Năm học mới: Không nhồi nhét quá nhiều kiến thức cho học sinh

18/08/2009 23:46 GMT+7

Năm học 2009-2010, ngành GD-ĐT chủ trương thay vì nhồi nhét quá nhiều kiến thức, sẽ chuyển sang chú trọng việc nâng cao chất lượng giáo dục, trang bị kỹ năng sống cho HS.

Trao đổi với PV Thanh Niên về những điểm mới của năm học này, ông Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) cho biết:

- Năm nay, Bộ GD-ĐT sẽ ban hành tài liệu hướng dẫn chuẩn kiến thức, kỹ năng của chương trình THPT. Cuối tháng 9 tới sẽ tiến hành đánh giá toàn diện về 3 năm thực hiện chương trình - sách giáo khoa mới ở bậc THPT, bắt tay ngay vào việc xây dựng chương trình mới dự kiến áp dụng từ năm 2015. Vận động trong ngành giáo dục, trong vòng 2 năm, bắt đầu từ năm học 2009-2010, chấm dứt việc dạy học chủ yếu qua "đọc-chép" ở bậc THCS và THPT. Mỗi giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục thực hiện một đổi mới trong phương pháp dạy học và quản lý. Mỗi trường có một kế hoạch cụ thể về đổi mới phương pháp dạy học. Mỗi tỉnh có một chương trình đổi mới phương pháp dạy học.

Đây cũng là năm bắt đầu tiến hành xây dựng mô hình trường chất lượng cao ở bậc THCS và THPT. Ngoài hệ thống trường chuyên (với 74 trường trên cả nước) thì hệ thống trường chất lượng cao khi chính thức có quy chế hoạt động sẽ là một mô hình dạy học theo nhu cầu với chi phí và thời lượng học tập khác so với hệ thống trường công lập hiện nay. Trong đó chú trọng tới việc dạy ngoại ngữ, tin học, kỹ năng sống, kỹ năng ứng dụng, thực hành.


Lê Quán Tần - Vụ trưởng Vụ Giáo dục trung học (Bộ GD-ĐT) 

* Như vậy, khi quy định này ra đời thì sẽ chấm dứt mô hình trường "chất lượng cao" tự xưng như hiện nay, thưa ông?

- Đúng thế. Việc xây dựng mô hình chất lượng cao là chuẩn bị cho một chiến lược lâu dài, Bộ GD-ĐT chỉ có trách nhiệm ban hành thể chế, hành lang pháp lý cho loại hình trường này chứ không quy định cứng nhắc. Mô hình này sẽ phát triển theo nhu cầu và khả năng đóng góp của người dân.

* Sau một năm tăng thời lượng từ 35 tuần lên 37 tuần thực học/năm đối với bậc THCS và THPT, ông đánh giá ra sao về hiệu quả của quyết định này?

- Bản chất của việc tăng thời gian thực học là nhằm giảm bớt căng thẳng cho HS, tăng thêm 2 tuần cho một năm học trong khi chương trình vẫn giữ nguyên đã giúp giảm thời gian học xuống dưới 30 tiết/tuần. Như vậy, tăng thời lượng không phải để thêm quá tải mà để mỗi ngày HS học nhẹ nhàng, có hiệu quả hơn.

Mặc dù vậy, thời gian thực học đối với bậc THCS và THPT của Việt Nam hiện nay chỉ bằng khoảng 80% mức trung bình của thế giới. Trong khi hầu hết HS các nước đều được học 2 buổi/ngày thì ở nước ta chỉ có khoảng 4% HS được học 2 buổi/ngày. Nếu như HS nước Anh có 300 phút/ngày ở trường thì thời gian này của HS Việt Nam chỉ là 225 phút/ngày.

Thời lượng học tập eo hẹp hiện nay khiến cho việc thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện rất hạn chế, những hoạt động lẽ ra HS cần được thực hành thì hiện mới chỉ dừng lại ở việc học lý thuyết. Điều đáng lo ngại hơn là những hoạt động nhằm tổ chức cho HS thâm nhập vào đời sống xã hội hầu như không có. Thực tế ấy khiến cho việc giáo dục kỹ năng sống còn rất hạn chế.

* Vậy Bộ có đặt ra mục tiêu cụ thể cho việc tổ chức dạy 2 buổi/ngày ở bậc trung học trong thời gian tới?

- Việc học 2 buổi/ngày với bậc trung học đang là vấn đề rất bức xúc của ngành GD-ĐT cũng như của phụ huynh HS. Vấn đề đặt ra là tăng thời lượng học tập không phải để học văn hóa triền miên mà nhằm đưa những nội dung giáo dục làm người vào trường học, tạo điều kiện cho HS hoàn thiện nhân cách, hạn chế những tác động xấu ngoài xã hội đối với HS trong thời gian lẽ ra các em được hoạt động tại trường.

Trong năm học tới, Bộ GD-ĐT chủ trương sẽ đề nghị các địa phương đầu tư vào hệ thống trường chuyên, một bộ phận các trường này sẽ được học 2 buổi/ngày nhằm tăng thời lượng học ngoại ngữ, tin học thêm 1-2 tiết/tuần. Ngoài ra, sẽ tiến hành dạy học song ngữ với một số môn khoa học tự nhiên...

* Chỉ thị năm học 2009-2010 lần đầu tiên đề cập tới nội dung giáo dục kỹ năng sống cho HS. Xin ông cho biết nội dung này sẽ được thực hiện ra sao?

- Muốn làm được điều này phải giải quyết hàng loạt vấn đề: thời lượng, người dạy và tài liệu. Đó lại là những thứ chúng ta còn đang thiếu. Năm nay là năm ngành GD-ĐT sẽ đi những bước đầu tiên để đưa nội dung giáo dục kỹ năng sống vào trường học bằng cách tích hợp vào các môn học, đặc biệt là môn giáo dục công dân. Bên cạnh đó, chúng tôi đang viết tài liệu để có thể áp dụng cho năm học tới đây.

Tuệ Nguyễn
(thực hiện)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.