Khổ vì những siêu dự án “treo”

19/09/2009 23:39 GMT+7

Thời gian gần đây, Thanh Niên liên tục nhận được những tiếng kêu của người dân sống ở các khu vực có dự án “treo” trên địa bàn TP.HCM; ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và quyền lợi chính đáng của hàng chục ngàn hộ dân.

Khổ vì dự án trên... giấy!

Là một huyện ngoại thành của TP.HCM, nơi diễn ra quá trình đô thị hóa rất nhanh, hàng ngàn hộ dân ở H.Bình Chánh đang khổ sở vì hàng chục dự án “treo” thuộc hạng “cổ” nhất, nhì của TP. Đứng đầu danh sách “treo” có thâm niên nhất của H.Bình Chánh là dự án Khu sinh thái văn hóa Vĩnh Lộc (gọi tắt là khu sinh thái), quy mô dự án hơn 400 ha, với 14 năm và hiện còn nằm trên... giấy!

Một ngày cuối tháng 8, chúng tôi có mặt tại xã Vĩnh Lộc B, một trong 3 xã (hai xã còn lại là Vĩnh Lộc A và Phạm Văn Hai) bị “dính” quy hoạch dự án khu sinh thái. Càng đi vào sâu các ấp, những con đường đất càng khó đi vì gập ghềnh và đầy ổ gà. Vừa hỏi thăm khu đất quy hoạch dự án khu sinh thái, ông Phạm Văn Mẻ, ngụ ở ấp 5, nói giọng trách cứ: “Hỏi đến dự án đó làm gì chú ơi! Vì nó mà tụi tui phải sống dở, chết dở như vầy nè”. Chỉ tay về những nóc nhà mái lá, vách lá chực sập xuống bất cứ lúc nào, trong đó có căn nhà của mình, ông Mẻ nói tiếp: “Ở đây, nhà nào cũng có vài công đất, nhưng hầu như chẳng làm gì được, sau khi bị dự án “treo” đè suốt 14 năm qua. Khu sinh thái văn hóa chẳng thấy đâu, chỉ thấy cái nghèo cứ bám riết tụi tui hoài!”.

Một quy hoạch “treo” có tiếng khác của TP là dự án khu đô thị mới Bình Quới - Thanh Đa(Q. Bình Thạnh). Gần 20 năm trước, TP đã quyết định biến khu bán đảo tuyệt đẹp này thành một khu đô thị mới với các chức năng dịch vụ, du lịch... Tuy nhiên, niềm vui của người dân đã tắt dần theo năm tháng vì dự án chỉ nằm trên... giấy từ năm này sang năm khác, còn người dân ở đây thì bị hạn chế xây dựng, sửa chữa và bán nhà, đất để chờ... dự án triển khai!

Ông Đặng Văn Khoa, đại biểu HĐND TP.HCM: Phải truy trách nhiệm đến cùng vì chậm xóa “treo”

Dư luận đòi hỏi lãnh đạo TP cần truy trách nhiệm, xử lý các cơ quan chức năng chậm xử lý quy hoạch “treo”, dự án “treo”, “treo” luôn quyền lợi của dân.

Một lần nữa, tôi đề nghị UBND TP cần nhanh chóng chỉ đạo quyết liệt các sở, ngành liên quan tháo gỡ tình trạng quy hoạch “treo”, dự án “treo” đã kéo dài nhiều năm qua trên địa bàn TP. Trước mắt, cần tạo điều kiện cho người dân đang sinh sống tại các khu quy hoạch “treo”, dự án “treo” được thực hiện đầy đủ các quyền của mình (hợp thức hóa nhà, đất, chuyển nhượng, sửa chữa nhà ở...) như người dân ở các khu vực khác.

M.Nam

Bức xúc không kém là hàng ngàn hộ dân ở P.Hiệp Bình Chánh (Q.Thủ Đức). Quy hoạch chi tiết khu đầu mối giao thông và dân cư Bình Triệu (có tổng diện tích 200 ha) được Kiến trúc sư trưởng thành phố phê duyệt vào tháng 3.2002; trong đó, khu đầu mối giao thông (ga đường sắt Bình Triệu 62 ha). Nhưng kể từ khi được phê duyệt quy hoạch cho đến nay, dự án quy hoạch này vẫn chưa nhúc nhích, trong khi quyền lợi của người dân sống trong quy hoạch đều bị "đóng băng" để chờ thực hiện quy hoạch.

