Người khôn ăn rau dại

13/10/2009 11:02 GMT+7

(TNTT>) “Ngẫm lại, người khôn nên biết ăn rau dại. Bởi rau dại chứa nhiều vị thuốc, lạ miệng và có thể an toàn hơn rau trồng hiện nay, nếu bạn biết rõ nguồn gốc”, lương y Đinh Công Bảy tâm đắc nói.

Và anh bạn Quốc Việt ở TP.Mỹ Tho, Tiền Giang có lý khi tuyên bố hùng hồn: “Cải trời, cải đất tôi đều... làm láng, nhưng không dám cải vợ!” Thường vào mùa mưa, vùng đất Nam bộ sinh sôi nhiều loại rau dại  hương vị ấn tượng.

Cải trời, cải đất

 

Canh rau tập tàng

Cải trời, cải đất là những giống rau tự mọc ở những gò hoang hay xen kẽ trong đám cỏ dại, tảo tần với nắng gắt mưa dầm nên có vị đăng đắng, nồng nồng đặc trưng. Tuy nhiên lá cải trời to hơn cải đất, vị đắng, độ nồng cũng trội hơn.

Theo kinh nghiệm một số đầu bếp miệt vườn, nhóm cải này thích hợp với các món luộc, xào, nấu canh. Thật vậy, món cải trời xào với chim trích cồ hay chim cu xanh ngon đến ngất ngây. Chính vị đắng nhẹ của rau giúp bán mùi tanh của thịt xào, khiến miếng thịt thêm ngọt, thơm hơn. Khi xào, cải thường được đầu bếp chia thành hai phần. 1/3 cải cho vào trước khi thịt đã săn mặt, lượng cải này đóng vai trò như một gia vị đặc biệt. Đợi  còn khoảng 7 phút nữa thì thợ nấu nhắc chảo xuống, họ sẽ cho vào hết 2/3 lượng rau còn lại. 

Còn rau cải trời, cải đất giúp tan đờm, bớt ho. Riêng rau càng cua giúp lợi tiểu, thanh nhiệt, nhưng không tốt với những người bị sỏi thận - Lương y Đinh Công Bảy
Làm vậy, để rau chỉ vừa chín tới, ăn giòn và giữ hương vị đặc trưng. Đồng thời, tô canh rau tập tàng vùng đất phương Nam cũng thường có rau cải trời, cải đất tham gia. Canh rau tập tàng thường có ít nhất vài ba loại rau dại khác nữa góp mặt: dền hương, đọt bình bát dây..., cùng với ít tép hay cá đồng tươi. Những ngày mưa bão hay kinh tế xuống dốc, bạn húp tô canh rau tập tàng mới ngon thấm thía tâm can.

Rau Càng cua

 

Rau càng cua

Trời sa mưa khoảng nửa tháng, đã có mấy đám rau càng cua nhú lên, lớn nhanh như thổi, dưới bụi tre già, kẹt lu, hồ nước... Và thế hệ rau càng cua này cứ nối tiếp thế hệ khác đến gần Tết, nếu gia chủ không “vùi dập” chúng. Lúc gấp rút công việc đồng áng, gia chủ chỉ việc nhổ chúng lên, rửa sạch, chấm với các món kho hoặc mắm cũng nghe giòn tan, mát dạ. Thong thả hơn thì họ làm gỏi rau càng cua chay, mặn tùy sở thích và túi tiền. Gỏi chay, chỉ cần thợ bếp cho vào ít giấm nuôi, đường, muối. Gỏi mặn, họ có thể trộn vào ít tép bạc tươi, thịt ba chỉ luộc hoặc chả nhái xắt nhỏ, đậu phộng rang giã đôi, nhiều rau húng quế..., trộn đều cho rạo rực. Cũng có món sà-lách cùng tên thật hấp dẫn, bổ dưỡng. Trong đó có ít thịt bò nạc, dầu giấm, trứng vịt luộc hồng đào..., trình bày quyến rũ.

