Người Việt ở Nga: Lo miếng ăn , khổ chuyện học

17/10/2009 15:44 GMT+7

Con đường mưu sinh của người Việt trên đất Nga gập ghềnh và nhiều trắc trở. Nhưng chuyện làm ăn với họ nhiều khi không đau đầu bằng việc định hướng tương lai con cái mình ở xứ sở bạch dương.

Cộng đồng người Việt ở Nga thường chủ yếu làm ăn, buôn bán lẻ, thiếu sự ổn định và không chắc chắn cuộc sống lâu dài ở Nga, nên việc quyết định tương lai cho con em mình đang là một vấn đề vô cùng nan giải. Có gia đình do điều kiện làm ăn bận rộn phải gửi con cái về VN chăm sóc, trong khi nhiều gia đình khác có điều kiện hơn lo được cho con ăn học ngay tại thành phố mình sinh sống.

Tuy nhiên, ở hoàn cảnh nào thì những đứa trẻ cũng phải trải qua những ngày tháng hết sức khó khăn do thiếu thốn tình cảm cha mẹ, hoặc do bất đồng ngôn ngữ, văn hóa và môi trường sống...

Trẻ trăm đường thiệt

Không thích, không biết...

Có lần khi trò chuyện với cháu Hoàng, một học sinh xuất sắc bậc trung học của Liên bang Nga, bằng những câu trả lời nhát gừng, cuộc đối thoại khiến tôi cảm thấy vấn vương một nỗi buồn khó tả: “Cháu có thích về VN không?”

- “Không thích”
- “Tại sao?”
- “Bẩn lắm”
- “Quê bố mẹ cháu ở đâu?” - “Không biết”
- “Ông bà cháu ở VN khỏe không?”
- “Không biết”
- “Bố cháu có mấy anh em ở VN?”
- “Không biết”...

Trường hợp như Hoàng ở Nga không phải là hiếm và cha mẹ chúng nhiều lúc tỏ ra bất lực.

Vợ chồng anh Văn quê ở Đông Anh trong hoàn cảnh như vậy. Do điều kiện làm ăn vất vả, vợ chồng anh phải gửi con trai 4 tuổi về VN nhờ người bác chăm sóc. Vì không được sống gần, không được hưởng sự quan tâm và tình yêu thương của cha mẹ nên con trai anh sống rất khép kín, thiếu tự tin và nhút nhát.

Anh Văn tâm sự: “Khi cháu được 8 tuổi tôi về phép, tôi cảm thấy quá buồn và bất ngờ vì sự thay đổi của cháu. Trước kia cháu hồn nhiên, vô tư lắm, suốt ngày chạy nhảy, cười đùa, thế mà bây giờ cháu ít nói, nhút nhát, ngay cả với bố mẹ cháu cũng ngại gần, chỉ đứng xa nhìn, hỏi gì mới ấp úng trả lời”.

Còn anh Tuyền và chị Hoa quê ở Hải Dương thì buồn rầu kể lại: “Chúng tôi cố gắng làm việc ở bên Nga để xây dựng tương lai cho con cái, cũng vì hoàn cảnh mới phải gửi cháu cho ông bà trông giúp. Bây giờ cháu 16 tuổi, đã bỏ học, ham chơi điện tử, không nghe lời ông bà. Vợ chồng tôi đứng ngồi không yên, chẳng thiết tha làm ăn buôn bán gì nữa”.

Trong khi những người cha, người mẹ phải đau khổ vì sống xa con cái thì nhiều gia đình khác dù được ở gần nhau, sống cùng nhau nhưng cũng chẳng thể hạnh phúc hơn. Do các gia đình đều bận việc buôn bán nên khi các cháu được vài tháng tuổi bố mẹ đã gửi người Nga mang về nhà họ chăm sóc, sáng đưa đi, tối đón về. Đến lúc các cháu đủ tuổi đi nhà trẻ lại gửi cả ngày ở lớp, rồi học trung học cơ sở, trung học phổ thông.

