ngày khác mà phải để chúng phát triển tự nhiên càng nhiều càng tốt. Bất cứ một sự can thiệp “dao rựa” nào (trừ dao cạo mủ) cũng đều làm tổn thương đến sự phát triển của cây, tác động trực tiếp đến năng suất mủ. Cây cao su nào gãy đổ một cành là coi như chỉ còn “xác” chứ không thể cho mủ nữa. Vì những lẽ đó mà người Pháp đã lắc đầu với việc triển khai dự án trồng cao su đại trà ở miền Trung.

Trả lời câu hỏi trên, ông Đào Minh Hường, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Quảng Ngãi lắc đầu: “Chưa ai có thể đưa ra câu trả lời này, kể cả các nhà khoa học ở Viện Quy hoạch cao su thuộc Tổng công ty cao su VN. Bởi cây cao su đã nuôi sống hàng ngàn gia đình nông dân trong 4-5 năm qua kể từ ngày khai thác được mủ của nó. Nếu tiếp tục trồng thì giá thành của mỗi héc-ta sẽ đội lên và trả nợ ngân hàng sẽ rất khó; vả lại, ai dám chắc là không có trận bão như bão số 9 vừa qua trong vòng 5-10 năm tới? Còn nếu không trồng nữa thì biết lấy cây gì lấp vô chỗ trống ấy mà mang lại hiệu quả hơn cây cao su?”.

Quả đây là bài toán khó cho các nhà quản lý. Ở vùng Vĩnh Linh, Nam Đông hay Bình Sơn, cao su tiểu điền đã góp phần mang lại sự khởi sắc cho những vùng quê ấy. Mỗi gia đình chỉ cần 3-4 sào cao su, thu nhập hằng ngày của họ lên đến vài trăm ngàn đồng từ mủ. Bao nhiêu vốn liếng đều ném vào “canh bạc” cao su, giờ trời lấy mất, không ít gia đình đang đứng trước ngõ cụt. Vì vậy, việc tiếp tục trồng cao su hay không cũng là điều mà đa số nông dân rất băn khoăn.

Cũng theo ông Hường, ngành nông nghiệp sẽ đi rà soát lại toàn bộ số diện tích cao su bị ngã đổ, xem cây nào còn trụ lại, nó là loại giống nào để cân nhắc trồng hay không và trồng thì nên ưu tiên loại giống nào. Thực tế cho thấy, cũng cùng một thửa cao su, chịu sức gió như nhau nhưng sau bão vẫn còn một số cây trụ được. Vì vậy, ý kiến trên đây của ông Hường là có cơ sở. Cũng có ý kiến cho rằng nên tỉa bớt cành cao su trước khi có bão, vì ở xã Vĩnh Thạnh huyện Vĩnh Linh, có gia đình đã “cứu” được hàng trăm cây cao su nhờ vào việc tỉa cành trước khi bão vô. Tuy nhiên, số cao su này chỉ mới 3 năm tuổi, thời điểm chưa thể cho mủ. Nếu cây 7 tuổi, tỉa cành như thế coi như sạch mủ luôn, mà cũng không đủ công để tỉa cành cho hàng trăm cây cao su một lúc như vậy.

An Huy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.