Tiếng hát gửi về quê hương

23/08/2009 00:04 GMT+7

Bao năm qua anh đã sống ở nhiều nơi, đi và hát dòng nhạc Trịnh đầy nhân bản. Lần này đến Singapore, anh đã cùng các bạn trẻ “nối vòng tay lớn” hướng về quê nhà.

Nhạc Trịnh và chữ “Tâm”

Nhạc Trịnh không lạ, người hát nhạc ông cũng không ít, nhưng qua ca sĩ tài tử Nguyễn Hữu Thái Hòa, nhạc Trịnh rất đặc biệt. Ba anh, kiến trúc sư Nguyễn Hữu Thái, cựu Chủ tịch Tổng hội Sinh viên Sài Gòn, và mẹ anh là những người bạn thân thiết của nhạc sĩ họ Trịnh. Bởi thế, Thái Hòa có dịp gần gũi, hiểu sâu sắc con người và âm nhạc của Trịnh, người mà anh thương mến gọi là “cậu Sơn” cho đến tận bây giờ.

Tròm trèm 40 tuổi, gần 20 năm sống xa Tổ quốc, Thái Hòa giỏi cả tiếng Pháp và tiếng Anh, nhưng tinh tế và chính xác trong mỗi câu chữ tiếng Việt. Thành đạt và bận rộn trăm bề với công việc không dính dáng đến âm nhạc, Thái Hòa vẫn không ngừng nuôi dưỡng niềm đam mê nhạc Trịnh và mong mỏi chuyển những thông điệp - theo anh - chưa bao giờ cũ của người nhạc sĩ tài danh đến người Việt khắp nơi trên thế giới. Thông điệp đó, bên cạnh cái lãng mạn, da diết, oan trái nhưng đầy bao dung trong tình yêu trai gái, còn là một nỗi thấu hiểu cái nhọc nhằn của đất nước, của phận người gắn với vận mệnh quê hương. Thấu cảm được điều đó, Thái Hòa tin, người Việt ở nước ngoài, đặc biệt là những trí thức trẻ, sẽ nuôi dưỡng trong mình một chữ Tâm trong sáng, một tấm lòng đối với quê hương.

Đêm nhạc cho người trẻ

Ý tưởng tổ chức một đêm nhạc Trịnh giản dị mà ấm áp dành cho sinh viên Việt Nam ở Singapore, nhân thể quyên góp ủng hộ cho trẻ em bị nhiễm chất độc da cam ở quê nhà của Thái Hòa đã được cộng đồng sinh viên hưởng ứng nồng nhiệt. Hội Sinh viên Việt Nam tại 3 trường đại học công lập của Singapore trong lúc người về quê nghỉ hè, người bận rộn đi thực tập... vẫn huy động được một lực lượng đông đảo các cây văn nghệ chủ chốt và tình nguyện viên nhiệt thành. Thái Hòa cho biết toàn bộ chương trình do các bạn sinh viên xây dựng và chuẩn bị trong một tháng ròng rã, trong khi anh bận rộn công việc ở Hồng Kông và những chuyến công tác liên miên, chỉ làm việc được với các bạn qua e-mail. Có lúc tưởng chừng phải bỏ cuộc.

May mắn là ở Singapore có nhạc sĩ Võ Tá Hân, một người gốc Huế và gắn bó thân thiết với sinh viên; anh Albert Antoine, mà các bạn trẻ thân tình gọi là anh Be, là một người em họ của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mang quốc tịch Pháp; và cô Kim Châu, vợ nhạc sĩ Võ Tá Hân. Họ đã giúp các bạn sinh viên hiểu hơn về nhạc Trịnh để xây dựng chương trình, hỗ trợ về âm nhạc lẫn hậu cần, và vận động quyên góp cho đêm nhạc từ những mối quan hệ cá nhân.

