Báo động học sinh tiểu học béo phì

17/09/2009 14:54 GMT+7

Mặc dù vừa bước vào năm học mới nhưng Trung tâm Dinh dưỡng (TTDD) TPHCM khuyến cáo về tình trạng dư cân, béo phì trong lứa tuổi học sinh, nhất là bậc tiểu học. Phó giám đốc TTDD TPHCM Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết như trên và lo ngại tình trạng béo phì ở trẻ có nguy cơ mất kiểm soát.

Gần 30% học sinh tiểu học dư cân, béo phì

Chị Dương Ngọc (ngụ quận 3) vừa vỗ về đứa con trai 6 tuổi khi cậu bé muốn được uống một lon nước ngọt vừa nói: “Vậy đó chú, cứ hễ ở nhà hay đi đâu là cháu nó đòi uống nước ngọt có ga. Nhiều lần cấm cháu uống kẻo sợ béo phì nhưng thấy thương nên chiều”. Con trai chị Ngọc đã nặng tới gần 70kg và thường xuyên kêu mệt, buồn ngủ và rất thích ăn vặt nên chị đưa đi khám.

Chị phân trần cứ tưởng rằng con mình mập thì khỏe nhưng khi vào học lớp 1, tình trạng của cháu càng nghiêm trọng hơn nên cần chữa trị kịp thời.
 
Thực tế như trường hợp con chị Ngọc nói trên không phải ít. Theo BS Trần Quốc Cường, Khoa Tư vấn dinh dưỡng lâm sàng-TTDD, bình quân mỗi ngày có tới trên dưới 100 cháu được đưa đến tư vấn về dư cân, béo phì. Theo BS Cường, hầu hết các cháu đều trong độ 5-6 tuổi nhưng cân nặng đã vượt mức quy định những vài lần, có cháu mới 9 tuổi nhưng đã nặng 110kg.

Cũng theo BS Cường, bên cạnh một số phụ huynh ý thức đưa con em mình đi khám dư cân, béo phì thì cũng không ít phụ huynh chỉ khi đưa con đi khám về các bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường mới phát hiện con mình… béo phì.

Một cuộc khảo sát mới đây của TTDD đối với 2.500 học sinh của 2 trường tiểu học ở quận 10- TPHCM đã thực sự gây “sốc” cho nhiều bậc phụ huynh khi tỷ lệ trẻ bị dư cân, béo phì chiếm tỷ lệ quá cao, gần 30%. Trong đó, dư cân chiếm 20,8% và béo phì là 6,8%.

“Tình trạng béo phì ở trẻ bậc tiểu học đang gia tăng đột biến so với các năm trước đây và thực sự báo động”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp cho biết.

Nguy cơ mất kiểm soát

Không thể phủ nhận thực tế các bậc phụ huynh ngày càng chăm lo dinh dưỡng của con em mình hơn. Minh chứng cho điều này là những loại thực phẩm giàu chất béo, chất đạm, chất đường ngày càng gia tăng trong thực đơn của trẻ. Chính vì vậy, thể trạng dư cân, béo phì đang đặt ra những vấn đề về sức khỏe cho thế hệ trẻ.

Một khảo sát mới đây của Khoa dinh dưỡng BV Nhi đồng 1 TPHCM, trên 300 trẻ từ 2 tuổi bị béo phì đến thăm khám, cho thấy một nửa trong số đó bị gan nhiễm mỡ, hầu hết đều thèm ăn các thực phẩm ngọt, béo.

Theo TS.BS Nguyễn Thị Minh Kiều, Chủ tịch Hội Dinh dưỡng thực phẩm TPHCM, sự thay đổi thói quen ăn uống không hợp lý (ăn quá nhiều chất béo, chất đạm, thức ăn nhanh, bột, đường…); sự hạn chế vận động, giải trí thiếu lành mạnh (chơi game, xem tivi nhiều) là những nguyên nhân cơ bản dẫn đến tình trạng dư cân, béo phì ở trẻ.

“Tình trạng này đang gây áp lực cho nhà trường và cơ quan y tế về sức khỏe, sự phát triển của trẻ. Đó là trẻ chậm tiếp thu kiến thức, nguy cơ dẫn đến các bệnh đái tháo đường, tim mạch, rối loạn chuyển hóa, ung thư…”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp nói.

Qua điều tra của TTDD TPHCM trong thời gian gần đây cho thấy tình trạng trẻ dư cân, béo phì gia tăng mạnh từ 15 tuổi trở xuống, nhất là trẻ từ 2-10 tuổi. Nếu như cách nay 10 năm (1999), điều tra của TTDD cho thấy chỉ khoảng 2,2% trẻ dưới 5 tuổi bị dư cân, béo phì thì năm 2008 tỷ lệ này đã là 10,9 % (gấp 5 lần).

“Sự gia tăng này chưa dừng lại, TTDD TPHCM đang lo ngại nguy cơ mất kiểm soát tình trạng dinh dưỡng dư cân, béo phì ở trẻ”, BS Đỗ Thị Ngọc Diệp băn khoăn.

Theo Lâm Tuệ / Sài Gòn Giải Phóng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.