Làm máy bay mô hình từ phế liệu

29/08/2009 18:00 GMT+7

(TNTS) Nhìn hai chiếc máy bay được điều khiển bằng remote đang đuổi nhau trên cần trục, ánh sáng rọi khắp nhà, ai cũng phải trầm trồ về sự sáng tạo và cần mẫn của ông Nguyễn Duy Linh trong suốt hai năm ròng rã.

Từng học ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế, tham gia các dự án mô hình về kiến trúc, khi đang giảng dạy ở Trung tâm Dạy nghề quận 3 (TP.HCM) ông lại bỏ ngang để chuyển sang chế tạo máy bay… Một số người biết ý định của ông cho là gàn vì không ai nghĩ ông sẽ làm được. “Tôi thích cái gì chuyển động, vậy tại sao không làm ra những chiếc máy bay có thể bay được dù chỉ là để ngắm, để giải trí thôi, sẽ rất khó nhưng tôi tin mình sẽ làm được”.

Với ý tưởng làm máy bay từ phế liệu vừa rẻ lại dễ tìm, ông bắt đầu đi lượm ve chai rồi đặt hàng với những người mua ve chai dạo về tự chế. Lúc thì vài miếng nhôm, mica, nhựa, khi thì bình dầu gội, sữa tắm, thùng hóa chất và cả những đồ dùng y khoa, đồ điện tử… “Cái ống khói của chiếc máy bay này là làm từ chai sữa tắm, còn cái xoắn ốc này làm từ bóng đèn ti vi bị hỏng...”. Vừa nói ông vừa chỉ vào cái cánh của máy bay: “Cái này tôi thử nghiệm mười mấy chất liệu nhưng nó vẫn không bay được vì thiếu độ cong, không tạo ra áp suất để nâng máy bay lên được. Không nản chí, cuối cùng tôi mua thùng sơn phế liệu về cưa ra lại thành công”.

 

Đó cũng là cái khó của ông vì phải thử nghiệm từng li từng tí một, nghiên cứu cắt đúng hình học rồi mới ráp. Đến phần kỹ thuật, động cơ ông cũng phải nghiên cứu sao cho chuẩn, tính toán cẩn thận: “Dây điện chạy trong máy bay phải làm sao cho không bị xoắn thì nhìn mới có tính thẩm mỹ, chứ nó bay mà dây điện lòng thòng bên ngoài thì khó coi lắm. Cái này phải mày mò, tự chế rất công phu”.

Có lẽ vì thế mà trong suốt hai năm ròng, ông mất ăn mất ngủ, thử nghiệm hơn hai chục chiếc máy bay để cuối cùng mới có được một sản phẩm hoàn hảo như hôm nay: “Với tôi đây là một công trình, cuối cùng tôi cũng thành công về mặt kỹ thuật và mỹ thuật nữa”. Ông thường xuyên cập nhật những mẫu mã máy bay hiện đại trong sách báo, internet và chế tạo giống hệt, thậm chí còn đẹp hơn.  

 

Xuất phát từ niềm đam mê, thích tìm tòi, nghiên cứu nhưng ông cũng không ngại thổ lộ rằng làm ra sản phẩm rồi ông bắt đầu chú ý đến ý tưởng kinh doanh nó: “Những chiếc máy bay của tôi nếu được trang trí trong các nhà hàng, quán bar, cà phê thì chắc chắn sẽ rất bắt mắt. Tôi có thể trang trí ánh đèn mờ ảo, kể cả âm thanh, tiếng nhạc, tiếng súng nổ… Tôi nghĩ đó là một ý tưởng lạ, thu hút”.

Theo ông Linh, đây cũng là một sản phẩm hay cho những ai thích  chơi máy bay mô hình mà không có điều kiện, vì máy bay mô hình ở Việt Nam đều được nhập từ nước ngoài với giá thấp nhất không dưới 3.000 USD. Tuy chiếc máy bay của ông không thể điều khiển bay trong khoảng 2 km hoặc bay trong khuôn viên rộng như máy bay mô hình nhưng ai cũng có thể chơi được. Nó chạy bằng điện 220V nên có thể chơi điều khiển trong nhà. Ông Linh nói về mong muốn mở một xưởng chế tạo: “Tôi đang có ý định kiếm tài trợ, vốn để mở xưởng. Lúc trước 3 tháng tôi mới có thể làm xong một chiếc nhưng giờ 1 tuần là đã hoàn thiện. Tôi cũng có thể làm những chiếc máy bay lớn hơn thế này”.

Thu Thủy

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.