Làm bạn với con trên Facebook

09/09/2009 10:36 GMT+7

Tình trạng phụ huynh “kết thân” với con cái trên các mạng xã hội như Facebook, MySpace đang ngày càng phổ biến khi chính họ không nói chuyện trực tiếp được với con cái.

Trong nhiều tháng, bác sĩ Rivera ở Lombard, Illinois (Mỹ) đã tức điên khi cậu con trai 25 tuổi Nate thường xuyên phàn nàn cháy túi rồi lại xin ông tiền. Nhưng trên Facebook ông lại thấy con trai mình chụp vô số hình ở các quán bar, nhà hàng, rạp chiếu phim, trung tâm hòa nhạc.

Khi ông tìm cách nói chuyện với cậu về thói tiêu xài này thì cậu từ chối. Cuối cùng ông đã buộc phải viết trên trang Facebook của cậu con trai: “Bố thấy con đang đốt tiền cho cái gì rồi, vì thế đừng có rên rỉ với bố về chuyện tiền nong nữa”.

“Lũ trẻ nghĩ rằng chỉ có bạn chúng xem mấy trang này, còn chúng tôi thì không. Chúng nghĩ chúng tôi già yếu, lụ khụ và không biết cách bật máy tính như thế nào”, bác sĩ Rivera kể. Rất nhiều bố mẹ đang sử dụng các mạng xã hội như công cụ hữu hiệu để kết nối, và đôi lúc là theo dõi, xem những đứa con mới lớn của họ đang làm gì.

Theo Wall Street Journal, ở thời đại mới ngày càng có nhiều phụ huynh và con cái gặp gỡ và... cãi cọ trên Facebook, MySpace và các mạng xã hội khác.

Joel O’Driscoll, ông bố 41 tuổi ở Woodside, California, thừa nhận “Facebook giờ giống công cụ quản con”. Ông O’Driscoll thường xuyên theo dõi cô con gái Holly 18 tuổi của mình kết bạn với ai trên Facebook, đặc biệt là các cậu con trai.

Gần đây sau khi theo dõi những trao đổi trên Facebook, ông dặn con nếu anh chàng nào muốn rủ đi chơi thì nên gọi điện thay vì nhắn tin hay email. “Đó là cách tốt để có liên hệ với cuộc sống của con gái”, ông O’Driscoll, người đang làm quản lý tại một hãng tư vấn, nói. Holly O’Driscoll cũng thấy thoải mái với chuyện cha cô quản lý trên Facebook.

“Tôi nghĩ thế là chấp nhận được”, cô gái nói dù thừa nhận thỉnh thoảng vẫn ngăn không cho bố cô coi các update “tâm trạng” của mình.

Dù vậy, không phải thanh niên nào cũng thấy dễ chịu khi nhận được đề nghị làm bạn trên Facebook của bố mẹ. Thậm chí có trang web www.myparentsjoinedfacebook.com (tạm dịch Bố mẹ tôi đã tham gia facebook) được lập ra để mọi người ghi lại những tình huống bình luận “dở khóc dở cười” nhất trên Facebook. Một số người trẻ từ chối không muốn cho bố mẹ mình thành bạn.

Theo Wall Street Journal, Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.