Chứng khoán & dòng tiền

15/10/2009 14:40 GMT+7

(TNTT>) Hiện có hai vấn đề lớn của thị trường chứng khoán, đó là "đã nóng chưa" và "dòng tiền đầu tư vào chứng khoán".

Vấn đề thứ nhất, có người đã đem điểm số hiện nay (605,65 điểm vào ngày 14-10-2009) so với mức đáy 235,5 điểm vào ngày 24-2-2009 để cho rằng chứng khoán đã quá nóng và dự đoán sẽ "down" xuống mạnh vào cuối năm nay.

Đúng là với mức tăng 154,33%, thì không có kênh đầu tư nào có thể so sánh với chứng khoán trong thời gian tương ứng. Nhưng nếu tính trong thời gian dài hơn (theo phương thức đầu tư dài hạn), thì VN-Index ngày 15-10-2009 so với đỉnh điểm 1.170,7 điểm vào ngày 12-3-2007 đã bị giảm gần 50%; nếu thêm vào yếu tố tăng giá tiêu dùng từ đó đến nay (tăng 36,8%), thì còn bị lỗ đậm hơn nhiều.

Như vậy chưa thể nói là chứng khoán đã quá nóng, do đó chưa thể nói là "down" xuống mạnh vào cuối năm nay, trái lại còn có thể tăng lên.

Về vấn đề thứ hai gắn rất chặt với vấn đề thứ nhất, đó là nguồn tiền từ đâu đổ vào chứng khoán. Có ý kiến cho rằng chứng khoán tăng nóng do có nguồn tiền từ gói kích thích kinh tế (đặc biệt là tiền vay cấp bù lãi suất), do sử dụng quá liều đòn bẩy tài chính. Người viết chưa dám lạm bàn về những ý kiến này vì không đủ thông tin, nhưng có thể lạm bàn về nguồn vốn đầu tư cá nhân. Nguồn vốn này bao gồm:

Chênh lệch thu nhập và chi tiêu cho đời sống của dân cư trong năm 2008: Căn cứ vào cuộc điều tra mức sống năm 2008, theo tốc độ tăng GDP theo giá thực tế, ước tính thu nhập bình quân 1 người/tháng của năm 2008 khoảng 941.300đ; tính theo dân số (khoảng 85 triệu người), thì tổng chênh lệch thu/chi sẽ lên đến 265,2 ngàn tỉ đồng/năm. Số tiền này sẽ có một phần được đầu tư, trong đó có chứng khoán (theo thống kê có 244,1 ngàn tỉ đồng đầu tư phát triển, còn lại khoảng 21,1 ngàn tỉ đồng được đầu tư thêm vào các kênh khác (như chứng khoán, bất động sản, vàng...). Trong đó, chứng khoán chiếm tỷ lệ cao nhất: Tạm tính 2/3 số đó thì số tiền sẽ không dưới 14 ngàn tỉ đồng. Nếu kể cả năm 2009 (không thấp hơn) thì tổng số tiền đầu tư thêm sẽ lên đến trên 30 ngàn tỉ đồng.

Nguồn thứ hai là số tiền thuế thu nhập cá nhân được miễn trong 6 tháng đầu năm 2009 khoảng 5 ngàn tỉ đồng.

Nguồn thứ ba là số tiền gửi tiết kiệm với lãi suất cao trong năm trước, năm nay đến hạn, nhưng do lãi suất giảm và không còn hấp dẫn so với chứng khoán tăng, nên đã không được gửi lại hết, mà được dùng một phần để đầu tư vào chứng khoán (bằng chứng là tốc độ tăng huy động thấp xa so với tốc độ tăng dư nợ tín dụng). Tạm tính có khoảng 10% số tiền này thì riêng TP.HCM đã có khoảng 25 ngàn tỉ đồng.

Nguồn thứ tư là số tiền vay tiêu dùng từ các ngân hàng thương mại; ước tính số tiền này trên phạm vi cả nước cũng lên đến vài ba chục ngàn tỉ đồng và phần quan trọng cũng sẽ được dùng vào đầu tư chứng khoán (vì vàng thì bấp bênh, bất động sản chưa nóng).

Nguồn thứ năm là một phần số tiền đền bù giải phóng mặt bằng được dùng vào việc đầu tư chứng khoán.

Đào Lâm

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.