Chữa chứng đái dầm

05/09/2009 17:12 GMT+7

Đái dầm thuộc chứng “dị niệu”, thường xảy ra ở trẻ em, nguyên nhân có nhiệt, có hàn, song hàn nhiều hơn nhiệt.

Nguyên nhân

Tiểu tiện có liên quan tới thận và bàng quang, là hai cơ quan chủ yếu của hệ tiết niệu. Bình thường bàng quang người trưởng thành chứa khoảng 250ml nước tiểu trước khi có cảm giác buồn tiểu và sự đi tiểu xảy ra trước khi chứa được khoảng 500ml nước tiểu. Khi bàng quang chứa đầy, sự căng ra của các thành cơ chuyển tín hiệu dây cột sống và sự đi tiểu được thực hiện. Ở trẻ nhỏ, bàng quang tự động thúc đẩy sự tiểu bằng hoạt động phản xạ. Đối với sự luyện tập trẻ đi tiểu, phản xạ này dần dần được chặn lại bằng sự kiểm soát từ các trung tâm cao hơn trong não. Nếu các tín hiệu về sự căng đầy xảy ra ở một thời điểm bất tiện, não sẽ phát lệnh tới thành bàng quang để nới lỏng và như vậy cho phép chứa đầy thêm nữa trước khi tín hiệu được cảm nhận lần nữa.

Theo y học cổ truyền, đái dầm thuộc chứng “dị niệu” tức là tiểu tiện không tự chủ, không tự khống chế được, thường biểu hiện ở đái khi đi ngủ (đái dầm) hoặc đái nhiều lần không cầm được. Đái dầm thường thấy ở trẻ em, đái không cầm được thường thấy ở người già. Nguyên nhân có nhiệt (nóng), có hàn (lạnh), song hàn nhiều hơn nhiệt. Đái dầm có quan hệ trực tiếp với thận và bàng quang. Thận chủ nhị tiện (đại, tiểu tiện), bàng quang chủ sự chế ước. Nếu thận khí hư hoặc bàng quang không chế ước được thì sinh ra đái dầm hoặc tiểu tiện bất cầm.

Như trường hợp mà bạn mô tả thì cháu đái dầm là do hàn gây ra do đêm nằm lạnh, chơi hoặc học hành mệt mỏi nên đái dầm.

Chữa và phòng

Để chữa đái dầm, có thể dùng món ăn, hay bài thuốc. Có thể dùng bài thuốc giúp ôn thận (làm ấm thận) và củng cố bàng quang như: tang phiêu tiêu (tổ bọ ngựa) 10g, hoàng kỳ 10g, phục linh 12g, thăng ma 5g, hồng sâm 10g, kim anh tử 6g, ích trí nhân 10g, trạch tả 10g, phúc bồn tử 10g. Cho thuốc vào ấm, đổ 750ml nước (3 bát) sắc kỹ chắt lấy 250ml nước thuốc (1 bát) chia 3 lần uống trong ngày.

Một số món ăn chữa đái dầm cũng cho kết quả tốt như: thịt dê 150g, tỏi 15g, gia vị vừa ăn. Thịt dê rửa sạch, thái mỏng, tỏi bóc vỏ giã nát. Cho vào nồi trộn cùng gia vị và dầu ăn nấu chín, ăn ngày 1 lần có tác dụng chữa đái dầm; bọng đái (bàng quang) heo 1 chiếc, xa tiền thảo 15g, hai thứ trên rửa sạch, bọng đái heo cắt miếng, cho thêm 750ml nước, ninh kỹ trong 30 phút. Chắt nước uống 3 lần trong ngày, bỏ bã; thịt rùa 200g, đậu đen 100g, bọng đái heo 1 cái, muối ăn 5g. Thịt rùa rửa sạch cắt miếng, bọng đái heo rửa sạch cắt miếng, đậu đen rửa sạch. Cho 3 thứ vào 1 lít nước hầm kỹ trong 1 giờ, cho muối vào rồi ăn; nhộng tằm 20g, ô mai 5g, thêm 400ml nước, nấu kỹ còn 200ml thêm 15g, đường khuấy tan. Chia ăn 2 lần, uống nước sắc.

Để phòng bệnh đái dầm, buổi tối không nên uống nhiều nước, trong bữa ăn tối nên ăn nhiều thức ăn khô, giảm dùng nhiều canh; đi tiểu trước khi lên giường; khi ngủ phải giữ ấm gan bàn chân là nơi có huyệt dũng tuyền là huyệt số 1 của đường kinh thiếu âm thận, nếu huyệt này bị lạnh dễ sinh tiểu đêm, và huyệt thất miên nếu để lạnh cũng gây mất ngủ, tiểu đêm. 

Vũ Quốc Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.