Y tế học đường tại TP.HCM (kỳ 2)

28/09/2009 10:42 GMT+7

Kỳ 2: Tụt hậu so với nhu cầu thực tế (TNO) "Y tế học đường của chúng ta hiện nay chạy không kịp và có thể bị bỏ lại xa phía sau so với các vấn đề y tế mới phát sinh và những đòi hỏi, nhu cầu thực tế trong việc kiểm tra, chăm sóc sức khỏe học sinh (HS) trong trường học", bác sĩ Lê Trường Giang, Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM nhận định.

Lỗ hổng từ tiêu chuẩn y tế học đường

Ông Giang nói thêm: “Với những nhu cầu mới phát sinh trong trường học như: bán trú, nội trú; số lượng HS, giáo viên, cán bộ, công nhân viên trong ngành giáo dục tăng nhanh, thì rõ ràng lực lượng làm công tác y tế hiện nay của Sở GD-ĐT TP.HCM không thể chăm sóc sức khỏe hết cho những người đang làm việc và học tập trong môi trường học đường”.

Một bằng chứng là, vừa qua khi xảy ra dịch cúm A/H1N1, các ngành chức năng mới phát hiện ra hiện chưa có quy định nào về vệ sinh, y tế cho hoạt động nội trú và bán trú tại các trường học.

Ở nhiều trường nội trú, giường ngủ cho HS lên đến ba tầng, xếp lớp san sát nhau, HS có thể chạy chơi, đùa giỡn trên các tầng giường giống như trên sàn vậy. Tính ra mỗi HS chỉ có được 1m2 diện tích.

Ông Giang đánh giá: “Trong không gian như thế HS không phát sinh bệnh và lây bệnh cho nhau mới là chuyện lạ”.

 
Giường ngủ của học sinh trường nội trú được xếp san sát nhau - Ảnh: Nguyên Mi

Việc khám sức khỏe cho HS cũng chỉ diễn ra đồng loạt vào đầu năm học. Điều này gây quá tải đối với các trung tâm y tế, bệnh viện quận, huyện. Việc khám sức khỏe HS được thực hiện sơ sài, chưa đạt chất lượng.

Hiện nay, nguồn kinh phí chi cho việc khám sức khỏe cho HS còn chưa thỏa đáng khi mà Nhà nước chỉ cấp 10.000 đồng/HS/năm để khám sức khỏe, cộng thêm 10.000 đồng/HS/năm tiền thuốc men, y cụ phục vụ cho công tác y tế tại trường học.

Theo thống kê của Sở GD-ĐT TP.HCM, hiện nay TP.HCM có hơn 1.500 trường học với gần 1,3 triệu HS. Ngoài ra, số lượng học viên văn hóa ngoài giờ, còn có đến hơn 1,1 triệu lượt học viên/năm, với hơn 500 cơ sở ngoại ngữ, tin học và bồi dưỡng văn hóa. Trong khi đó, chỉ có gần 40% trường học có cán bộ chuyên trách về y tế và chỉ 50% trong số đó đạt trình độ chuẩn theo quy định của Bộ GD-ĐT (từ trung cấp y tế trở lên).

Cán bộ y tế cũng phân bố không đều giữa các quận, huyện. Huyện Hóc Môn có 90% trường có cán bộ y tế, trong khi huyện Nhà Bè chỉ có 3,7% trường có cán bộ y tế.

Hiện nay, toàn TP.HCM có hơn 1.000 trường học bán trú với hơn 500.000 HS học hai buổi, ăn trưa tại trường; 36 trường có tổ chức nội trú với hơn 8.000 HS ở nội trú. Đây là một “gánh” không nhẹ đối với công tác phòng chống ngộ độc thực phẩm, phòng chống dịch bệnh trong học đường.

Theo bác sĩ Trương Trọng Hoàng, Phó giám đốc Trung tâm Truyền thông và Giáo dục sức khỏe TP.HCM, hiện nay, barem điểm về y tế học đường mà Sở GD-ĐT TP.HCM đang áp dụng chưa đánh giá đúng tình hình sức khỏe cũng như việc chăm sóc sức khỏe của HS tại các trường học. Nhiều trường khó khăn vẫn chưa được đầu tư đúng chuẩn về phòng ốc, thuốc men cho y tế học đường và đành chịu “chấp” phần điểm thi đua đó. Một bảng barem mới về y tế học đường đang được Sở Y tế TP.HCM và Sở GD-ĐT TP.HCM soạn thảo để công bố.

Tìm lối đi riêng

Trong tình hình đó, đa phần các trường đều phải tự tìm "lối đi" cho việc vận hành công tác chăm sóc sức khỏe HS của trường mình.

Như đối với trường THCS Hoàng Hoa Thám (Q.Tân Bình), Trưởng khoa Nha của Bệnh viện Nhi đồng 1 là phụ huynh HS của trường. Vì vậy, trường được phụ huynh hứa giúp đỡ, mỗi học kỳ bác sĩ nha sẽ về khám cho HS trong vòng ba ngày. Sau đó nhà trường sẽ gửi thông báo kết quả khám nha về cho gia đình, chứ trường cũng không giải quyết chữa trị được.

Một phương án khác được nhà trường đưa ra là, tính cách cùng liên kết với một trường lân cận, ngay sát trường mình để cùng mời một bác sĩ về chăm sóc sức khỏe cho HS. Hai trường sẽ chia nhau phần chi phí cho nhẹ gánh và nhân viên y tế này sẽ chia ca trực ở cả hai trường. Tuy nhiên, biên chế thì không biết tính như thế nào (!).

Thầy Lê Văn Linh, Hiệu trưởng trường Trung học tư thục Thanh Bình (Q.Tân Bình) cho biết: “Là trường nội trú nên việc chăm sóc sức khỏe HS cũng như vệ sinh phòng dịch là cực kỳ quan trọng. Vì vậy, tôi đang có chủ trương hợp đồng liên kết với một bệnh viện để chăm sóc sức khỏe cho HS của trường mình. Như thế sẽ tận dụng được đội ngũ y bác sĩ tốt, đúng chuyên môn của các chuyên khoa”.

 
Bữa ăn trưa trong không gian chật hẹp của một trường nội trú - Ảnh: Nguyên Mi

Về mặt quản lý y tế học đường, ông Nguyễn Tiến Đạt, Phó giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho biết: "Giải pháp lâu dài của Sở về y tế học đường là tự đào tạo nguồn cán bộ y tế phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe HS trong trường học. Sở bắt đầu thực hiện chính sách cử tuyển cán bộ của ngành mình đi đào tạo về y tế. Song song đó, Sở cũng tuyển cán bộ y tế có trình độ sơ cấp rồi đào tạo tiếp lên trung cấp và cao hơn theo đúng chuẩn”.

Đề án tuyển dụng và đào tạo cán bộ y tế của Sở GD-ĐT TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2015 tất cả các trường học đều có cán bộ y tế đạt chuẩn.

Viên An

Y tế học đường tại TP.HCM (kỳ 1)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.