Những trận hải chiến lịch sử và quá trình phát triển của hải quân

21/08/2009 00:05 GMT+7

* Kỳ 3: Tìm cách chống trả, Anh cầu cứu Mỹ Trước sức tấn công kinh hoàng của tàu ngầm Đức, hải quân Anh phải lên chiến lược chống trả, đồng thời đích thân Thủ tướng Winston Churchill bay sang Washington cầu cứu viện trợ Mỹ.

Để giành lại thế chủ động trên Đại Tây Dương, hải quân Anh đã liên tục nhóm họp và đề ra hàng loạt chiến lược đối phó với “bầy sói” của Karl Donitz đang được phát triển với cơ số tăng rõ rệt. Việc đầu tiên Anh quốc phải làm là gia tăng lượng tàu hộ tống. Họ quyết định rút một số đông khu trục hạm đang giám sát khả năng xâm lược của người Đức sang hộ tống các đoàn tàu hàng. Chưa an tâm, Anh quốc bổ sung thêm các tàu hộ tống nhỏ cùng chiến đấu hạm tải trọng dưới 1.000 tấn gia nhập đội quân “bảo kê” này. Cùng lúc, Anh quốc đã đàm phán và mượn được 50 khu trục hạm của Mỹ. Tuy đây là số tàu thế hệ cũ song cũng giúp được Anh phát triển lượng tàu hộ tống trên biển.

Việc phải làm thứ hai, hải quân Anh bắt đầu thành lập những hải đội hộ tống chuyên nghiệp. Điều này khác hẳn quan niệm cũ: cứ hễ là tàu chiến thì đương nhiên đủ sức hộ tống tàu hàng. Giờ đây, các hải đội hộ tống cùng thủy thủ đoàn được huấn luyện đặc biệt, đảm bảo có thể tác chiến đồng đội, biết cách săn lùng và nắm vững được cách thức tiêu diệt tàu ngầm mới được tung đi làm nhiệm vụ.

Việc tăng cường trang thiết bị, vũ khí cho các hải đội hộ tống cũng là mấu chốt cơ bản của chiến lược chống trả. Tàu hộ tống được trang bị thêm radar và vô tuyến số cự li ngắn. Radar thời này tuy chưa đủ nhạy để dò ra tàu ngầm mỗi khi trồi lên mặt nước nhưng cùng với vô tuyến số, các hạm trưởng có thể định vị được vị trí của tàu hàng, các tàu hộ tống khác, liên lạc được với nhau và với các chiến đấu cơ, đặc biệt là khi phối hợp tấn công tàu ngầm.

Cuối cùng, sau tròn một năm tham chiến, người Anh nhận ra rằng mật mã cũ Naval Cypher No.3 đã lộ nên quyết định thay bằng Naval Code Number 1. Việc thay thế này khiến sức tấn công của tàu ngầm Đức giảm hẳn. Bộ phận giải mã B-Dienst của Đức “điếc đặc”, không thể tiếp tục cung cấp thông tin tình báo về đường đi nước bước của đối phương. Phía Đức hy vọng bẻ được mã khóa mới trong 6 tuần lễ. Tuy nhiên, điều này đã không xảy ra.

Bên cạnh đó, Winston Churchill bắt đầu tìm kiếm sự ủng hộ của nước Mỹ. Vị Thủ tướng Anh lúc bấy giờ tin rằng sự trợ giúp của Mỹ sẽ đóng vai trò quyết định trong việc đánh bại người Đức. Washington đã nắm đầy đủ thông tin về những tổn thất kinh hoàng của Anh quốc trên Đại Tây Dương và nhận định rằng: việc người Anh thua trận chỉ còn là vấn đề thời gian. Ngoài ra, Washington bắt đầu cảm thấy Mỹ La-tinh cũng đang chịu sự đe dọa của trục ba Berlin – Roma – Tokyo, nhất là khi Hiệp ước ba bên Đức, Ý, Nhật được ký vào ngày 27.9.1940 tại Berlin. Một liên minh tối mật giữa Anh và Mỹ đã được lên kế hoạch và trong chuyến thăm London tháng 1.1941, trợ lý của Nhà Trắng – Harry L.Hopkins - nói với Churchill: “Ngài tổng thống (Mỹ) đã quyết tâm rằng chúng ta sẽ cùng nhau thắng trong cuộc chiến này”.

Trước công chúng, Tổng thống Mỹ Franklin D.Roosevelt vẫn một mực khẳng định nước này sẽ không tham chiến. Tuy nhiên, “destroyer deal” – bản hợp đồng cho Anh quốc mượn 50 chiếc khu trục hạm đã chứng minh Mỹ chính thức giúp Anh một tay.

Đến tháng 3.1941, những chiến lược hoạch định đã cho hiệu ứng bước đầu. Chỉ trong tháng này, Đức đã mất đến 3 tàu ngầm cự phách nhất trong lực lượng của mình. Niềm tự hào Scapa Flow – hạm trưởng Gunther Prien cùng 45 thủy thủ đoàn mất tích trên chiếc U-47 (*) ngày 7.3 tại bờ Rockall, Scotland. Nguyên nhân mất tích do bị khu trục hạm Anh HMS Wolverine tiêu diệt hay bị tai nạn ngư lôi đến giờ vẫn chưa rõ. Mười ngày sau, ách chủ bài thứ nhì của Donitz  - chiếc U-100 - bị radar của khu trục hạm Anh HMS Vanoc phát hiện phía đông nam Iceland (**). Chiếc Vanoc được khu trục hạm Walker hỗ trợ đã bủa vây và truy sát khiến 38 thủy thủ trên U-100 thiệt mạng, bao gồm hạm trưởng Joachim Schepke. Trong Đệ nhị thế chiến, chiếc U-100 đã đánh đắm tổng cộng 25 tàu các loại của quân Đồng minh và làm hỏng 5 tàu khác. Cũng trong trận chiến này, chiếc U-99 của hạm trưởng Otto Kretschmer cũng bị HMS Walker gây áp lực phải lặn đến độ sâu không chịu nổi, rốt cuộc phải trồi lên chịu hàng. 40/43 thủy thủ đoàn sống sót trên tàu bị bắt làm tù binh.

Giai đoạn “happy time” đã kết thúc đối với tàu ngầm Đức.  (Còn tiếp)

Lê Huỳnh Lê

(*) Chiếc U-47 do trung úy Gunther Prien chỉ huy được xem là ách chủ bài số 1 của lực lượng tàu ngầm Đức với thành tích đánh đắm 30 tàu của lực lượng đồng minh, trong đó có chiến công lẫy lừng là đột nhập vào cảng Scapa Flow, đánh đắm chiến đấu hạm Royal Oak (Anh) cùng 833 thủy thủ đoàn.

(**) U-100 là tàu ngầm đầu tiên bị radar phát hiện trong Đệ nhị thế chiến.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.