“Hết xí quách” thường xuyên

03/09/2009 15:19 GMT+7

“Hết xí quách” đây là để chỉ trạng thái mệt mỏi đang làm giảm chất lượng cuộc sống rất nhiều. Xin có đôi điều về trạng thái bất như ý này.

“Hết xí quách” hay mệt mỏi rã rời là dấu hiệu báo cơ thể cần phải nghỉ ngơi hoặc ngủ để phục hồi sức khỏe. Thông thường sau thời gian nghỉ ngơi hoặc ngủ đủ, cơ thể sẽ hết mệt mỏi, cảm thấy sung sức, hưng phấn. Nhưng nếu mệt mỏi không được hóa giải, sau khi nghỉ ngơi mà ta vẫn thấy rã rời, sức khỏe không hồi phục thì có thể đã bị một rối loạn nào đó. Tình trạng này nếu kéo dài nhất thiết phải đi khám bệnh để tìm nguyên nhân. Có khi cơ thể đã bị một bệnh tiềm ẩn nào đó cần phát hiện và điều trị kịp thời.

Phụ nữ mệt mỏi nhiều hơn

Trong cuộc sống hiện nay với nhiều biến động, nhịp sống hối hả, có những rối loạn được dịp xuất hiện với tỉ lệ cao hơn so với thời kỳ trước đây. Chính những rối loạn đó làm nhiều người “hết xí quách”. Ở các nước công nghiệp phát triển thường xảy ra hội chứng có tên là “hội chứng mệt mỏi kinh niên” (chronic fatigue syndrome, viết tắt là CFS) mà nguyên nhân sinh bệnh rất khó xác định.

Sắp xếp lại cuộc sống

Khi bị mệt mỏi thường xuyên, trước hết hãy xem lại chế độ làm việc, sinh hoạt có quá căng thẳng không để sắp xếp, tạo sự thư giãn cần thiết. Cũng phải xem chế độ dinh dưỡng có đảm bảo đầy đủ và cân bằng, kế đó có thể dùng thêm các thuốc gọi là hỗ trợ, bồi dưỡng như vitamin và khoáng chất. Nhưng nếu rối loạn cứ kéo dài nhất thiết phải đi khám bệnh để bác sĩ giúp tìm nguyên nhân. Nên lưu ý “hết xí quách” rất có thể là dấu hiệu của bệnh trầm cảm - bệnh rất dễ xảy ra hiện nay, rất cần được phát hiện sớm để chữa trị đúng cách.

Hiện nay CFS cũng xảy ra ở các nước đang phát triển như nước ta. Hội chứng CFS thường xảy ra ở phụ nữ nhiều hơn, gần như gấp đôi so với nam giới, lứa tuổi thường là 25-45. Trong đó triệu chứng mệt mỏi rã rời là chính (100%), kèm theo có thể là nhức đầu, khó tập trung suy nghĩ, đau họng, nhức cơ, đau khớp, khó ngủ, sụt cân (có người lại tăng cân)... Một số công trình nghiên cứu những năm 1990 ghi nhận CFS có liên quan đến nhiễm siêu vi như retrovirus, enterovirus... Việc chữa trị hội chứng này có khó khăn vì khó xác định nguyên nhân. BS phải khám và loại trừ tất cả các bệnh thực thể và gần như không tìm được nguyên nhân chủ yếu nào dẫn đến hội chứng này, nên chỉ có thể gọi đó là “mệt mỏi vô cớ”.

Điều trị CFS chủ yếu là dùng thuốc trị triệu chứng liên quan. Bác sĩ sẽ cho thuốc bồi dưỡng sức khỏe. Ở một số nước phương Tây trước đây, người ta chuộng sử dụng cao gan, hi vọng bổ dưỡng cơ thể, hoặc thuốc tiêm chứa acid folic, vitamin B12, nhưng nay những thuốc này đã được chứng minh là chẳng có tác dụng gì với CFS.

Ngoài ra, bác sĩ có thể cho dùng các thuốc trị triệu chứng khác như: thuốc chống viêm giảm đau để trị nhức đầu, đau nhức cơ xương; thuốc kháng histamin và thuốc co mạch chống sung huyết để trị viêm mũi dị ứng, viêm xoang; thuốc chống trầm cảm để trị chứng mất ngủ và làm người bệnh cảm thấy hưng phấn trở lại...

Cảnh giác với thuốc kích thích

Đối với người bị mệt mỏi vô cớ, trước đây ngay ở nước ta đã có tình trạng tự ý lạm dụng thuốc rất nguy hiểm. Người bệnh không đi khám mà tự mua và dùng thuốc kích thích hệ thần kinh trung ương là Amphetamin (biệt dược Maxiton nổi tiếng ở miền Nam trước đây) và một số dẫn chất của thuốc để trị chứng “hết xí quách”. Hậu quả là bị nghiện thuốc, bị một số tác dụng phụ về tim mạch và nhất là, có khuynh hướng tự tử sau khi ngưng thuốc. Cần lưu ý “thuốc lắc” bị lạm dụng một cách nguy hiểm hiện nay chính là dẫn chất tương tự như Amphetamin.

Hiện nay, nhiều người bị “hết xí quách” cũng thế, không đi khám bệnh mà tự ý dùng thuốc gọi là trị suy nhược chức năng như Polytonyl, Sargenor, Activarol, Surfortan, Magné B6, Glutaminol B6, Arcalion... và xem thế là đủ. Hoặc có nhiều người hằng ngày dùng thuốc dạng sủi bọt cung cấp các vitamin và chất khoáng gọi là chống oxy hóa, chống stress nhưng tình trạng “hết xí quách” vẫn không cải thiện. Nên lưu ý tất cả các thuốc vừa kể chỉ có tác dụng hỗ trợ và nên dùng đúng liều lượng do bác sĩ chỉ định.

PGS.TS.DS Nguyễn Hữu Đức
(Đại học Y dược TP.HCM)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.