Lối vào đời cho học sinh

12/09/2009 00:45 GMT+7

Giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường phổ thông hiện nay bộc lộ quá nhiều yếu kém; nhiều trường chưa quan tâm đến chất lượng của công tác này và thiếu sự phối hợp với các doanh nghiệp trên địa bàn. Đó là nhận định của ông Hoàng Ngọc Vinh - Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp (Bộ GD-ĐT) tại hội thảo cấp quốc gia đầu tiên bàn về các giải pháp phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS và THPT, do Bộ GD–ĐT tổ chức.

Theo ông Vinh, tỷ lệ học sinh (HS) tốt nghiệp THCS vào học trong các cơ sở dạy nghề và TCCN rất thấp, năm học 2007-2008 vừa qua chỉ là vài phần trăm. Trong khi đó, tỷ lệ HS tốt nghiệp THCS không tiếp tục học chiếm gần 20%, tương đương với khoảng hơn 1,4 triệu HS.

Hiện nay, sau khi tốt nghiệp THPT, HS thường thi ĐH-CĐ; nếu không đỗ mới học TCCN hoặc học nghề, một phần lớn ở nhà ôn tập và chờ thi vào năm sau hoặc đi làm. Quy mô tuyển sinh vào ĐH - CĐ hiện đáp ứng được hơn 40% nhu cầu của HS tốt nghiệp THPT, số HS vào TCCN khoảng 30%. Ông Vinh thông tin: Nếu cộng cả số HS tốt nghiệp THPT chưa tiếp tục học với số HS bỏ học và trượt tốt nghiệp hằng năm thì con số này lên đến gần 400.000. Nếu những HS này được học nghề từ sớm thì hiệu quả kinh tế cao hơn.

Ông Quách Tuấn Ngọc - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) thì dẫn chứng: Hà Nội là địa phương có điểm thi tuyển sinh ĐH-CĐ cao nhất nước mà vẫn có khoảng 1/2 số thí sinh có tổng điểm 3 môn thi dưới trung bình, rất nhiều em chỉ đạt dưới 1 điểm/môn thi. Kết quả này cho thấy việc phân luồng HS “có vấn đề” vì rõ ràng, những HS cả 3 môn thi mà chưa đạt được 5 điểm thì 3 năm ngồi ở trường THPT là vô cùng lãng phí. Nếu những em này được phân luồng ngay sau khi tốt nghiệp THCS sang học nghề thì sẽ tránh được lãng phí rất lớn cả về thời gian và tiền bạc.

Theo khảo sát xu hướng chọn nghề nghiệp của  hơn 30 ngàn người trên trang web của Bộ GD-ĐT, có đến 57% trả lời do bản thân tự tìm thông tin và muốn tự quyết định, chỉ có 31% là nghe theo lời khuyên của cha mẹ, thầy cô… Trong khi đó, quy mô và điều kiện của các cơ sở dạy nghề và TCCN cũng chưa đáp ứng được nhu cầu phân luồng HS.

Chính sách khuyến khích người học thể hiện qua việc hỗ trợ kinh phí trong quá trình học và việc làm sau khi ra trường được xem là vấn đề mấu chốt. Khảo sát của Bộ GD-ĐT cũng chỉ ra rằng có xấp xỉ 90% ý kiến cho rằng chưa có chính sách khuyến khích người học là một nguyên nhân cản trở phân luồng HS.

Kết luận hội nghị, Phó thủ tướng, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định: để việc phân luồng, hướng nghiệp HS được tốt thì một mình ngành giáo dục không thể làm nổi. Doanh nghiệp phải có trách nhiệm hỗ trợ, mỗi doanh nghiệp phải là một đơn vị hướng nghiệp cho HS vì đào tạo lao động là để doanh nghiệp sử dụng. Bên cạnh đó, việc hướng nghiệp cũng cần bám sát nhu cầu về nguồn nhân lực của địa phương thì sẽ huy động được sự tham gia của chính quyền địa phương vào công tác này.

Đối với HS, Phó thủ tướng nêu ý tưởng: cần tổ chức cho HS từ lớp 6 đến lớp 11 đi thăm các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp mỗi năm 1 lần để các em chứng kiến và hiểu được sự cần thiết của việc học nghề.

Người đứng đầu ngành GD-ĐT còn khẳng định: sẽ có những chính sách ưu đãi tối đa cho đối tượng HS tốt nghiệp THCS vào học tại các cơ sở dạy nghề. Thời gian tới, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ LĐ-TB-XH sẽ tiến hành khảo sát để đưa ra dự báo nhu cầu xã hội về đào tạo nghề. Đến năm 2010 sẽ phải có kết quả sơ bộ về nhu cầu nhân lực ở các nhóm ngành nghề giai đoạn 2011-2015 để có kế hoạch đầu tư phù hợp.

Tuệ Nguyễn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.