Đâu chỉ là chuyện xưng hô

03/09/2009 22:42 GMT+7

Đó là một phóng sự về việc bảo tồn văn hóa ở một làng quê giờ đã thuộc về Hà Nội, phát trên kênh truyền hình quốc gia vào buổi sáng.

Những nhân vật được ống kính máy quay hướng đến hầu hết là những người già, MC thì trẻ. Vậy mà, hầu như những lời hỏi đáp của MC với nhân vật đều là những câu trống không theo kiểu: “Tại sao người trẻ ở làng lại không quan tâm đến văn hóa truyền thống?”; “Thế à, thế thì phải làm gì?”… Đây không phải lần đầu tiên cách xưng hô này xuất hiện trên phương tiện truyền thông mà khán thính giả có thể xem-nghe trực tiếp.

Sau sự kiện nhà máy Vedan xả nước thải gây ô nhiễm sông Thị Vải, có một phóng sự của một phóng viên trẻ được phát trong chương trình tiêu điểm. Cả nước lên án, đau xót và bất ngờ vì sự kiện Vedan đã giết chết con sông là nguồn sống của bao người dân, giờ mới bị phát giác và lên án. Anh phóng viên trẻ sau những lời buộc tội đanh thép chính quyền địa phương, nơi nhà máy Vedan đặt ống xả trái phép, đã cho ống kính máy quay chĩa thẳng vào mặt một quan chức lớn tuổi. Ông này đang hết sức bối rối và hoảng hốt. Với những sai phạm đã bị phanh phui, chắc chắn ông không thể vô can. Phóng viên nọ đã dồn dập hỏi vị quan chức nọ theo cách “truy sát” đến cùng, là tại sao ông lại tảng lờ công văn xin phỏng vấn của chúng tôi, tại sao ông lại lảng tránh chúng tôi, ông có biết chúng tôi có quyền yêu cầu ông làm việc không?...

Khán giả, dù có thiện cảm đến mấy với những người đi vào điểm nóng để lấy thông tin cung cấp cho người dân, cũng khó lòng tán thành màn đấu khẩu gay gắt quá mức cần thiết từ anh phóng viên chỉ đáng tuổi con cháu của vị quan chức kia.

Nhà báo cần nhất là sự khách quan trước bất kỳ sự kiện phản ánh nào, để có thể mang đến cho người xem những thông tin trung thực nhất. Khi để tình cảm làm chủ bản thân, khi phóng viên bộc lộ sự thiếu kiềm chế, thiếu cả văn hóa với nhân vật của mình, đó là điều hoàn toàn không nên. Điều đó sẽ dẫn đến việc người xem bị định hướng bởi cái nhìn thiên kiến của phóng viên.

Làm báo, dù là báo hình, báo viết hay báo nói thì nguyên tắc tối thiểu là phải đặt câu hỏi đúng ngữ pháp và chính tả tiếng Việt. Câu có đủ chủ ngữ, vị ngữ là một cách tối thiểu để bộc lộ văn hóa của người đi phỏng vấn, biểu hiện sự tôn trọng đúng mực với nhân vật trong tác phẩm của nhà báo, dù ở bất cứ thể loại nào.

Tiếc là hình như một số phóng viên trẻ lại vẫn không xem đó là điều quan trọng!

Cát Khuê

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.