Khải Hoàng: Mặt "ác" mà chuyên diễn vai hiền

18/09/2009 15:11 GMT+7

Có gương mặt khá dữ dằn, hơi đểu cáng nhưng Khải Hoàng liên tục được đạo diễn mời vào các vai chính diện, cương trực và luôn giúp đỡ những người xung quanh. Anh cười đùa: “Chắc tôi có duyên với những vai dạng Lê Lai cứu chúa”.

Từng theo học trường Sân khấu- điện ảnh cách đây gần 10 năm, tại sao anh lại bỏ dở việc học hành để đi xuất khẩu lao động? Phải chăng anh không thực sự đam mê nghệ thuật?

Không phải tôi bỏ dở. Thực ra, tôi rất yêu thích nghệ thuật nhưng ở thời điểm đó, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, sinh viên điện ảnh ra trường cũng không có nhiều phim để đóng. Ngày đó đám bạn sinh viên chúng tôi thường hỏi nhau, không biết đời mình khi nào mới có cơ hội nhận được một vai diễn. Để tồn tại, tôi phải tìm cho mình một hướng đi khác. Mặt khác, tôi vẫn luôn tự nhủ với mình, việc học ở trong trường là để có nền tảng kiến thức chuyên môn, còn khi bước ra ngoài đời, với những cọ xát về cuộc sống sẽ giúp tôi có hành trang tốt hơn nếu có dịp quay trở lại với nghề. Tôi nghĩ vốn sống là quan trọng nhất đối với nghề diễn.

Vậy anh trở về vì đã có đủ vốn sống hay vì cuộc sống kinh tế đã đầy đủ và đến lúc cần trở lại với đam mê của mình?

Tôi nghĩ vì cả 2 lý do đó. Trong thời gian đi hợp tác lao động 4 năm ở nước ngoài, tôi luôn theo dõi tình hình điện ảnh, truyền hình nước nhà qua sách báo, internet… Sự phát triển của lĩnh vực này trong đời sống văn hóa thời gian vừa qua khiến tôi cảm thấy nôn nao và quyết tâm trở về để tìm kiếm cho mình những cơ hội đến với nghệ thuật.

Và cơ hội đã đến với anh như thế nào?

Diễn viên Khải Hoàng
Sinh năm: 1980
Từng theo học trường Sân khấu - Điện ảnh TP.HCM
Sở thích: Điện ảnh, làm từ thiện, cây cảnh thiên nhiên, nhạc cổ điển
Các vai diễn: Đình Hùng (Luật giang hồ), Huy (Mùa thu đi một nửa-đang phát sóng trên HTV9, lúc 22g30 từ thứ 2 đến thứ 4), Hữu Nghĩa (Tại tôi - sắp phát sóng), Vinh (Hoa xương rồng - đang quay)
Cách đây khoảng 2 năm, có một ngày, khi tôi đi lên Hãng phim truyện trên đường Thái Văn Lung để gặp một người bạn thì gặp đạo diễn Bùi Cường đang ngồi uống cà phê ở đó. Hai người nói chuyện đang cần tìm một người vào vai Đinh Hùng trong bộ phim Luật giang hồ. Người bạn thấy tôi đến liền giới thiệu “Bạn cháu cũng từng học qua điện ảnh nhưng đã lâu rồi, không biết còn diễn xuất được không. Hay chú cho diễn thử xem có đạt không?”. Đạo diễn nhìn thấy tôi cũng hài lòng vì ngoại hình của tôi hợp với nhân vật cần tìm. Chú nói cứ thử diễn xem sao. Không ngờ sau vai diễn này tôi bén duyên với phim truyền hình và từ đó tới nay đã tham gia thêm được 4 phim nữa như Sóng gió thương trường, Mùa thu đi một nửa, Tại tôi, Hoa xương rồng. Thú thực đó chưa phải là những vai lớn, có nhiều đất diễn nhưng tôi luôn cố gắng để làm hết sức mình.

Không biết anh có phiền lòng không khi tôi nhận xét như thế này, anh có một gương mặt điện ảnh, phù hợp với những vai ác nhưng không hiểu sao các đạo diễn lại luôn chọn anh cho những vai chính diện, dạng “Lê Lai cứu chúa”?

Anh đừng lo tôi phiền lòng bởi cũng có nhiều người nhận xét như anh. Gương mặt tôi theo lẽ thông thường sẽ dễ được chọn vào những vai ác, phản diện. Thế nhưng các đạo diễn mà tôi hợp tác lại có suy nghĩ khác. Họ cho rằng không nên “nhìn mặt mà bắt hình dong” trên phim ảnh cũng như trong cuộc sống. Có những người trông lương thiện, hiền lành nhưng lại là kẻ cướp. Có những người xấu xí, bặm trợn, sẹo lồi sẹo lõm, mặt rô nhưng là do cha mẹ họ sinh ra như vậy nên họ phải chịu chứ họ cũng là người tốt… Tôi nghĩ đừng nên vội vàng đánh giá người khác khi nhìn vào ngoại hình của họ. Việc mặt ác như tôi mà luôn được giao những vai người tốt, tôi nghĩ có lẽ đó là cái duyên của mình.

Những vai chính diện luôn nhận được thiện cảm từ khán giả, báo chí. Nhưng có lẽ vì gương mặt anh hơi dữ và đểu nên ít được báo chí quan tâm? Anh có buồn vì điều này không?

Người đồng nghiệp khác của tôi cũng nói “Sao Hoàng không tìm đến báo, để được nhiều người biết tới hơn…”. Đó là một ý rất hay, cũng cần chứ, rất cần là đằng khác… nhưng theo tôi điều cần hơn chính là năng lực làm việc của chính mình, hiệu quả của vai diễn đến với khán giả như thế nào? Mình có thực lực hay không? Khán giả có chấp nhận mình hay không… mới là điều cần làm trước. Vì nếu mãi chú ý đến cái bóng bẩy bên ngoài mà không trau dồi cái cốt lõi bên trong cũng chẳng ích gì.

Thành Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.