Bệnh suy, giãn tĩnh mạch

28/09/2009 16:54 GMT+7

Hiện thế giới có khoảng 300 triệu người mắc bệnh suy tĩnh mạch; chỉ riêng tại Mỹ, mỗi năm căn bệnh này làm tiêu tốn hơn 5 tỉ USD cho việc chữa trị.

Những yếu tố dễ mắc bệnh

Đó là thông tin được đưa ra tại buổi sinh hoạt chuyên môn của Hội Tĩnh mạch học (TP.HCM) hôm 27.9. PGS-TS Nguyễn Hoài Nam - Chủ tịch Hội trình bày, suy tĩnh mạch chi dưới là bệnh lý thường gặp ở những người đang tuổi làm việc, gặp ở nữ nhiều hơn nam. Các nước châu u và Mỹ rất quan tâm đến căn bệnh này, vì nó làm tiêu tốn một khoản chi phí khá lớn cho việc chữa trị hằng năm. Riêng tại VN, chưa có khảo sát, thống kê về bệnh này, nhưng trong thực tế, các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhân này khá nhiều. Chẳng hạn, chỉ riêng tại Bệnh viện ĐH Y Dược (TP.HCM), mỗi năm tiếp nhận khám và chữa trị cho hơn 7.000 bệnh nhân bị suy tĩnh mạch, và phẫu thuật cho hơn 150 bệnh nhân bị giãn tĩnh mạch. Do bệnh ngày càng nhiều nên TP.HCM vừa thành lập Hội Tĩnh mạch học, nhằm quy tụ các giáo sư, bác sĩ chuyên điều trị căn bệnh này.

Sở dĩ nữ mắc phải nhiều hơn nam, theo các bác sĩ là do ảnh hưởng của nội tiết nữ, thai nghén tác động lên tĩnh mạch. Ngoài ra, những người dễ mắc bệnh này gồm: yếu tố di truyền; làm nghề phải đứng lâu; dùng giày không thích hợp; tăng trọng lượng cơ thể quá mức; người ăn nhiều chất bột, ít chất xơ; người hay bị táo bón...

Biểu hiện và biến chứng

Triệu chứng biểu hiện thường gặp là, ở chỗ tĩnh mạch bị giãn sẽ đau, ngứa, cảm giác nóng bỏng, đau chân, mỏi chân, sưng chân. Biến chứng của tình trạng giãn tĩnh mạch là gây rối loạn về huyết động học (cẳng chân sưng to lên, đau buốt mặt sau cẳng chân, chuột rút về đêm); nặng hơn người bệnh bị viêm tắc tĩnh mạch, các tĩnh mạch nổi rõ ngoằn ngoèo và viêm cứng; giai đoạn cuối có thể gây giãn to toàn bộ hệ tĩnh mạch, làm ứ trệ tuần hoàn và rối loạn dinh dưỡng ở da chân, gây viêm loét, nhiễm trùng, rất khó chữa trị.

Theo các bác sĩ trình bày, hiện có nhiều phương pháp được áp dụng trong điều trị căn bệnh nói trên như: điều trị bảo tồn, phẫu thuật, đốt nhiệt cao tần, laser nội mạch, chích xơ... Tùy từng mức độ bệnh mà bác sĩ chọn phương pháp thích hợp.

Thanh Tùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.