Người tự học đặc biệt

25/08/2009 23:21 GMT+7

Ở thành phố Vũng Tàu có một thầy giáo về hưu đã qua tuổi "cổ lai hy" nhưng vẫn miệt mài sáng tác ca khúc và dịch thơ chữ Hán. Điều đáng nói là tất cả sự nghiệp của ông (dạy học, dịch thơ và sáng tác ca khúc) đều từ con đường tự học.

Tự học vào đại học

Đó là ông Trần Văn Nhĩ, sinh năm 1937 tại Nam Định, hiện ở số nhà 222 Thống Nhất, P.8, TP Vũng Tàu. Ông Nhĩ cho biết mình được phân công dạy học từ năm 1955. Dạo đó hòa bình mới lập lại ở miền Bắc với tình trạng thiếu thốn rất nhiều giáo viên phổ thông. Và ông, một thanh niên có trình độ lớp Đệ ngũ (được liệt vào dạng trí thức hồi đó) đã được huy động vào đội ngũ giáo viên dạy cấp I ở quê nhà (ngoại thành Nam Định). Với tinh thần khát khao học hỏi, ông Nhĩ đã vừa dạy học vừa tự học. Để hoàn tất chương trình trung học phổ thông, ông phải tự học ròng rã 4 năm, thi mười mấy môn, kể cả thi vấn đáp mới có tấm bằng tốt nghiệp cấp 3.

Không dừng lại ở đó, anh thanh niên Trần Văn Nhĩ tiếp tục tự học ngoại ngữ (tiếng Anh, Pháp, Nga) và Toán để chuẩn bị thi vào Đại học Sư phạm, nhưng hồi đó chưa có chế độ thí sinh tự do nên anh phải chuyển qua học hàm thụ. Sau những năm tháng trầy trật, với hàng loạt thủ tục rắc rối, cuối cùng Trần Văn Nhĩ cũng đã tốt nghiệp Đại học Sư phạm (khoa Toán-Lý) năm 1972, tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ (khoa Pháp) năm 1982... Ông Nhĩ khẳng định: "Bài tập giải tích của Demidovich gồm 4.995 bài. Tôi đã giải hết bằng ấy bài. Không phải khoa trương, nhưng đó là một phương pháp rèn luyện ý chí dưới cái thời bom đạn ầm ầm, nhiều thanh niên đồng trang lứa mang tâm trạng biết sống chết khi nào. Tôi thì quyết không đàn đúm, chơi bời... hằng đêm chỉ thắp một ngọn đèn dầu, ngồi giải từng bài tập toán".

Học chữ Hán và dịch thơ Đường

Năm 1984, ông Nhĩ đưa gia đình vào sinh sống ở Vũng Tàu. Do mê thơ Đường từ thuở còn đi học nên ông đề ra cho mình một cuộc chinh phục mới: tự học chữ Hán rồi thử dịch thơ Đường. Trong quá trình "tự thân vận động" với chữ Hán, những khi gặp chữ khó, không hiểu, ông phải chạy xe máy từ Vũng Tàu lên TP.HCM tìm hỏi ở các ông Phạm Thăng, Nguyễn Quảng Tuân... Mỗi lần như thế chỉ hỏi được vài chữ nhưng ông vẫn nhắc đến họ với sự tri ân vô hạn (ông Phạm Thăng đã mất). Sau 10 năm hơn (ông bắt đầu học chữ Hán từ năm 1998), ông đã có một "gia tài" khá đồ sộ bản dịch thơ chữ Hán gồm: Ức Trai thi tập, Thơ chữ Hán Nguyễn Du (Thanh Hiên thi tập, Nam Trung tạp ngâm, Bắc hành thi tập), Thơ chữ Hán Cao Bá Quát, thơ chữ Hán Nguyễn Khuyến, Thơ Đường (2 tập)... do NXB Văn Nghệ ấn hành.

