Nhiều hoạt động kỷ niệm 90 năm Dạ cổ hoài lang

29/09/2009 23:04 GMT+7

Tối 29.9, tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Bạc Liêu, UBND tỉnh đã khai mạc lễ kỷ niệm 90 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Bản vọng cổ này đã làm tiền đề cho nghệ thuật cải lương khai sinh ở nước ta.

Nhân dịp này, một chuỗi các hoạt động nhằm bảo tồn và phát huy bản Dạ cổ hoài lang trong thời kỳ hội nhập và phát triển đã và đang được triển khai: Công diễn sân khấu hóa kỷ niệm 90 năm ngày ra đời bản Dạ cổ hoài lang; Hội diễn sân khấu cải lương chuyên nghiệp toàn quốc, với sự tham gia của 19 đoàn cải lương tiêu biểu trong cả nước; Khánh thành di tích lịch sử văn hóa khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu; Lễ giỗ tổ cổ nhạc tại đoàn cải lương Cao Văn Lầu; Tổ chức thả hoa đăng trên sông Bạc Liêu; Thi tìm hiểu sự ra đời và phát triển bản Dạ cổ hoài lang; Hội chợ thương mại - du lịch kết hợp trưng bày hiện vật, hình ảnh về thân thế và sự nghiệp cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu và các hoạt động tọa đàm, hội thảo gắn kết với các tour du lịch từ khách sạn Công tử Bạc Liêu - khu lưu niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu - vườn chim - Khu Phật bà Nam Hải - Vườn nhãn Bạc Liêu - chùa Xiên Cán (thị xã Bạc Liêu)...

Cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) sinh ngày 22.12.1892, tại xã Thuận Mỹ, huyện Vàm Cỏ, tỉnh Long An. Ông theo gia đình đến Bạc Liêu năm lên 4 tuổi và sống trọn đời ở đây. Ông mất ngày 13.8.1976 tại thị xã Bạc Liêu. Bản Dạ cổ hoài lang (hay còn gọi là Vọng cổ hoài lang) do cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu sáng tác năm 1919. Gần một thế kỷ qua, Dạ cổ hoài lang vẫn được các nghệ sĩ cải lương và công chúng trân trọng.

Trần Thanh Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.