Thất vọng trước giảng đường

16/10/2009 23:17 GMT+7

* Không hài lòng với chất lượng giảng dạy * Giáo viên kiêm nhân viên phòng thí nghiệm Điều mà nhiều sinh viên (SV) thất vọng hơn cả là chương trình giảng dạy của nhà trường đã không đáp ứng được nhu cầu của người học và xã hội.

Học như học sinh cấp... 4

“Cách thức dạy rất chán” đó là điều mà không ít SV đã phải thốt lên khi được hỏi về chương trình giảng dạy của nhà trường. Tình trạng đọc - chép vẫn tồn tại ở nhiều trường ĐH nhất là các trường giảng dạy về khoa học xã hội. Một số SV trường ĐH Lao động xã hội cho biết: các môn học chủ yếu là lý thuyết, SV ít được học về kỹ năng làm việc; giáo trình giảng dạy thì ít thay đổi, cập nhật cho nên khi làm bài tập, SV học năm sau có thể sao chép của SV năm trước. Ví dụ: SV năm trước khi kết thúc học phần phải làm chuyên đề về “bạo lực gia đình” thì đến năm sau giáo viên cũng vẫn cho SV làm chuyên đề như vậy!

Không chỉ phải học theo kiểu đọc - chép, tình trạng thiếu thực hành diễn ra ở nhiều trường ĐH nhất là những trường đào tạo về kỹ thuật. Một SV khoa Cơ khí của trường ĐH Công nghiệp Hà Nội cho biết: chương trình dạy của nhà trường còn nặng về lý thuyết. Là trường đào tạo về kỹ thuật nhưng SV phải mất rất nhiều thời gian của khóa học để học các môn cơ sở với rất nhiều môn chẳng liên quan gì đến chuyên ngành. Trong khi các môn chuyên ngành thì thời gian được học lại ít. Ví dụ: đối với SV ngành kỹ thuật cơ khí, tổng số tín chỉ của toàn khóa là 182 thì chỉ có 57 tín chỉ dạy kiến thức về ngành, còn lại là kiến thức đại cương và kiến thức cơ sở. Cũng trong tổng số tín chỉ này, có tới 116 tín chỉ là lý thuyết, chỉ có 64 tín chỉ thực hành. Đáng nói, khi học thực hành, các điều kiện lại không đảm bảo khiến cho SV học xong mà “không biết học cái gì”. SV khoa Cơ khí của ĐH Công nghiệp Hà Nội đã không khỏi bức xúc khi phải học thực hành trên những máy móc đã cũ và lạc hậu (được sản xuất cách đây khoảng 30 năm). Do cũ kỹ nên máy móc cũng thường xuyên bị hỏng nên có khi SV không đủ máy để thực hành.

Ở hầu hết các trường hiện nay, một môn học được coi là quan trọng đối với SV là môn tiếng Anh đã không được quan tâm đúng mức. Hiện ở Hà Nội chỉ có một vài trường ĐH không chuyên ngữ dạy môn ngoại ngữ như một ngôn ngữ thứ hai cho SV, còn lại hầu hết SV cho biết phải đi học thêm thì mới có đủ kiến thức và kỹ năng để đi làm.

Do quá tải?

Những điều SV than phiền về chương trình đào tạo không phải là chuyện của riêng trường ĐH nào. Kết quả đánh giá về 20 trường ĐH thuộc “top” đầu toàn quốc vừa được kiểm định đã cho thấy: mặc dù tất cả 20 trường ĐH đã tổ chức nhiều hoạt động cải tiến chất lượng giảng dạy, nhưng SV không hài lòng với chất lượng giảng dạy của trường. Khi lý giải về điều này, các trường đều cho rằng là do tình trạng quá tải về số lượng SV. Thêm vào đó là tình trạng giáo trình không đủ về số lượng, chủng loại và không được cập nhật; giảng viên ít nghiên cứu khoa học nên kiến thức không sâu và thiếu cập nhật. Một số kết quả đánh giá cũng cho thấy nhiều trường còn triển khai đào tạo trong tình trạng thiếu giáo trình và tài liệu tham khảo cho nhiều môn học; việc cập nhật các giáo trình chưa được quan tâm đúng mức. Kết quả đánh giá này cũng cho biết, trong quá trình điều chỉnh bổ sung chương trình đào tạo, hầu hết các trường ĐH chưa tham khảo đầy đủ và chưa lấy ý kiến phản hồi từ các cựu sinh viên, các nhà tuyển dụng và các đối tượng liên quan để xác định mức độ chương trình đào tạo có phù hợp với xã hội hay không.

