Bánh trung thu gia công đã phải thay đổi

08/09/2009 22:49 GMT+7

Sáng qua 8.9, Sở Y tế Hà Nội đã ra quân, mở đầu chiến dịch kiểm tra an toàn vệ sinh thực phẩm mặt hàng bánh trung thu. “Phố nghề" Thụy Khuê là nơi đầu tiên được “ghé thăm”.

Ông Phạm Hải Đăng, chủ cửa hiệu bánh trung thu Đăng Phương 201 Thụy Khuê tự tin giới thiệu về cơ sở thoáng, sạch dù không có ưu thế mặt bằng rộng thênh thang như các công ty lớn. “Khách đến với chúng tôi là khách quen nhiều năm và ưa thưởng thức hương vị bánh truyền thống. Chúng tôi buộc phải giữ khách bằng chất lượng”, ông Đăng nói.

Xóa đi nỗi lo lắng về thứ bánh “gia công” không hợp vệ sinh, ông Đăng khẳng định: “Chúng tôi phải duy trì vệ sinh cơ sở. Công nhân được khám sức khỏe, trang phục gọn gàng, đủ găng tay, khẩu trang. Bàn làm bánh bằng inox”. Ông Đăng dẫn chúng tôi vào khu vực đóng gói được bố trí riêng, ngăn cách bằng tấm rèm ni lông trắng bóng. Khu vực lò sấy bánh bằng điện cũng được bài trí hợp lý. 

Ông Đăng "bật mí" bí quyết để bánh có được hương vị riêng: “Chúng tôi chọn nguyên liệu kỹ lắm. Nếu bánh sản xuất công nghiệp sử dụng hương liệu hiện đại thì chúng tôi sử dụng hoàn toàn từ thiên nhiên. Lá chanh làm bánh phải là lá chanh vườn. Nếu không đủ, hương thơm sẽ được hỗ trợ thêm bằng mứt quất. Còn nước đường làm bánh dẻo phải là nước hoa bưởi đun với hồi và một số vị thuốc bắc. Nhờ đó, hương thơm của bánh rất dịu, rất tự nhiên”. Ông còn lưu ý: "Bánh nướng ngon phải có vỏ mỏng, nhân không có trộn bột”.

Bà Vũ Thị Hằng Nga, chủ cơ sở 199A Thụy Khuê cắt chiếc bánh làm 6 để lộ phần nhân bánh rất thơm và màu sắc hài hòa rồi giải thích: “Để giữ được khách mình phải đảm bảo bánh phải ngon, đẹp mắt và vệ sinh phải đảm bảo”. Theo bà Nga, bao giờ cũng phải hướng dẫn khách sử dụng bánh đúng thời hạn, vì đây là mặt hàng “tươi”. Bà giải thích: “Nếu bánh trung thu công nghiệp có khi hạn dài đến cả tháng, thậm chí 2-3 tháng, thì bánh của chúng tôi chỉ trong vòng 10 ngày (bánh dẻo) và trong vòng 25 ngày (với bánh nướng). Hạn sử dụng ngắn vì không có chất bảo quản".

Bà Nga còn cho biết, khâu trộn nhân bánh phải trực tiếp do bà và chồng đảm nhiệm vì “ việc này đòi hỏi phải có kinh nghiệm, rất tỷ mỷ, quyết định rất nhiều chất lượng bánh”. Theo bà Nga, thách thức của những người làm bánh trung thu truyền thống là vừa phải giữ vị truyền thống nhưng lại phải có điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu khách hàng mới. "Bây giờ bánh ít ngọt hơn và thêm một vài loại nhân bánh hiện đại như: sô cô la trứng, thập cẩm gà quay, dăm bông trứng”, bà Nga cho biết.

Tất cả các cơ sở được kiểm tra hôm qua đều xuất trình được các giấy chứng nhận đủ điều kiện, giấy công bố chất lượng sản phẩm, giấy khám sức khỏe của thợ làm. Tuy nhiên, tại cơ sở sản xuất 199 Thụy Khuê, đoàn thanh tra đã yêu cầu chủ cơ sở phải chỉnh sửa lại hạn dùng in trên bao bì. Vì trong hồ sơ công bố chất lượng, cơ sở chỉ công bố hạn sử dụng 1 tháng, trong khi trên nhãn bánh lại ghi hạn sử dụng 1 tháng rưỡi. Ông Hàn Tự Do, Phó chánh Thanh tra sở Y tế cũng yêu cầu chủ cơ sở 199A Thụy Khuê cần có đầy đủ nhãn mác với loại bánh con giống, bánh "khuyến mại" khi các loại bánh này không có nhãn mác, không thể hiện được ngày sản xuất, hạn sử dụng.

Ông Hàn Tự Do đánh giá: “Nhìn chung các cơ sở đảm bảo về an toàn vệ sinh thực phẩm. Một số khu vực sản xuất chưa thật thoáng rộng do điều kiện mặt bằng, tuy nhiên các hộ đều có ý thức sắp xếp vật dụng hợp lý để đảm bảo vệ sinh". Theo ông Hàn Tự Do, cũng có cơ sở còn sử dụng bếp than khi chế biến nguyên liệu, có thể làm ảnh hưởng đến sức khỏe người thợ; cá biệt có cơ sở công nhân đeo găng tay, mang khẩu trang khi sản xuất nhưng lại mặc quần đùi... Tất cả đều được đoàn kiểm tra nhắc nhở kịp thời, với mong muốn một mùa Trung thu an toàn thực phẩm.

Liên Châu

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.