Mòn mỏi chờ đợi

Dự án xây dựng Bến xe Miền Tây (BXMT) tại xã Tân Quý Tây (H.Bình Chánh) đã triển khai xuống dân hơn 10 năm qua, người dân mòn mỏi chờ đợi, hy vọng rồi thất vọng khi đến nay vẫn chưa thấy khởi động. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tùng, Chủ tịch UBND xã Tân Quý Tây, cho biết: “Tất cả các cuộc họp từ xã đến huyện, các hộ dân trong phạm vi quy hoạch chất vấn rất “căng”, đề nghị chính quyền trả lời về tính khả thi của dự án này, xã huyện không biết trả lời với bà con như thế nào cho phải”. Do là đất đã “quy hoạch” nên cuộc sống của bà con bị ảnh hưởng rất lớn. Hộ ông Trần Văn Út ở tổ 9 xin cất nhà cho con ra riêng; hộ bà Sáu Nhạn xin làm lại nhà mới do căn hộ đang ở xuống cấp; hộ bà Nguyễn Thị Dồi xin xây nhà kho để cho thuê, buôn bán... Nhưng tất cả đều bị cơ quan chức năng... lắc đầu. Thậm chí, ông Trương Vĩnh Xương, Trưởng ban Nhân dân ấp 3 nói: “Ngay cả nguyện vọng rất chính đáng của bà con là xin xây lại mồ mả ông bà cũng không được”. Lý do được giải thích chung là “đất đã quy hoạch làm BXMT (!)”.

Dự án “treo” lâu, không chỉ có bà con Tân Quý Tây khổ, ngay cả Ban giám đốc Công ty cổ phần BXMT hiện nay cũng chẳng vui sướng gì. Ông Huỳnh Hải Oanh, Phó tổng giám đốc công ty này cho biết, vì được tin “di dời” nên nhiều năm BXMT không được nâng cấp sửa chữa dù là đã quá tải, xuống cấp.

Tại P.Hiệp Bình Chánh, Q.Thủ Đức, cứ mỗi lần họp với chính quyền, người dân đều phản ánh, thậm chí phản ứng quyết liệt vì bị dự án “treo” ga Bình Triệu. Tuy nhiên, lần nào cũng nghe câu trả lời quen thuộc của chính quyền địa phương: Cứ chờ! Lãnh đạo Sở Quy hoạch - Kiến trúc thì cho biết: quy hoạch khu đầu mối giao thông Bình Triệu nằm trong quy hoạch giao thông quốc gia, do Bộ GTVT chủ trì. Sở đã nhiều lần hỏi ý kiến của Bộ rằng, có thực hiện hay không. Lần nào hỏi, Bộ cũng khẳng định sẽ thực hiện, nhưng bao giờ thực hiện thì không khẳng định.

“Treo” quyền lợi của dân

Còn nhớ, theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đến cuối tháng 6.2007 phải xóa hết các quy hoạch "treo", dự án "treo" trên cả nước, trong đó TP.HCM là một trong những địa phương có nhiều quy hoạch "treo", dự án "treo" nhiều nhất nước.

Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, TP.HCM đã tổ chức nhiều đoàn công tác về các quận, huyện để phối hợp điều chỉnh các quy hoạch chi tiết 1/2.000 được phê duyệt trước đây, nhằm phát hiện và xóa dự án "treo". Đồng thời, chuyển việc phê duyệt các đồ án quy hoạch chi tiết phân cấp về cho quận huyện để địa phương tự chịu trách nhiệm quản lý và thực hiện quy hoạch chi tiết do mình phê duyệt, Sở Quy hoạch - Kiến trúc chỉ hướng dẫn, thẩm định và giám sát việc thực hiện quy hoạch của các quận, huyện... Thế nhưng, việc xử lý quy hoạch “treo” tại nhiều địa phương vẫn cứ ì ạch! Ông Trương Trọng Nghĩa, đại biểu HĐND TP.HCM, băn khoăn: “Việc phân cấp duyệt quy hoạch về cho quận huyện là không hợp lý, vì cấp quận huyện không đủ năng lực, không đủ thông tin, nên khi làm quy hoạch phải chạy ngược lên hỏi Sở Quy hoạch - Kiến trúc và đồ án quy hoạch cũng phải qua sở này thẩm định... Cứ thế quyền lợi của dân cứ bị “treo” hoài".

Minh Nam - Nguyên Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.