Hỏi vì sao ông quyết định dịch thơ chữ Hán và tại sao lại chọn các tác gia trên trong khi ở nước ta còn có rất nhiều người có thơ chữ Hán trong di cảo, ông Nhĩ cho biết: "Trước tiên là do tôi say mê thơ Đường luật mà thể thơ này lại buộc người làm thơ, dịch thơ phải tuân thủ một cách nghiêm ngặt về niêm luật. Theo nhận định của riêng tôi, các dịch giả đi trước hầu như ít tuân thủ một cách triệt để vấn đề niêm luật. Tôi đã cố gắng đến mức có thể khẳng định đã hoàn toàn tuân thủ đúng niêm luật trong các bài thơ dịch của mình (khoảng 2.500 bài). Ngoài các tác gia tiêu biểu cho thơ Đường của Trung Quốc, tôi còn chọn những tác gia lớn của Việt Nam như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát, Nguyễn Khuyến... Đây là những thi hào có một số lớn những bài theo Đường luật tiêu biểu. Về nguồn thơ (chữ Hán) tôi lấy từ sách vở của các dịch giả đi trước do không có điều kiện tiếp cận với nguyên bản. Riêng về tác gia Nguyễn Khuyến, tôi may mắn có được 3 tập thơ gốc từ Viện Hán Nôm: Quế Sơn thi tập, Yên Đổ tiến sĩ thi tập và Quế Sơn tam nguyên thi tập. Sắp tới, chúng tôi sẽ tiến hành thực hiện Nguyễn Khuyến toàn tập (gồm cả thơ chữ Hán lẫn thơ chữ Nôm). Dịch thơ chữ Hán là một việc làm cực kỳ vất vả gian khó. Có lẽ không có bài thơ dịch nào đạt mức hoàn mỹ và làm vừa lòng mọi người. Chẳng thế mà Nguyễn Khuyến chỉ tự "diễn Nôm" 23 bài trong số hơn 400 bài thơ chữ Hán của mình. Các đại thi hào Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Cao Bá Quát làm thơ Nôm thì làm, chứ không thấy tự dịch thơ... Riêng về 2 tập dịch Thơ Đường (Trung Quốc) có đến 1.200 bài của 183 tác gia tiêu biểu gồm: Lý Bạch (132 bài), Đỗ Phủ (175), Bạch Cư Dị (91), Lý Thương Ẩn (53), Sầm Tham (26), Lưu Vũ Tích (23), Đỗ Mục (23)... Tuyển tập này có đến 75.324 chữ nhưng sai sót chỉ khoảng dăm mười lỗi. Đó là một cố gắng rất lớn của chúng tôi. Thí dụ cùng một âm "du" ở chữ Hán có đến 24 chữ khác nhau, mỗi chữ lại có vài ba nghĩa...".

Tự học sáng tác ca khúc

Ngoài các tập thơ dịch, ông Nhĩ còn có một gia tài khoảng 100 ca khúc do ông tự sáng tác. Quá trình tự học nhạc được ông nhận xét là "khốn khổ". Ông cho biết: "Hồi còn nhỏ, thỉnh thoảng có một vài nhạc sĩ đến nhà tôi chơi, họ đánh đàn guitar hoặc guitar Hawaii. Khi họ về rồi, tôi ngồi mò mẫm đánh lại theo trí nhớ. Từ năm 1960 tôi cũng đã sáng tác được dăm ba ca khúc. Giai đoạn sáng tác ca khúc "sung" nhất là khoảng từ năm 1985 - 2000. Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã từng nhận xét về tập nhạc Thổn thức một hồn quê của tôi: Nhạc của anh thấm đẫm chất dân ca nhưng hay trở về hợp âm chủ. Tôi đã từng phổ nhạc bài thơ Là chút hồng phai của Trịnh Công Sơn và đã hát cho anh ấy nghe 2 lần. Sau đó ghi âm vào CD với tiếng hát của Thu Giang mà tôi rất ưng ý. Hiện nay tôi đã sáng tác được khoảng 100 ca khúc (trong đó có 23 ca khúc đã được dựng trong CD Thổn thức một hồn quê 1 & 2, DVD Gửi phương xa... với các tiếng hát quen thuộc: Vân Khánh, Đình Nguyên, Nhất Sinh, Khánh Duy, Thu Giang, Cao Minh, Thanh Thúy, Bonneur Trinh, Hương Giang, Nam Khánh...). Sắp tới tôi sẽ ra album DVD Biển - Trời - Trăng và Em, đồng thời chuẩn bị giới thiệu CD Mùa hoa cải với khoảng 10 ca khúc tập trung về chủ đề hoa: hoa cải, hoa khế, hoa sim, hoa quỳnh...".                     

Hà Đình Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.