Nhìn chung phần lớn gia đình có con học ở Nga đều không có điều kiện gần gũi và dạy dỗ con cái chu đáo. Cả ngày ngoài chợ mệt mỏi, tối về lại chuẩn bị hàng hóa cho ngày mai, vì vậy rất ít khi có điều kiện trò chuyện, tâm sự, dạy tiếng Việt hoặc hỏi han bài vở của con cái. Vốn tiếng Việt dần mai một, thời gian tiếp xúc với các bạn Nga nhiều nên các cháu “nhiễm” phong cách sống của người Nga, không hòa nhập cộng đồng người Việt. Phần lớn đều có lối sống độc lập, không biết chia sẻ, cảm thông, nhường nhịn như những đứa trẻ được giáo dục trong nước.

Nếu những ai cả nghĩ sẽ không thể không buồn lòng khi gặp trên đường những đứa trẻ VN chỉ nói chuyện với nhau bằng tiếng Nga, gặp người quen, đồng hương không hề biết chào chú, chào bác. Những đứa trẻ sinh ra và lớn lên ở Nga khi ngồi ăn cơm với gia đình không hề có khái niệm mời mọi người xơi cơm hoặc gắp thức ăn cho ông bà, bố mẹ. Các cháu thường lặng lẽ ngồi ăn từ đầu đến cuối bữa và lặng lẽ đứng dậy.

“Nhớ” là gì

Đáng buồn hơn, các cháu còn không hiểu một chút nào về lịch sử và quê hương cội nguồn, gốc rễ của mình. Buổi tối, khi cả nhà quây quần, bố mẹ các cháu muốn xem chương trình VTV4 thì các cháu thường tỏ ra khó chịu và giành tivi của bố mẹ để xem các chương trình truyền hình Nga.

Anh Tường, quê Hà Nội, tâm sự: “Vợ chồng tôi cả ngày chợ búa vất vả, tối về mới gặp con được một chút, muốn gần gũi, trò chuyện chăm sóc cháu một tí cũng không được. Vì cả ngày ở trường nên cháu chủ yếu ăn theo kiểu Nga, không thích ăn cơm VN, chỉ thích ăn bánh mì, xúp, giò... nên cháu thường ăn trước rồi ngồi học hoặc đi đá bóng, trượt patin với các bạn Nga, ít khi thích ăn chung với bố mẹ. Con mình đẻ ra mà như người xa lạ. Có hôm mẹ cháu hỏi có nhớ bà nội không, cháu hỏi lại “nhớ là gì ạ?” khiến hai vợ chồng nhìn nhau ngán ngẩm”.

Về cũng dở, ở chẳng xong

Không chỉ trẻ sống trầm cảm do phải xa cha mẹ, nhiều gia đình còn rơi vào hoàn cảnh về cũng dở mà ở cũng không xong. Anh Quân và chị Hà tâm sự: “Năm nay con gái tôi 15 tuổi, ở VN cháu đã tốt nghiệp cấp II. Do ông bà già yếu không trông nom được nữa, bọn tôi đã đón cháu sang Nga. Cháu có nguyện vọng được đi học tiếp, bọn tôi cố gắng xin cho cháu. Mặc dù đã thuê cô giáo dạy tiếng Nga nhưng do vốn tiếng Nga quá kém, nhà trường xếp cháu học lớp 4 cùng toàn bọn trẻ con, học lại kiến thức cấp I khiến cháu chán nản, không muốn học. Ra chợ phụ bố mẹ thì chưa đủ tuổi. Một số bạn của cháu cũng trong hoàn cảnh như vậy, bây giờ cả đám thanh niên chỉ toàn đàn đúm ở nhà”.

Còn anh Đỗ Văn Tân lại đang ở trạng thái bất an. Con trai anh đã được 4 tuổi, vợ chồng anh đang đau đầu về quyết định cho cháu ở lại hay về nước. Nếu để ở lại không biết được mấy năm, vì không dám khẳng định mình có thể ở Nga được bao lâu nữa. Rất nhiều cháu đang học phải bỏ dở về nước nên không biết đọc, biết viết tiếng Việt, không theo được các bạn trong nước.

Hàng chục năm nay những câu hỏi đại loại như: làm thế nào để các cháu được sống cùng và hưởng trọn tình yêu thương, sự chăm sóc của bố mẹ; làm thế nào để các cháu hòa nhập với xã hội Nga và học tập tốt trong các trường của Nga nhưng vẫn giữ được tiếng Việt, giữ được phong tục, tập quán và bản sắc dân tộc... đã được đặt ra nhưng quả thật chưa tìm được một giải pháp nào hữu hiệu.

Theo Tiến Điệp (Mekongnet.ru/Tuổi Trẻ)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.