Tuyển sinh ngoài ngân sách thiếu công khai

24/08/2009 23:24 GMT+7

Đến ngày 24.8, Bộ GD-ĐT đã chấp thuận cho 6 trường ĐH được xét tuyển đào tạo hệ ngoài ngân sách (diện tự túc kinh phí đào tạo). Tiếp theo là trường nào vẫn là một ẩn số đối với thí sinh (TS) vì Bộ cũng không biết có còn ai xin hay không!

Xin thì cho

Bà Trần Thị Hà - Vụ trưởng Vụ GD-ĐT Bộ GD-ĐT cho biết: nguyên tắc xét tuyển hệ ngoài ngân sách là mức điểm trúng tuyển hệ ngoài ngân sách sẽ thấp hơn so với điểm chuẩn NV1 nhưng chênh lệch không quá 2 điểm. Đối với các khối thi cơ bản (A, B, C, D), mức điểm chuẩn tuyển bổ sung sẽ không thấp dưới 20 điểm. Các trường được tuyển bổ sung phải có đủ năng lực đào tạo, có nguồn tuyển sát mức điểm chuẩn NV1, xét tuyển trên cơ sở đăng ký nguyện vọng tự nguyện của TS...

Trúng tuyển hệ này, TS cũng sẽ được cấp bằng ĐH hệ chính quy dài hạn. Chỉ có một điểm khác biệt là những TS trúng tuyển hệ ngoài ngân sách sẽ phải đóng học phí cao hơn hệ có ngân sách, ở mức đủ đảm bảo chi phí đào tạo.

Khi bắt đầu thi 3 chung, một số trường có TS đạt mức điểm thi cao nhưng không trúng tuyển đã sáng kiến ra việc đào tạo ngoài ngân sách để đáp ứng nhu cầu của TS. Lúc đó, điều kiện mà Bộ đưa ra là điểm thi của TS phải cao và các trường phải chứng minh được năng lực đào tạo đáp ứng được việc tuyển thêm chỉ tiêu.

Đến năm 2007, khi các trường bắt đầu thực hiện việc tự xác định chỉ tiêu theo quy định mới (dựa trên năng lực đào tạo), thì một lãnh đạo Vụ ĐH đã tuyên bố rằng sẽ không có chủ trương cho phép tuyển hệ ngoài ngân sách nữa vì chỉ tiêu tuyển sinh năm đó đã do các trường tự xác định sát với năng lực đào tạo của mình. Tuy nhiên, sau đó khi một số trường đề nghị được tuyển sinh hệ này thì Bộ lại tiếp tục cho phép thậm chí là xin lúc nào thì cho lúc ấy và mức điểm nào cũng được (có năm, có trường TS chỉ có mức điểm dưới 20 vẫn được phép tuyển bổ sung).

Tuy nhiên những quy định trên đây, cho đến nay vẫn không thành văn bản, mà chỉ là chỉ đạo của Bộ đối với các bộ phận chuyên môn khi có các trường xin. Điều đáng nói là những quy định này mỗi năm một kiểu khiến cho các trường cũng không biết đâu mà lần. Thế nên cứ sau mùa tuyển sinh, các trường và những TS có điểm thi cao lại phải nín thở chờ đợi xem Bộ có cho phép tuyển hay không. Thậm chí đã đến thời điểm xét tuyển NV2 nhưng có năm Bộ vẫn tiếp tục cho phép một số trường được tuyển hệ ngoài ngân sách khiến cho công tác xét tuyển của các trường trở nên bị động và TS thì hoang mang.

Tại sao không công khai từ đầu?

Cho đến nay đã có tới 4-5 năm thực hiện mà Bộ vẫn chưa có một quy định thống nhất nào về việc này. Cũng vì không có quy định chung nên mỗi trường lại thực hiện mỗi kiểu, đặc biệt là việc thu học phí. Hiện nay các trường đang thu mức học phí tự đề ra mà không dựa trên quy định nào nên mỗi trường mỗi khác. Cùng là việc đào tạo hệ ngoài ngân sách nhưng có trường thu 750.000 đồng/tháng, có trường thu 800.000 đồng/tháng có trường thu đến 900.000 - 1.000.000 đồng/tháng.

