Vụ phóng thích gây căng thẳng

21/08/2009 23:47 GMT+7

Sự kiện nhân vật duy nhất bị kết tội trong vụ nổ bom Lockerbie được phóng thích đã châm ngòi cho những phản ứng trái ngược trên thế giới.

Vào tối 20.8, một chiếc máy bay đáp xuống phi trường ở thủ đô Tripoli của Libya. Khi một nhóm người vừa xuất hiện trên cửa máy bay, hàng ngàn người, đa phần là trẻ tuổi, đứng bên ngoài vẫy cờ và reo hò.

Đó không phải là màn đón tiếp đoàn thể thao vừa chiến thắng trở về. Cũng không phải cảnh chào đón một ngôi sao giải trí. Đó là cuộc đón tiếp Abdel Baset Ali al-Megrahi, một nhân vật bị kết tội khủng bố vừa trở về từ nhà tù Scotland.

Nhân vật 57 tuổi này là người duy nhất bị kết án trong vụ đánh bom khiến một máy bay chở khách của Mỹ nổ tung trên bầu trời Lockerbie ở Scotland năm 1988. Vụ khủng bố đã khiến toàn bộ 259 người trên máy bay và 11 người dưới đất thiệt mạng.

Vào năm 2001, al-Megrahi, một cựu quan chức tình báo Libya, đã bị tòa án Scotland kết tội tham gia vụ khủng bố. Tòa sau đó đã tuyên mức án chung thân.

Thân nhân các nạn nhân được an ủi đôi phần, vì kẻ thủ ác đã phải trả giá. Nhưng bản án của tòa Scotland không xua tan hết những mối hoài nghi. Al-Megrahi trước sau tuyên bố mình vô tội. Căn cứ để tòa kết án người đàn ông này cũng chỉ xuất phát từ lời khai của một nhân chứng duy nhất, là một người bán hàng ở Malta. Đến nay vẫn có nhiều người nghi ngờ vào mức độ khả tín của lời khai mà nhân chứng đưa ra.

Tuy nhiên, không phải bản án năm xưa mà là quyết định phóng thích al-Megrahi hôm 20.8 đã làm nổ ra tranh cãi. Bộ trưởng Tư pháp Kenny MacAskill giải thích rằng Chính phủ Scotland đã đi đến quyết định trên sau khi các bác sĩ cho biết tù nhân Libya đang bị ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn cuối, chỉ sống được vài tháng nữa, theo hãng tin BBC. Lý do nhân đạo mà Scotland đưa ra đã không được Tổng thống Mỹ Barack Obama cùng người thân của các nạn nhân đồng cảm. Hôm 20.8, ông Obama nói việc phóng thích vì lý do nhân đạo là sai lầm và rằng tù nhân Libya này nên bị quản thúc tại gia. Chủ nhân Nhà Trắng cũng nói Libya chớ nên chào đón al-Megrahi.

Nhưng rốt cuộc thì al-Megrahi đã được chào đón tại Tripoli. Trong đoàn người dẫn al-Megrahi từ Scotland trở về, người ta thấy có Seif al-Islam Gaddafi, con trai của nhà lãnh đạo Libya Muammar Gaddafi. Seif al-Islam đóng vai trò chính trong việc thuyết phục Chính phủ Scotland thả al-Megrahi. Khi về đến sân bay Tripoli, người ta thấy Seif al-Islam làm biểu tượng chiến thắng bằng ngón tay trước đám đông vẫy chào.

Lý do nhân đạo mà chính quyền Scotland đưa ra là dễ hiểu, bởi đằng nào thì al-Megrahi cũng không còn sống được bao lâu. Nhưng việc nhân vật bị kết tội khủng bố được hưởng sự khoan dung lại khiến nỗi đau của thân nhân các nạn nhân trong vụ khủng bố Lockerbie một lần nữa như bị xát muối. Al-Megrahi được khoan dung, vậy còn 270 người đã chết và rất nhiều người còn sống với nỗi đau khôn nguôi thì phải xử trí sao đây?

“Chẳng phải nhân đạo hay nhân ái gì cả. Đây là thỏa thuận làm vừa lòng ông Gaddafi để đổi lấy dầu lửa”, hãng tin AP dẫn lời bà Susan Cohen, người có con gái chết trong thảm nạn năm xưa. Lời của người phụ nữ đau khổ này khiến người ta nhớ đến việc Tập đoàn BP PLC của Anh đang tìm cách khai thác nguồn dầu lửa dồi dào của Libya.

Đỗ Hùng

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.