Đình chỉ 3 cơ sở chế biến mỡ động vật

16/09/2009 23:41 GMT+7

* Lòng vòng “quả bóng” trách nhiệm Sau khi Thanh Niên ngày 16.9 có bài viết Kinh hoàng công nghệ chế biến mỡ động vật tại thôn Khương Mỹ, xã Hòa Phong, H.Hòa Vang (TP Đà Nẵng), ngày 16.9 một đội liên ngành đã tiến hành kiểm tra và đình chỉ 3 cơ sở nấu mỡ động vật tại địa phương.

Ông Nguyễn Trí, chủ một cơ sở nấu mỡ tại địa phương, thừa nhận vào cuối tháng 8.2009 đã cùng con trai là Nguyễn Phi Dũng chuyển một đợt 27 tấn mỡ thành phẩm đi Hà Nội và số hàng này bị Công an TP Hà Nội thu giữ (Thanh Niên đã thông tin).  Qua kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện 8 tạ mỡ động vật thành phẩm còn tồn đọng tại kho nhà cha con ông Trí.

Còn ở lò nấu mỡ động vật hộ ông Đặng Công Trận, cơ quan chức năng phát hiện có đến hơn 18 tấn mỡ thành phẩm đóng trong hơn 300 bao nằm trong kho. Đây là số mỡ tồn đọng từ tháng 2.2009 đến nay vì giá đầu nậu thu mua xuống thấp nên chưa bán. Cũng theo ông Trận, cơ sở của ông mở từ năm 2008 và khi giá mỡ đầu nậu mua ở mức cao, khoảng 12.000 đồng/kg, gia đình ông đã xuất được 20 – 30 tấn mỡ động vật đi Hà Nội và TP.HCM. “Vào trận lụt năm 2008, số mỡ thành phẩm bị ngâm trong nước lâu ngày nhưng sau đó tôi dùng nước rửa sạch lớp bùn non bám ở ngoài bao bì thì vẫn xuất hàng đi bình thường”, ông Trận nói.

Ông Nguyễn Sương, Phó phòng TN-MT H.Hòa Vang, cho biết Đội kiểm tra liên ngành quyết định đình chỉ 3 cơ sở nấu mỡ động vật, niêm phong toàn bộ số lượng hàng tồn đọng. Tuy nhiên, việc tìm hiểu mục đích sử dụng số mỡ động vật thành phẩm và hướng xử lý tang vật như thế nào thì các thành viên trong đội liên ngành đều không biết và không đại diện cơ quan nào nhận trách nhiệm. “Nhiệm vụ tìm hiểu mục đích sử dụng của số mỡ trên thuộc chính quyền địa phương, chứ chức năng của Phòng TN-MT chỉ kiểm tra xem các cơ sở này có vi phạm về các điều kiện bảo vệ môi trường trong sản xuất kinh doanh hay không”, ông Sương nói. Tuy nhiên, khi kiểm tra Phòng TN-MT cũng không xác định được các cơ sở sản xuất này có ô nhiễm hay không, vì “Lâu nay các cơ sở không... khai báo nên không thuộc trong danh mục “các hộ kinh doanh có điều kiện” để áp dụng quy chuẩn kiểm tra”.

Trong khi đó, ông Trần Văn Hóa, Phó chủ tịch UBND xã Hòa Phong, cho rằng việc cấp phép cho các cơ sở này thuộc về UBND huyện Hòa Vang chứ không phải UBND xã nên UBND xã Hòa Phong không đủ căn cứ và điều kiện để tiến hành kiểm tra.

“Quả bóng trách nhiệm” được chuyền sang cho ông Hồ Đăng Ninh, Trạm trưởng Trạm thú y H.Hòa Vang. Ông Ninh cho biết đối với sản phẩm mỡ động vật được chế biến và cho ra thành phẩm hiện có tại các cơ sở này không thuộc phạm vi quản lý của trạm thú y nên ông không biết xử lý như thế nào. “Chức năng của chúng tôi là chỉ kiểm tra động vật khi đưa vào lò mổ theo những quy định riêng, còn người ta tận dụng số mỡ này để làm gì thì có những điều chỉnh khác, chúng tôi không quản lý từ A - Z được”, ông Ninh nói. Hỏi ông Phan Văn Lộc, Đội QLTT số 2, ông này nói quyền hạn của đội chỉ có thể xác định các cơ sở không có giấy phép đăng ký kinh doanh và không đóng thuế lâu nay, chứ ngoài ra không có kết luận nào khác.

Nguyễn Tú

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.