Khu tập thể sống chung với "bom vữa"

08/09/2009 08:53 GMT+7

Giữa lòng thủ đô, ít ai ngờ vẫn tồn tại một khu nhà tập thể nửa ở nửa bỏ hoang như nhà C6 - bệnh viện 108 ở phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Nhà C6 có 4 tầng, 73 căn hộ, mỗi căn hộ trên dưới 10m2. Hành lang tối thui, ẩm thấp. Vừa bước, vừa lò dò nhưng chúng tôi vẫn không tránh được vũng nước đọng ngay giữa hành lang. Tiếp chuyện chúng tôi trong căn phòng rộng chừng 10m2, ông Nguyễn Tri Lương ở phòng 110 cho biết: khu tập thể này xây dựng từ năm 1960, hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng.

Miệng nói, tay ông chỉ lên trần nhà: bên cạnh những cốt sắt đen sì lộ liễu là những vết nứt ngang dọc, "hứa hẹn" những quả “bom vữa” có thể rơi xuống đầu bất cứ lúc nào. Ông Lương cho biết: có lần ông phải lấy gậy chọc từng mảng vôi vữa cho rơi xuống trước, để tránh bị rơi vào đầu khi vữa đến... ngày rơi. Thế nhưng, “không ăn thua cháu ạ, từ năm 2006 đến nay năm nào cũng bị vữa rơi, ít nhất là 2 lần/năm”, ông Lương than. Có lần 2 vợ chồng đang bón cho cô con gái bị nhiễm chất độc màu da cam ăn thì “một mảng vữa bằng cái ấm pha trà rơi xuống, suýt trúng đầu đứa con tôi”.

“Có lần cả nhà đang ngồi ăn cơm cũng bị “oanh tạc” bằng “bom vữa”. Thế là bỏ cả mâm cơm”, bà Vũ Thị Thúy Hảo (y tá bệnh viện 108 đã về hưu), vợ ông Lương lên tiếng. Đấy là những lần đáng nhớ nhất. Còn vữa rơi vào rá gạo, rổ rau, chén nước thì kể cũng không hết. “Ở đây, nhà nào cũng thế cả”, bà Hảo nói.

Theo chân vợ chồng ông Lương ra hành lang, lấy đèn soi, bức tường đầy rêu mốc, vôi lở loét, loằng ngoằng vệt nước chảy từ trên trần xuống. “Từ năm 1990, nhà đã có hiện tượng bị thấm, nhưng đến nay thì nước chảy ồ ạt từ tầng trên xuống tầng dưới, toàn là nước thải sinh hoạt”, ông Lương cho biết. Cuộc sống của gần 30 hộ dân còn lại ở đây luôn đồng hành với vữa rơi, tường lở, ngày mưa thì những hộ tầng trên phải huy động xô chậu hứng nước vì dột.

Đi thăm khắp nhà C6, chúng tôi dễ dàng bắt gặp những đống phế liệu, những chiếc tủ cũ, gạch vỡ, cánh cửa nát, xỉ than... ngổn ngang ở hàng lang. Nhà vệ sinh tập thể cáu bẩn, hôi thối bốc vẩn lên không khí thứ mùi đặc trưng...

Tại khu tập thể này, hệ thống dây điện cũ, lại đấu nối nhiều chỗ nên nguy cơ xảy ra chập cháy cao. Theo bà Nguyễn Thị Lệ, ở phòng 301, tháng 6.2006 đã xảy ra một vụ hỏa hoạn lớn tại nhà C6 này. Bà Lệ cũng cho biết thêm: “Hiện nay, phần lớn các hộ sinh sống ở tầng 3 và 4, còn tầng 1 và 2 chỉ còn vài ba hộ”.

Nói đến vấn đề di dời các hộ dân sống tại đây, ông Lương cho biết: từ năm 1998 đã có chủ trương di dời các hộ dân sống ở đây, nhưng đến nay mới có quá nửa các hộ được mua nhà và chuyển đi. Theo nhiều người dân ở đây thì không phải ai cũng được mua ngay và không phải ai cũng có tiền để mua nhà. Với số tiền mua nhà lên tới 700 - 800 triệu đồng, thì những hộ sống chủ yếu dựa vào đồng lương hưu như ông Lương, bà Hảo sẽ ra sao khi có lệnh di dời?

Ông Nguyễn Văn Hùng - Phó chủ nhiệm chính trị Bệnh viện quân y 108, cho biết: nhà C6 vốn là nhà công vụ, được bố trí cho những người công tác trong viện ở. Trước tình trạng nhà ở xuống cấp, bệnh viện đã tạo điều kiện cho nhiều hộ dân mua đất mua nhà theo dự án chia đất chia nhà của Bộ Quốc phòng. Nhưng do chỉ tiêu có hạn nên phải xét theo từng đợt, mỗi năm có một đợt.

Tin vui đến với gia đình ông Lương khi trong danh sách những hộ được mua nhà lần này có tên ông. Tuy nhiên, “hiện nay mới chỉ có đất, nhà còn chưa khởi công xây. Y tá và bộ đội về hưu như vợ chồng tôi thì biết lấy tiền ở đâu mua nhà”, bà Hảo than thở. 

Lê Quân

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.