Chiều 15.8, Đại học Quốc gia Singapore khá vắng, nhưng những con đường dẫn về giảng đường số 13 của khoa Nghệ thuật và khoa học xã hội lại lao xao. Những chiếc xe hơi dừng lại, những phụ nữ duyên dáng trong bộ cánh thướt tha, những bạn trẻ váy áo xinh tươi... tiến về nơi diễn ra đêm nhạc có chủ đề Gọi tên bốn mùa. Hơn 300 ghế ngồi của giảng đường 13 đã được đặt mua trước cả tuần.

Phần lớn chương trình do các bạn sinh viên hát và đệm đàn. Tuy không hát chuyên nghiệp, cũng không thường hát nhạc Trịnh, song trong tiếng ghi-ta mộc mạc, sân khấu giản đơn, người nghe vẫn cảm thấy trào dâng cảm xúc trước một Thu Thủy nhẹ bâng với Mưa hồng, một Dật Hanh ngọt ngào, da diết với chuỗi ca khúc Ru tình, một Quang Khôi khắc khoải với Này em còn nhớ, một Phương Thảo sâu lắng mà mạnh mẽ với Người già và em bé...

Nhưng, những bài hát say men tình của nhạc sĩ họ Trịnh sẽ vẫn cứ đẹp, cứ lãng mạn và... khó hiểu nếu không có anh Be thay lời người nhạc sĩ quá cố giải thích tại sao “Đôi khi thấy trên lá khô một dòng suối”, lại “Có khi nắng khuya chưa lên”; để rồi “Yêu em yêu thêm tình phụ”, “Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ”... Nhạc Trịnh độc đáo và nhân bản là như thế.

Song đẹp và xúc động hơn cả là câu chuyện tỉ tê qua lời kể và giọng hát của Thái Hòa về một Người mẹ Ô Lý. Những câu chuyện trong nhạc của Trịnh Công Sơn đã khiến nhiều người trong khán phòng nuốt nước mắt vào trong. Cùng có cuộc sống nơi đất khách, Thái Hòa tâm sự, mà cũng như nhắc nhở lớp đàn em, rằng bài hát nhắc anh về quê hương ruột thịt, nơi có những người mẹ tần tảo và luôn tự hào về những đứa con.

Nồi cháo quê hương

Gia đình tiến sĩ Vũ Minh Khương, giảng dạy tại Trường chính sách công Lý Quang Diệu thuộc Đại học Quốc gia Singapore, đã thết đãi ca sĩ Thái Hòa cùng nhóm sinh viên thực hiện đêm nhạc một nồi cháo khuya tại nhà ông nằm trong khuôn viên trường đại học. Chị Thu Hạnh, có chồng là một người Mỹ dạy cùng tiến sĩ Khương, cũng mang đến thau gỏi cải bắp và nồi chè “bà hai” (vì thiếu khoai mì tươi nên không được gọi là chè bà ba!). Trong sự quây quần giữa những người tạm được phân thành hai thế hệ, câu chuyện về nhạc Trịnh dần chuyển sang nỗi trăn trở có tên gọi “quê hương”.

Thái Hòa, với kinh nghiệm học tập, sinh sống và làm việc ở Canada, Pháp và Hồng Kông ngót nghét 20 năm, đã chia sẻ với các sinh viên về hành trình gian khổ đưa anh đến vị trí ngày hôm nay: Tổng giám đốc Chất lượng khu vực châu Á – Thái Bình Dương của tập đoàn Pháp Schneider Electric. Dù vậy, Việt Nam vẫn là nơi anh hướng về. Hiện tại, anh đang là cố vấn trực tiếp cho Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Việt Nam về chất lượng. Anh hỏi han việc học và kế hoạch làm việc sau này của mỗi sinh viên. Rõ ràng, trong tâm thức mỗi người, ai cũng có ý nguyện trở về quê hương. Nhưng vào thời điểm nào, đó là câu hỏi mà tiến sĩ Vũ Minh Khương dành cho các học trò của mình. Và, dù thời điểm nào, có lẽ phụ thuộc vào cơ chế tuyển dụng của chúng ta, thì lời nhắn nhủ của thầy Khương đối với các bạn trẻ vẫn là tính nhân văn và trách nhiệm trong mỗi việc làm. Đó chính là cái Tâm vậy...  

Thục Minh (VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.