Một nguyên nhân khác khiến cho SV cảm thấy thầy cô dạy chán là do ở hầu hết các trường ĐH số lượng giảng viên có trình độ tiến sĩ còn thấp (tỷ lệ chung của cả nước chỉ có 11% trong tổng số giảng viên). Tỷ lệ giảng viên có trình độ ĐH tính bình quân ở các trường ĐH trong cả nước hiện chiếm tới 44%, trong đó nhiều giảng viên chỉ là SV vừa mới ra trường. Tình trạng thiếu giảng viên có trình độ cao tập trung nhiều nhất là ở các trường ĐH mới thành lập hoặc vừa nâng cấp từ CĐ lên ĐH. Ví dụ nhiều trường ĐH chỉ có 1-2 tiến sĩ như: trường ĐH Trà Vinh, ĐH Hoa Lư, ĐH Phạm Văn Đồng, ĐH Bạc Liêu... Các ĐH vừa được nâng cấp từ CĐ lên ĐH, có tỷ lệ giảng viên là tiến sĩ thấp hơn tỷ lệ bình quân của cả nước như: ĐH Điện lực, ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp, ĐH Lao động xã hội... Đặc biệt, tại trường ĐH Kinh tế - Kỹ thuật công nghiệp có quy mô đào tạo khoảng 23.000 học sinh, SV nhưng (tại thời điểm Bộ GD-ĐT kiểm tra năm 2008) chỉ có 16 người là tiến sĩ; đội ngũ giảng viên cơ hữu của trường chỉ có 403 người. So sánh tỷ lệ giảng viên/SV thì trường này vào loại kỷ lục với 1/57, trong khi tỷ lệ chung của cả nước là 1/28,5!

Điều đáng nói là với tình trạng như vậy nhưng không hiểu sao những trường đó vẫn “đủ điều kiện” ra đời để rồi làm SV thất vọng!

Giáo viên kiêm nhân viên phòng thí nghiệm

Học sinh trường THPT chuyên Lê Hồng Phong trong giờ thực hành môn Sinh - Ảnh: Đ.N.Thạch

Đó là thực tế tồn tại nhiều năm ở các trường THPT bởi không có nơi đào tạo giáo viên - nhân viên cho lĩnh vực này.

Chờ đợi hoặc kiêm nhiệm là tình cảnh của khá nhiều giáo viên mới ra trường hoặc mới được tuyển dụng vào dạy tại các trường THPT tại TP.HCM. Để có được chỗ dạy theo đúng nguyện vọng, được vào biên chế nhưng trường lại không thiếu giáo viên bộ môn, họ phải kiêm nhiệm nhân viên phòng thí nghiệm. Giáo viên Lê Tấn Hậu - trường THPT Nguyễn Hữu Huân kể: “Năm nay là năm thứ 2 tôi về trường, đều làm công tác kiêm nhiệm phòng thí nghiệm môn Vật lý. Nói thực, tốt nghiệp ĐH sư phạm, mong muốn duy nhất là được dạy đúng chuyên môn chứ đâu có ai muốn kiêm nhiệm. Nhưng từ trước đến nay, thành thông lệ, các giáo viên mới vào trường đều phải thay nhau làm công việc này nên mình phải cố gắng”.

Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, giáo viên THPT mỗi tuần phải dạy 17 tiết theo quy định, nếu giáo viên nào kiêm nhiệm thì được giảm 3 tiết nghĩa vụ, tức chỉ còn dạy 14 tiết. Nhưng theo giáo viên Lê Tấn Hậu thì: “Mỗi tuần có một ngày lo phòng thí nghiệm thì đã nhiều hơn 3 tiết rồi chưa kể phải quản lý tài sản...”. Tuy nhiên, đây chỉ là giải pháp tình thế vì như ông Huỳnh Phú Cường - Phó hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Hữu Huân phân tích: “Cho dù là giáo viên bộ môn nhưng trong trường sư phạm các giáo viên này đơn thuần học về chuyên môn và là người được thụ hưởng các thí nghiệm chứ đâu có thực sự vận hành các thiết bị, máy móc. Cho nên khi kiêm nhiệm, giáo viên đều phải vừa sử dụng vừa tìm hiểu, đôi lúc cũng gặp khó khăn khi thiết bị không có tài liệu hướng dẫn sử dụng”.

Ông Hồ Hoàng Minh - Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Thị Định đề cập: “Khó khăn như vậy nhưng các trường có muốn tuyển cũng chẳng có giáo viên mà tuyển. Có trường ĐH hay CĐ nào đào tạo ngành học này đâu. Còn muốn lấy giáo viên qua chuyên trách để toàn tâm toàn ý lo việc phòng thí nghiệm cho dù được phụ cấp ưu đãi như giáo viên đứng lớp cũng khó. Cứ tính về thu nhập cũng thấy, nếu làm chuyên trách phòng thí nghiệm, trường THPT bình thường, ngoài lương được 40% phụ cấp ưu đãi, trường chuyên thì được 70%, ngoài ra, không còn khoản thu nhập khác. Trong khi, nếu như đứng lớp thì giáo viên còn được tiền phụ trội tăng tiết”.

Theo ông Lê Văn Minh - Phó hiệu trưởng trường THPT chuyên Lê Hồng Phong, thiết bị ngày càng hiện đại, nếu như sử dụng không đảm bảo kỹ thuật, thao tác thì thí nghiệm không đạt hiệu quả cao. Nếu như chúng ta cứ mãi sử dụng người thầy “tình thế” như vậy thì e rằng khó thực hiện việc học đi đôi với hành.

Bích Thanh

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.