Lần theo dấu vết cá chình

28/09/2009 16:29 GMT+7

Bí ẩn về chuyến hành trình xa xăm của loài cá chình châu u đã lần đầu tiên được các nhà khoa học làm sáng tỏ.

Đã nhiều năm, người ta bối rối về việc cá chình sau khi rời những dòng sông quen thuộc sẽ đi về đâu và thực hiện chuyến di trú như thế nào. Nay, các nhà khoa học dùng thẻ vệ tinh để theo dõi dấu vết của 22 con cá chình. Những thông tin, dữ liệu đầu tiên về 1.300 km đã đi qua trong tổng hành trình 5.000 km của cá chình đã lần đầu tiên được công bố trên tạp chí Journal Science.

Vòng đời của loài cá chình châu u (tên khoa học Anquilla anquilla) là một bí ẩn của tự nhiên. Những năm đầu đời chúng sống trên các dòng sông, rồi khi đã trưởng thành, do nhu cầu sinh sản chúng đã hướng về biển, rời môi trường nước ngọt quen thuộc để vượt qua Địa Trung Hải đến biển Sargasso gần Bahamas.

Tại đó chúng sẽ đẻ trứng rồi chết, thân xác tan vào lòng biển. Những chiếc trứng trong suốt sẽ nở ra ấu trùng có tên gọi leptocephalus. Những ấu trùng này sẽ bồng bềnh trên đại dương, lớn thành những cá chình con bé tí và chúng lại làm một hành trình ngược về các dòng sông để trưởng thành. Cá chình sống trên sông có thể dài hơn 1 mét.

Theo BBC thì từ năm 2006, các nhà khoa học đã gắn thẻ theo dõi qua vệ tinh cho 22 con cá chình rồi thả chúng xuống vùng bờ biển Galway, phía tây Ireland. Những chiếc thẻ này không chỉ ghi nhận vị trí của cá mà còn những hành vi khác như tốc độ bơi, khả năng lặn sâu, định hướng... Những tín hiệu đó sẽ được truyền lên vệ tinh rồi chuyển về cho các nhà khoa học. Dữ liệu cho thấy có một số trong 22 con cá chình đã bơi quá chậm nên đến trễ thời hạn tháng 4 hằng năm, là lúc chúng vào mùa sinh sản.

Dữ liệu cũng cho thấy rằng về đêm cá chình thích bơi ở những vùng nước nông, ấm áp, nhưng đến sáng thì chúng lặn sâu xuống 1.000 mét. Khi ngày tàn, hoàng hôn dần buông xuống thì chúng lại nổi trở lên... Điều đặc biệt là chúng không dùng thức ăn trong suốt quá trình di chuyển, theo các nhà khoa học thì tập tính lạ đời này có thể giúp chúng tránh được những loài cá ăn thịt hung dữ.

Thật ra thì từ năm 1922, nhà khoa học người Đan Mạch Johannes Schmidt đã lần đầu tiên suy đoán về quá trình tăng trưởng cũng như chuyến vượt đại dương đến biển Sargasso của cá chình sông châu u.

Theo tiến sĩ Righton, một thành viên trong nhóm nghiên cứu thì dự án trên còn kéo dài đến năm 2012, đó là sự kiện kỷ niệm 90 năm ngày Schmidt phát hiện sự di trú của cá chình.

Tạ Xuân Quan

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.