"Sốt vó” vì bệnh tay chân miệng

22/09/2009 15:03 GMT+7

TP.HCM đã có 5 trẻ tử vong do bệnh tay chân miệng. Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần giữ vệ sinh cho trẻ trong sinh hoạt, ăn uống và môi trường, tăng cường chế độ đề kháng, dinh dưỡng...

Những ngày gần đây, số trẻ mắc bệnh tay chân miệng nhập viện tại các bệnh viện (BV) nhi tăng lên bất thường, đặc biệt trong hai ngày cuối tuần qua đã có 2 trẻ tử vong vì bệnh này.

Nhiều trẻ tử vong

Ghi nhận của chúng tôi trong ngày 21-9 tại BV Nhi Đồng 1 và 2 (TPHCM) cho thấy số bệnh nhi đến khám bệnh tay chân miệng cũng như đang nằm điều trị nội trú chật kín các giường bệnh. Tại Khoa nhiễm BV Nhi Đồng 1, chỉ trong ngày 21-9 đã tiếp nhận điều trị thêm gần 20 trẻ bị bệnh tay chân miệng. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng Khoa Nhiễm và Thần kinh BV Nhi Đồng 1, cho biết mỗi ngày khoa tiếp nhận hơn 20 trẻ mắc bệnh này, trong đó khoảng 3-5 trường hợp bị biến chứng nặng về thần kinh, phải thở máy.

Trong khi đó, tại BV Nhi Đồng 2, theo bác sĩ Vũ Quang Vinh, Phó Phòng Kế hoạch tổng hợp, số trẻ nhập viện do mắc bệnh tay chân miệng những ngày gần đây gia tăng. Hiện có hơn 30 trẻ mắc bệnh này đang điều trị tại BV. Chỉ trong hai tuần qua, BV đã tiếp nhận hơn 100 trẻ điều trị nội trú bệnh tay chân miệng, trong đó 10% trẻ bị biến chứng nặng. Đặc biệt, ngày 17-9, tại BV này đã có 2 bệnh nhi tử vong do mắc bệnh tay chân miệng. Đó là bé B.N.H.P (18 tháng tuổi) và bé H.H.P (3 tuổi), đều ngụ tại TP Biên Hòa-Đồng Nai. Trước đó, từ tháng 4 đến tháng 7, đã có 3 bệnh nhi khác ngụ tại các quận Tân Phú, Gò Vấp và huyện Củ Chi tử vong vì bệnh này do biến chứng thần kinh, trụy tim mạch...

Không có biểu hiện bệnh

Có một điểm khác thường và cũng là điều đáng báo động là trẻ bị mắc bệnh tay chân miệng nhưng không có dấu hiệu đặc thù trên cơ thể (hoặc có mà rất ít). Vì vậy, việc phát hiện để có hướng điều trị kịp thời là rất khó. Trường hợp bé B.N.H.P vừa tử vong là một ví dụ. Dù bệnh nhi này mắc bệnh nhiều ngày nhưng không bị nổi những nốt hồng ban (một dấu hiệu điển hình của bệnh tay chân miệng) nên gia đình không hay biết. Theo các bác sĩ, với những trẻ mắc bệnh tay chân miệng mà không nổi hồng ban hoặc nổi ít thì bệnh thường diễn biến rất nặng. Trong khi đó, ở loại bệnh này chưa có vắc-xin phòng ngừa, việc điều trị chỉ thực hiện theo biểu hiện triệu chứng của trẻ.

Theo bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng TPHCM, qua ghi nhận các trường hợp tử vong vì bệnh tay chân miệng trong năm nay cho thấy có một “mẫu số chung” là trẻ nhập viện muộn, bị biến chứng thần kinh, suy hô hấp... Hiện dịch bệnh tay chân miệng đang vào mùa, vì vậy khi thấy trẻ có các triệu chứng như: nổi ban đỏ; nổi mụt nước trong miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, đầu gối, mông... thì nên đưa đến các cơ sở y tế để chữa trị kịp thời. Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ cần giữ vệ sinh cho trẻ trong sinh hoạt, ăn uống và môi trường; tăng cường chế độ đề kháng, dinh dưỡng...

Theo Nguyễn Thạnh / NLĐ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.