Vỡ túi phình động mạch chủ bụng

05/10/2009 14:40 GMT+7

Là biến chứng cần được phát hiện sớm, ngăn ngừa kịp thời bởi tỉ lệ tử vong khá cao, kể cả khi đã được mổ cấp cứu.

Phình động mạch chủ bụng (ĐMCB) là tình trạng có một đoạn động mạch chạy qua phần bụng giãn quá mức, với đường kính ngang tại vị trí giãn lớn hơn chỗ bình thường ít nhất 1,5 lần. Phình ĐMCB là bệnh lý ở người lớn tuổi, nam gặp nhiều hơn nữ. Trên 90% các trường hợp là phình ĐMCB dưới động mạch thận, mà nguyên nhân chính là do xơ vữa động mạch.

Thành mạch suy yếu

Nghiên cứu trong cộng đồng cho thấy tỉ lệ phình ĐMCB của người cao tuổi khoảng 2% ở các nước phương Tây và khoảng 1% ở VN. Ước tính cứ 3-8 bệnh nhân phình ĐMCB nam mới gặp một bệnh nhân nữ. Người ta cho rằng phình ĐMCB có tính gia đình và rõ nét nhất là ở giới nữ.

Trong trạng thái bình thường, ĐMCB có tính bền vững cao nhờ cấu tạo đặc biệt của lớp giữa thành mạch tạo tính đàn hồi và độ vững chắc. Những đặc tính này sẽ bị mất đi nếu có những tác động làm tăng áp lực từ bên trong lòng mạch như cao huyết áp và tổn thương thành mạch như xơ vữa, nhiễm trùng, chấn thương, thoái hóa, rối loạn chuyển hóa...

Phình ĐMCB diễn tiến thầm lặng và khá thất thường. Mỗi năm, kích thước túi  phình ĐMCB tăng trung bình khoảng 0,5cm. Túi phình ĐMCB khoảng 5cm chiều ngang là cần phải can thiệp phẫu thuật nhằm tránh các biến chứng nguy hiểm. Túi phình ĐMCB càng lớn, khả năng vỡ càng cao, tuy nhiên vẫn có thể gặp các trường hợp túi phình nhỏ vỡ.

Tử vong cao

3 yếu tố nguy cơ

Qua nhiều nghiên cứu mới đây đã gợi ý có ba yếu tố nguy cơ có thể dự báo trước tình trạng vỡ túi phình ĐMCB:

+ Đường kính túi phình lớn. Nếu đường kính = 4cm, tỉ lệ vỡ (trong 5 năm) ít nhất 15%. Khi đường kính vượt quá 7cm, tỉ lệ vỡ lên tới 95%.

+ Huyết áp tâm trương cao.

+ Có bệnh lý phổi mãn tính tắc nghẽn phế quản.

Khi không có yếu tố nguy cơ nào kể trên, trong 5 năm tỉ lệ vỡ phình ĐMCB chiếm 2%, trái lại khi xuất hiện cả ba yếu tố này, tỉ lệ vỡ phình ĐMCB lên đến 100%.

Trong hai biến chứng thường gặp của phình ĐMCB là tắc mạch ngoại biên và vỡ túi phình thì biến chứng sau nguy hiểm hơn, gây tử vong cao. Trên thế giới, kể từ thành công đầu tiên trong phẫu thuật phình ĐMCB vỡ vào năm 1954 tới nay, mặc dù đã có nhiều tiến bộ trong phẫu thuật, gây mê hồi sức, chăm sóc sau mổ... nhưng tử vong sau mổ ở các bệnh nhân bị vỡ túi phình còn lên đến 30-70%.

Khoảng một nửa số bệnh nhân tử vong trước khi kịp nhập viện do sốc mất máu nặng. Ở một nửa còn lại, 24% bệnh nhân sẽ tử vong trước khi các bác sĩ có thể can thiệp phẫu thuật do sốc không hồi phục và 42% tử vong do các biến chứng trầm trọng trong và sau mổ, nhất là các biến chứng về tim mạch, rối loạn đông máu, suy đa cơ quan.

Như vậy vấn đề cần quan tâm nhằm tăng hi vọng sống cho các bệnh nhân phình ĐMCB là làm sao giảm tỉ lệ vỡ túi phình. Điều đó cũng có nghĩa phải tăng khả năng tầm soát phát hiện sớm, đồng thời quản lý theo dõi chặt chẽ các trường hợp phình ĐMCB đã được phát hiện và can thiệp ngoại khoa thích hợp.

Việc phát hiện sớm phình ĐMCB có thể thực hiện qua thăm khám định kỳ, siêu âm mạch máu. Cần nâng cao sự hiểu biết của người dân về nguy cơ gây bệnh, các biểu hiện thông thường có thể gặp trong các giai đoạn của bệnh cũng như các biến chứng tắc mạch ngoại biên hay vỡ túi phình. Đau bụng ở bệnh nhân có phình ĐMCB rất có thể là triệu chứng báo hiệu túi phình sắp vỡ hay vỡ.

Chỉ định điều trị nội khoa và theo dõi định kỳ được đặt ra đối với các trường hợp phình ĐMCB có kích thước nhỏ và chưa có biến chứng. Thăm khám lâm sàng và siêu âm mạch máu định kỳ 3 tháng hoặc 6 tháng/lần là cần thiết. Việc sử dụng thuốc và điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt của người bệnh cũng rất quan trọng nhằm ngăn chặn sự phát triển của túi phình. Đối với tình huống phình ĐMCB dọa vỡ hoặc vỡ, điều quan trọng là phát hiện càng sớm càng tốt và kịp thời đưa người bệnh tới các trung tâm ngoại khoa.

Cứu sống một bệnh nhân vỡ túi phình

Bệnh viện Nhân dân 115 vừa cứu sống một bệnh nhân bị vỡ túi phình ĐMCB là bà P.T.D. (73 tuổi, ở Long An) nhập viện ngày 24-9. Túi phình ĐMCB của bà D. có đường kính to đến 12cm (ĐMCB bình thường có đường kính trung bình 2cm). Bà D. bị cùng lúc hai biến chứng là tắc mạch máu hai chân và bể một phần túi phình gây xuất huyết gần một lít vào ổ bụng và các cơ quan lân cận. Ngoài ra, bà D. còn bị suy tim, có tiền sử nhồi máu cơ tim trước đó vài tháng. Vì thế ca mổ cực kỳ khó khăn.

Sau phẫu thuật cắt túi phình bị bể và thay bằng đoạn ống nhân tạo, sáng 3-10 PGS.TS Cao Văn Thịnh cho biết sức khỏe bệnh nhân đã hồi phục tốt, có thể xuất viện trong vòng một tuần nữa.

L.TH.H.

Theo PGS.TS Cao Văn Thịnh / Tuổi Trẻ
(BV Nhân dân 115)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.