Ăn năn “tàn bạo”

 

Rau năn bộp

Vị rau năn ngọt thanh, hậu hơi ngai ngái mùi phèn mặn và mùi khói rơm rạ đốt đồng. Tuy bình dị, nhưng vị ngon của rau này rất riêng và ấn tượng. Năn là loại cỏ hoang dại, thích mọc ở những vùng đất phèn nước sâu. Năn được dùng làm rau là loại năn bộp, thân lớn bằng đầu đũa, ruột có nhiều khoang rỗng nối tiếp. Bạn nhổ cọng cỏ năn lên, dùng tay bóp một đầu cọng năn rồi vuốt nhanh dọc thân  sẽ nghe những âm thanh vui tai: bộp...bộp... Rau năn bộp chỉ non từ gốc lên, khoảng 5 -10cm. “Cơm” năn trắng phau như trứng gà bóc. Rau năn được dân sành ăn miền Tây chế thành nhiều món “bén” mồi. Dùng tươi, họ có thể chấm với nước mắm dầm cá lóc đồng nướng trui hay trê vàng chiên xù... Với dân nghèo, họ lấy đọt năn xào dầu với măng tươi, chấm muối ớt “chim gieo” vẫn ngon thanh thoát. Gặp khách quý đến chơi, họ vội chạy đi bắt vịt cỏ hoặc gà vườn xào với rau năn bộp. Tất nhiên, tiệc tao ngộ phải có vài xị “nước mắt quê hương” mới thỏa tình. Rau năn sẽ làm hoa tiêu dẫn chủ, khách về thời chăn trâu, tắm sông “quên” mặc đồ..., đói, họ bứt năn ăn ngon lành. Được biết, một  số nông dân ở huyện Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, đã làm bờ bao để “dưỡng” năn bộp thay vì trồng lúa mùa “lỗ thấu xương”. Ước tính, một mùa mưa họ lời khoảng 20 triệu đồng/ha từ năn, chưa kể 3 - 4 tấn cá đồng. Mùa rộ của năn bộp từ tháng năm đến tháng tám âm, lúc này tại chợ Khánh Hùng, P.2, thị xã Sóc Trăng, giá cao nhất của một bó năn bộp to bằng hai nắm tay người lớn không quá 4.000đồng/bó.

Rau đắng xa hè

 

Cháo lóc đồng rau đắng đất

Rau đắng xa hè người viết muốn kể là loại rau đắng đất, tuy vóc dáng mảnh mai nhưng rất cá tính. Giống rau này thích mọc ở đâu thì mọc, nếu bạn bứng đi trồng chỗ khác nó sẽ chết “tức tưởi” ngay.

Rau đắng giúp “thông huyết, hoạt huyết và chống huyết ứ”, trợ tim _ dược sĩ Bùi Kim Tùng
Và cái ngon thanh tân của rau đắng đất đầu mùa khó tả hết bằng lời. Khoảng đầu tháng 10 âm lịch,  gió bấc rao ngọn, cũng là lúc giống rau “cung nữ”... chân phèn này đương tuổi dậy thì, trên những mép bờ ruộng âm ẩm. Vóc dáng rau này thật ẻo lả và diệp sắc tố trong rau cũng đặc biệt: nắng dịu thì nổi màu trắng xanh, nắng gắt thì chuyển thành màu phớt tím lấp lánh. Cùng thời điểm này, đám cá lóc, rô... đồng đang mập ú, tìm đường rút vào những chỗ nước sâu: hào, rạch, kênh để chống chọi với mùa khô sắp đến.

Nồi cháo cá đồng rau đắng có thể làm thổn thức dân sành điệu trong những chiều cuối đông se se lạnh, nhất là những người con tha hương. Ăn rau này đúng điệu là bạn bốc một nhúm rau tươi để nguyên rễ cho vào chén, rồi chan cháo nóng lên. Tức khắc, chén cháo sẽ tỏa mùi thơm thanh khiết, thoang thoảng. Mới ăn rau, bạn sẽ cảm nhận vị đắng tựa khổ qua. Nhưng khi cọng  rau qua khỏi vòm họng bạn, sẽ nổi lên vị ngọt thanh mới lạ lùng. Rau đắng đất nấu canh cá rô đồng cũng ngon khỏi chê.

Tạ Tri

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.