Hấp thu dưỡng chất dưới góc nhìn của chuyên gia dinh dưỡng

22/09/2009 17:21 GMT+7

Trong giai đoạn từ 6 đến 12 tuổi, trẻ phải đối diện với nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến quá trình tiêu hóa và hấp thu dưỡng chất do trẻ bắt đầu hòa nhập vào môi trường học tập và sinh hoạt tập thể. Vậy vấn đề chúng ta cần quan tâm là làm sao đảm bảo hệ tiêu hóa của trẻ luôn khỏe mạnh để trẻ hấp thu tốt các dưỡng chất cần thiết.

Các vấn đề về tiêu hóa trẻ thường gặp 

Trẻ ở lứa tuổi tiểu học (6-12 tuổi) có nhu cầu khác so với lứa tuổi trước đó, do bắt đầu sống trong môi trường tập thể, cần tập trung phát triển khả năng tư duy và trí nhớ, phát triển các kỹ năng đọc, viết, tính toán. Tuy nhiên, các vấn đề bệnh lý về tiêu hóa trẻ hay mắc phải cũng khác trước, đặc biệt tỷ lệ trẻ viêm dạ dày ở độ tuổi này bắt đầu tăng cao.

Trẻ tiểu học cũng rất hay bị sâu răng, ảnh hưởng nhiều đến khả năng nhai nuốt và tiêu hóa thực phẩm. Những trẻ hư răng sẽ lười ăn do sau khi ăn hay bị khó tiêu, đau bụng, chậm tăng trưởng do thiếu các chất dinh dưỡng. Ký sinh trùng đường ruột gây ra rối loạn tiêu hóa, mất chất dinh dưỡng, suy dinh dưỡng, thiếu máu..., một số loại còn gây ra kém hấp thu.

Trẻ ở tuổi này rất thích ăn thức ăn nhanh và các món ăn vặt bày bán trước cổng trường, đa số là các sản phẩm không được bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, hoặc chứa những chất bảo quản và phụ gia độc hại như hàn the, formol, phẩm màu công nghiệp, hóa chất tẩy trắng, chất tạo ngọt... cũng gây ra tình trạng tích lũy trong đường tiêu hóa, gan, thận..., làm rối loạn tiêu hóa, cản trở hấp thu thức ăn và gây hại cho tế bào. Các loại mỡ và dầu cọ nhiều acid béo no cũng làm trẻ hay bị ậm ạch khó tiêu.

Môi trường mới mà trẻ ở tuổi bắt đầu đi học cần thích nghi có nhiều nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến quá trình hấp thu dinh dưỡng ở trẻ, ngăn cản quá trình tăng cân, tăng chiều cao cũng như tạo năng lượng phục vụ cho hoạt động của trẻ. Do đó, các bậc phụ huynh cũng như các bếp ăn tập thể tại các trường tiểu học cần quan tâm chu đáo về chế độ ăn uống của trẻ cả về chất, về lượng và về cách ăn để giúp trẻ hấp thu hiệu quả các dưỡng chất cần thiết.

Cùng chung tay giúp  trẻ hấp thu tốt các dưỡng chất  

Trước những thực tế ấy, chúng ta cần biết cách để xây dựng một thời khóa biểu hợp lý, có thời gian cho học tập, ăn uống và nghỉ ngơi sau ăn. Khuyên trẻ không nên vừa ăn vừa xem tivi hay đọc sách, dễ gây khó tiêu, viêm dạ dày, hấp thu kém. Phụ huynh và nhà trường cùng phối hợp hướng dẫn trẻ giữ vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn và không ăn thức ăn bán ở lòng lề đường. Bên cạnh đó, chúng ta cần phát hiện và điều trị kịp thời những bệnh lý đường tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón, viêm gan, viêm tụy, viêm dạ dày để không ảnh hưởng đến khả năng hấp thu dưỡng chất của trẻ.

Đối với chế độ ăn uống của trẻ, mỗi bữa ăn cần được cân đối đầy đủ các thành phần dưỡng chất cần thiết đóng vai trò là chất xúc tác cho quá trình hấp thu dinh dưỡng. Các thành phần đó trước hết bao gồm chất xơ, giúp tinh bột được hấp thu từ từ, không tăng đường huyết quá nhanh, đồng thời có tác dụng chống táo bón (trường hợp hay gặp do trẻ phải ngồi nhiều ít vận động). Các vitamin tan trong dầu ADEK được hấp thu cùng với chất béo, có vai trò quan trọng trong chuyển hóa chất, tăng miễn dịch. Mỗi ngày duy trì khoảng 2 lần sữa hoặc các chế phẩm của sữa (yaourt, phô-mai...) để trẻ nhận được đủ nguồn canxi dễ hấp thu. Và điều cuối cùng nhưng khá cần thiết là bữa ăn hằng ngày của trẻ cũng nên bao gồm các thành phần dưỡng chất hỗ trợ tăng diện tích hấp thu của màng ruột, thúc đẩy hoạt động của hệ men vi sinh đường ruột cũng như giúp các khoáng chất hòa tan nhanh chóng để trẻ hấp thu tốt nhất các chất dinh dưỡng có trong thức ăn.

Cùng chung mối quan tâm trên, các chuyên gia dinh dưỡng hàng đầu trong và ngoài nước sẽ cùng gặp gỡ tại buổi hội thảo “Từ dinh dưỡng đến dinh dưỡng hiệu quả - Chuyên đề tăng cường hấp thu” vào tháng 10 sắp đến tại Hà Nội. Đây là nơi các chuyên gia dinh dưỡng cùng trình bày và trao đổi các thông tin khoa học và kinh nghiệm chuyên môn, từ đó các thông tin bổ ích này sẽ được chia sẻ cùng cộng đồng. Tất cả vì mục tiêu cùng quan tâm, chăm sóc để trẻ có đầy đủ điều kiện về sức khỏe và thể chất, giúp trẻ học tốt, khỏe khoắn và năng động.

BS CK2 Nguyễn Thị Thu Hậu
(Trưởng khoa Dinh dưỡng Bệnh viện Nhi đồng 2)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.