“Chén ngọc” dâng tặng Hoàng thành

03/10/2009 18:28 GMT+7

Thường thì người ta tặng hoa, gửi thư chúc mừng đại hội, chứ ít ai lại đi tặng… chén. Người đã làm cái điều độc đáo đó là ông Lý Ngọc Minh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Minh Long I.

Ông Minh đã có ý tưởng làm một cái chén. Và ông, với tư cách là Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (T.Ư MTTQ VN) đã mang món quà đặc biệt này đến Đại hội VII T.Ư MTTQ VN tổ chức tại Hà Nội vừa qua, với ý nguyện dâng tặng cho Hoàng thành Thăng Long xưa, nhân kỷ niệm kinh đô Thăng Long tròn 1.000 năm tuổi.

Ông Minh cho biết, 5 năm trước biết được thông tin sắp tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, ông nghĩ phải làm một cái gì đó thật có ý nghĩa để kỷ niệm sự kiện trọng đại này. Nhưng làm cái gì? Bình hoa, chậu bông thì thường quá. Làm cái cúp thì đẹp nhưng không lạ. “Cái chén là sản phẩm ngàn đời của người Việt. Vậy thì tại sao lại không làm một cái chén? Vậy là ông và ê-kíp nghệ nhân gốm sứ của công ty ông bắt tay vào làm chén, lấy tên là Chén ngọc”.

Nghĩ thì dễ, làm mới khó. Nếu để y nguyên cái chén thường dùng thì đâu có gì để nói. Đã là chén ngọc thì ít ra nó phải mang dáng vẻ quý phái, lãng mạn và nghệ thuật một chút. Và quà dâng cha ông đất Hoàng thành thì phải có linh vật mới thiêng. Linh vật ông chọn là 3 con rồng tượng trưng cho quân dân 3 miền gánh vác sơn hà. Thế vững như kiềng ba chân.

Nhưng dù là người có chuyên môn, gắn bó lâu năm với nghề gốm sứ như ông Minh, trước một sản phẩm dùng để... tiến vua, đôi khi cũng run tay. Ông cho biết, khi làm đến thân chén ông không nghĩ ra đề tài trang trí sao cho phù hợp, lại phải thể hiện được ý nghĩa và xứng tầm với ngày đại lễ. Nghĩ mãi, cuối cùng ông quyết định vẽ lên thân chén 2 cảnh, cách điệu quá trình hình thành và phát triển 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội. Cảnh thứ nhất là Thăng Long thành 1.000 năm trước với mô-típ hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, tàu thuyền tấp nập trên sông Hồng; sinh hoạt chợ búa xưa. Cảnh thứ hai vẽ Hà Nội ngày nay với Cột cờ, Lăng Bác, chùa Một Cột, Văn miếu Quốc Tử Giám, cầu Thê Húc, Phủ Chủ tịch đan xen với nhiều công trình kiến trúc xây dựng hiện đại.

Thực hiện được ý tưởng trên cũng trăm muôn ngàn khó. Khó thứ nhất là tạo hình. 3 con linh vật mảnh mai thì làm sao cõng nổi cái chén. Nếu đủ sức chịu lực thì thô kệch, không đẹp. Khi nung, chén chỉ có 3 điểm chịu lực nên méo mó. Lúc nguội do bên dưới là hình khối, nhiệt thoát ra không được nên dễ vỡ, chén thì cạch nứt do trên dưới không đồng dạng; chưa nói đến trọng lực đè lên 3 con linh vật chịu không nổi, sẽ đổ hay nghiêng ngửa... Bên cạnh cái khó về tạo hình, việc sử dụng màu để vẽ cũng là việc nhức đầu. Cuối cùng, ông chọn cách vẽ dưới men nung nhiệt độ cao với màu xanh cobalt truyền thống và nung theo kỹ thuật hoàn nguyên. “Trong 3 năm liền chúng tôi làm ra không biết bao nhiêu sản phẩm đều hư bỏ, tưởng như bó tay, không làm được”, ông Minh nói vậy. Nhưng trời không phụ lòng người, sau biết bao khó khăn, cuối cùng thầy trò ông như... “bay bổng trên mây” khi thấy chén ngọc ra lò như mong muốn..

Ngoài chén ngọc ông Minh còn làm thêm 5 cái cúp, đặt tên là cúp Lạc Hồng. Trước đây, ông đã từng chế tác cúp Rồng Việt tặng MTTQ VN để đấu giá gây quỹ “Vì người nghèo”. Cúp Rồng Việt chỉ cao 6 tấc nhưng đã là một kỷ lục vì chưa ai làm được mà không phải ráp. Lần này, để xứng tầm với sự kiện 1.000 năm Thăng Long, ông Minh quyết định làm 5 cái cúp 8 tấc nhằm xác lập kỷ lục mới. Mặt chính của cúp khắc nổi hình rồng, phượng dáng vẻ uy nghi của một vị vua. Chung quanh có sáu con rồng chầu, bên trên có 2 con rồng quấn quýt nhau, cộng lại cũng là con số 8. Mặt sau cúp vẽ hoa sen tượng trưng cho ngôi Hậu.

Theo nguyện vọng của ông Minh, chén ngọc sẽ dâng cho ngày đại lễ. Còn 5 chiếc cúp Lạc Hồng ông tặng Phủ Chủ tịch, Phủ Thủ tướng, Văn phòng T.Ư Đảng, Văn phòng Quốc hội và Ủy ban T.Ư MTTQ VN.        

 Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.