Hiện hầu hết các trường chỉ tuyển TS đã dự thi vào trường mình, nhưng Học viện Bưu chính - Viễn thông lại “mở cửa” cho cả những TS dự thi trường khác. Trường này cũng thực hiện công khai việc tuyển sinh hệ đào tạo này ngay trước khi tuyển sinh. Ông Lê Hữu Lập - Phó giám đốc học viện cho biết: từ năm 2007 đến nay, học viện là nơi duy nhất được cho phép việc tuyển sinh đào tạo theo nhu cầu xã hội (chứ không phải là ngoài ngân sách như thường gọi - ông Lập giải thích). Nghĩa là ngoài việc tuyển sinh diện được cấp kinh phí đào tạo, học viện được tuyển sinh để đào tạo theo nhu cầu xã hội và TS phải tự túc kinh phí. Trong khi đó, trường ĐH Ngoại thương Hà Nội là một trong những trường đầu tiên thực hiện hệ đào tạo này và kể từ đó đến nay năm nào trường cũng đào tạo nhưng năm nào cũng phải đi xin, rồi lại đợi Bộ cho phép thì mới được đào tạo.

Điều đáng nói là cơ chế xin - cho này là một tiền lệ xấu gây ra sự bất bình đẳng và công bằng trong tuyển sinh. Đặc biệt, từ khi Bộ GD-ĐT giao quyền cho các trường được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh. Câu hỏi đặt ra là tại sao các trường có đủ năng lực đào tạo không xin tăng thêm chỉ tiêu trong ngân sách ngay từ đầu mà lại phải đợi xong tuyển sinh mới tuyển thêm hệ đào tạo này để thu học phí cao? Còn nếu đây là chủ trương đào tạo theo nhu cầu xã hội thì tại sao không được công khai hóa ngay từ khi bắt đầu tuyển sinh?

6 trường được tuyển sinh hệ ngoài ngân sách

Học viện Tài chính thông báo điểm trúng tuyển số thí sinh diện đóng học phí tự nguyện khối A là 21 điểm.

ĐH Ngoại thương tuyển bổ sung chỉ tiêu đào tạo ngoài ngân sách tại cơ sở Hà Nội, mức điểm xét tuyển là từ 22,5 điểm đối với khối A, từ 21 điểm đối với các khối D1, 2, 3, 4, 6 (điểm ngoại ngữ không nhân hệ số). Tại cơ sở 2 TP.HCM, mức điểm chuẩn xét tuyển là 22 điểm đối với khối A, 20 điểm đối với các khối D1, 6 (điểm ngoại ngữ không nhân hệ số). SV hệ này cũng được xét cấp học bổng và miễn giảm học phí theo quy định của nhà nước, trong phạm vi phần học phí quy định của nhà nước.

ĐH Kinh tế quốc dân xét tuyển bổ sung đối với TS dự thi vào trường ở cả hai khối A và D với mức điểm từ 20 điểm trở lên đến sát điểm chuẩn NV1. 

ĐH Kiến trúc TP.HCM xét tuyển bổ sung hệ ngoài ngân sách đối với ngành kiến trúc. Điểm trúng tuyển của khối V là 18,5 (điểm trúng tuyển NV1 là 20,5), của khối H là 19 (NV1 là 21,5).

Học viện Ngân hàng tuyển sinh ĐH chính quy ngoài ngân sách đối với TS dự thi khối A vào học viện đạt từ 21 điểm trở lên, thấp hơn 1 điểm so với điểm trúng tuyển NV1.

Học viện Công nghệ bưu chính - viễn thông tuyển hệ tự túc kinh phí đào tạo đối với TS dự thi ĐH khối A theo đề thi chung: mức điểm nhận hồ sơ cơ sở phía Bắc: 18 điểm trở lên; cơ sở phía Nam: 15 điểm trở lên. Mỗi cơ sở 240 chỉ tiêu.

Vũ Thơ
(tổng hợp)

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.