Quyền tác giả thời kỹ thuật số

30/08/2009 22:40 GMT+7

Ngày 28.8, Sở VH-TT-DL TP.HCM phối hợp với Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN - chi nhánh phía Nam tổ chức hội nghị tập huấn tìm hiểu quy định pháp luật VN về quyền tác giả và quyền liên quan...

Thanh Niên đã trao đổi với nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn (ảnh) - Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc VN - chi nhánh phía Nam:

 Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn

* Những đĩa ghi âm, ghi hình đều có dán tem, nhà sản xuất đã đóng phí rồi, vậy tại sao người sử dụng lại phải trả tiền tác quyền? Vậy có phải là thu tác quyền 2 lần ?

- Có dán tem nghĩa là đã được phép lưu hành trên thị trường. Khi người sử dụng đem những sản phẩm này dùng vào mục đích kinh doanh thì người sử dụng mới phải trả tiền bản quyền tác giả. Nên không thể gọi là thu tác quyền 2 lần.

* Trung tâm (TT) đã thu tác quyền ở những nơi sử dụng tác phẩm của các nhạc sĩ đã có ủy quyền cho TT lẫn những nhạc sĩ không ủy quyền. Nếu có trường hợp nhạc sĩ không ủy quyền, không muốn nhận tiền tác quyền từ TT thì xử lý ra sao?

- Hiện TT đã được gần 1.500 tác giả trong nước ủy quyền và có trên 2,5 triệu tác giả quốc tế ủy quyền, sau khi TT trở thành thành viên chính thức của CISAC (Hiệp hội Những nhà soạn nhạc và lời thế giới). Đối với những tác giả không (hoặc chưa) ủy quyền cho TT thì trong hợp đồng nhận trả giùm tiền tác quyền cho đơn vị sử dụng tác phẩm, chúng tôi làm rất kỹ. Thu tiền xong phải cấp tốc tìm tác giả để trả tiền. Nếu trong một thời gian nhất định mà vẫn không tìm được tác giả, TT sẽ làm văn bản báo cáo với Cục Bản quyền tác giả (Bộ VH-TT-DL) xin ý kiến. Có thể sẽ theo hướng sung vào Quỹ Phát triển tài năng âm nhạc như các nước trên thế giới vẫn làm.

Luật Dân sự và Luật Sở hữu trí tuệ quy định các tác phẩm văn học - nghệ thuật là tài sản của người sáng tạo. Khi sử dụng những tác phẩm này phải được sự đồng ý của tác giả và phải trả tiền nhuận bút, thù lao... Các đối tượng phải trả tiền tác quyền chủ yếu sử dụng tác phẩm vào mục đích kinh doanh qua các hình thức: sản xuất và sử dụng đĩa ghi âm, ghi hình (CD, VCD, DVD...) nhằm chuyển đạt tác phẩm đến với công chúng. Các điểm kinh doanh, dịch vụ sử dụng tác phẩm qua truyền hình mặt đất, truyền hình vệ tinh, truyền hình cáp, truyền hình kỹ thuật số...; các khách sạn, nhà hàng, vũ trường, điểm karaoke... cũng phải trả tác quyền.
 
Thậm chí có những hình thức sử dụng khác mà thoạt nghe có vẻ bị thu tác quyền một cách... vô lý như: các tụ điểm “Hát với nhau” (khách hát chứ không phải ca sĩ chuyên nghiệp), hát những bài dân ca (không có tác giả), và cả nhạc không lời (độc tấu, hòa tấu) qua hình thức sử dụng băng đĩa hoặc nhạc sống...

Ở thời điểm này, TT chưa nhận được một văn bản chính thức của tác giả nào đề nghị “không nhận tiền, chỉ muốn phổ biến phục vụ xã hội”. Nếu có, TT sẽ nghiêm chỉnh chấp hành ý của tác giả. TT cũng chính thức không thu tác quyền cho tác giả hoặc thân nhân nếu có văn bản chính thức đề nghị TT không thu giùm (trường hợp này chỉ có vài người). Thường thì những tác giả không (hoặc chưa) ủy quyền, sau khi được TT mời lên nhận tiền tác quyền đều vui vẻ nhận và làm thủ tục ủy quyền ngay.

* Những tác giả đã qua đời chưa đến 50 năm nhưng không có thân nhân hay thân nhân ở nước ngoài, hoặc chưa tìm ra thân nhân, nếu TT thu giùm tiền tác quyền cho họ, sẽ giải quyết thế nào?

- Luật Sở hữu trí tuệ quy định: tác giả được hưởng tác quyền suốt thời gian còn sống cộng thêm 50 sau khi qua đời. TT cũng có thu giùm một số tác giả quá cố còn niên hạn sở hữu tác quyền và đã mời thân nhân họ đến nhận và ủy quyền cho TT. Cũng còn một số tác giả mà TT đang cố gắng truy tìm thân nhân qua nhiều kênh thông tin. Nếu sau một thời gian vẫn tìm không ra thì TT sẽ báo cáo Cục Bản quyền tác giả xin ý kiến xử lý.

* Các website âm nhạc trong và ngoài nước (nhacso, bennhac, nguonnhac, yeuamnhac...) hoặc các website hỗ trợ tìm kiếm (như Google, Youtube) khi người truy cập nghe nhạc hay download nhạc miễn phí thì TT cũng phải có trách nhiệm thu tiền tác quyền các website này. Việc tận thu này được thực thi thế nào?

- Công nghệ thông tin đang phát triển như vũ bão, khiến hầu như không còn khái niệm biên giới. Có những website ở Việt Nam nhưng đặt cơ sở tại nước ngoài. Trong thời gian qua TT đã cố gắng tận thu tiền tác quyền cho các tác giả đối với một số website trong nước, dù website đó truy cập miễn phí (thực tế là qua truy cập miễn phí để lấy quảng cáo). Tại phía Nam có nhiều website đã thực thi một cách nghiêm túc vấn đề bản quyền. Tuy nhiên vẫn còn nhiều trang web vi phạm, đặc biệt trong lĩnh vực nhạc chuông, nhạc chờ. Để bảo đảm quyền lợi cho các tác giả, kể từ tháng 7.2009 trở đi, tất cả các hợp đồng mà TT ký với các IP (đầu số) cho phép tải nhạc chuông, nhạc chờ, ngoài việc trả tiền thuê bao còn phải tính thêm phần trăm phí mà người sử dụng trả khi nghe hay download nhạc xuống cho tác giả, nhằm thể hiện sự công bằng đối với các tác giả có nhiều tác phẩm được download.

* Những thuận lợi và khó khăn của TT khi thực thi quyền tác giả trong thời đại kỹ thuật số?

- Thuận lợi là VN đã tham gia các Công ước quốc tế về quyền tác giả và quyền liên quan. Luật Sở hữu trí tuệ đã có hiệu lực. Đặc biệt, Chính phủ đã ra Chỉ thị 36/CP về kiểm tra quyết liệt việc thực thi quyền tác giả và quyền liên quan.

Vừa qua, Nghị định 47/CP về việc xử phạt vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan có hiệu lực từ ngày 30.6.2009. Khung xử phạt cao nhất lên đến 500 triệu đồng và tịch thu tang vật, mang tính răn đe cao. Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều đối tượng sử dụng tác phẩm âm nhạc vẫn chưa ý thức hoặc cố tình trốn tránh trách nhiệm thực thi quyền tác giả. Cần phải tuyên truyền rộng rãi để công chúng hiểu rõ thêm để cùng thực thi Luật Sở hữu trí tuệ.

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.