Đề nghị tăng mức phạt vi phạm giao thông tại Hà Nội và TP.HCM: Bộ Tư pháp “thổi còi”!

17/08/2009 23:42 GMT+7

Trước việc Bộ GTVT đề xuất cho phép TP Hà Nội và TP.HCM được xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ cao hơn các địa phương khác, Bộ Tư pháp cho rằng đề xuất này trái với tinh thần Hiến pháp 1992.

Đề xuất tăng mức xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ đã nhiều lần được Hà Nội và TP.HCM đề cập. Trong Báo cáo về tình hình triển khai các giải pháp cấp bách nhằm khắc phục ùn tắc giao thông theo tinh thần Nghị quyết số 16, TP.HCM cũng từng chính thức kiến nghị Chính phủ cho phép áp dụng khung phạt riêng.

Từ những cơ sở này, dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (thay thế cho Nghị định 146) nêu: “Để phù hợp với tình hình thực tế, trên địa bàn TP Hà Nội và TP.HCM được áp dụng mức tiền phạt cao hơn đến 100% so với mức tiền phạt quy định tại chương II của nghị định này. Chủ tịch UBND TP Hà Nội và TP.HCM quy định mức tiền phạt cụ thể đối với từng hành vi vi phạm sau khi HĐND thành phố phê duyệt”. 

Thế nhưng, trong văn bản mới đây gửi Văn phòng Chính phủ và Bộ GTVT về việc thẩm định dự thảo nghị định này trước khi trình Chính phủ, Bộ Tư pháp cho rằng đề xuất tăng mức phạt ở TP Hà Nội và TP.HCM là vi hiến. Cụ thể, điều 52 Hiến pháp năm 1992 đã quy định mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật, theo đó người nào có hành vi vi phạm pháp luật cũng đều bình đẳng trước cơ quan có thẩm quyền trong việc xem xét áp dụng các chế tài. Từ đó, Bộ Tư pháp khẳng định: Đây là nguyên tắc bình đẳng đòi hỏi cơ chế áp dụng pháp luật thống nhất trên toàn quốc, tránh việc cùng một hành vi vi phạm nhưng chủ thể thực hiện ở mỗi một nơi lại bị áp dụng quy định xử phạt khác nhau.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp còn cho rằng TP.HCM và Hà Nội hiện còn có số lượng rất lớn người có thu nhập thấp, thậm chí thuộc diện nghèo. Bên cạnh đó, người ngoại tỉnh tham gia giao thông tại 2 thành phố này rất lớn, mức phạt cao đối với những đối tượng này sẽ gây nên sự bất bình đẳng và không khả thi...

Xử phạt qua hình ảnh có nguy cơ “phá sản”

Cũng liên quan đến việc thẩm định dự thảo nghị định trên, Bộ Tư pháp cho rằng còn một số quy định, chế tài thiếu tính khả thi. Cụ thể, đối với việc phát hiện và xử lý vi phạm qua hình ảnh, trong dự thảo quy định CSGT, thanh tra giao thông có quyền sử dụng camera, máy ảnh để phát hiện, truy tìm đối tượng vi phạm hành chính. Trong trường hợp ghi được hình ảnh phương tiện và biển số đăng ký của phương tiện nhưng không xác định được đối tượng trực tiếp điều khiển phương tiện thì chủ sở hữu phương tiện sẽ bị phạt. Theo Bộ Tư pháp, việc xác định trách nhiệm hành chính phải trên cơ sở hành vi vi phạm của một chủ thể nhất định, chứ không thể căn cứ vào phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm. Trên thực tế, việc xử phạt này sẽ không khả thi đối với những phương tiện đã được chuyển nhượng qua nhiều chủ sở hữu khác nhau mà không làm thủ tục sang tên tại cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Mặt khác, trong nhiều trường hợp cơ quan quản lý không thể nhanh chóng xác định được chủ sở hữu phương tiện dẫn đến kéo dài thời gian xử lý vụ việc.

Ngoài ra, Bộ Tư pháp cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cần phải xem xét lại một số quy định khác như thẩm quyền xử phạt của Chánh thanh tra Cục Đường bộ, hành vi vi phạm môi trường và biện pháp khắc phục hậu quả...

Trao đổi với PV Thanh Niên chiều 17.8, ông Nguyễn Văn Thuấn, Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông (Bộ GTVT) cho rằng những ý kiến của Bộ Tư pháp rất hợp lý và đang được Bộ GTVT tiếp thu, chỉnh lý.

“Đối với đề xuất tăng mức xử phạt tại Hà Nội và TP.HCM, Ban soạn thảo đã thống nhất đưa vào nhóm nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau để Chính phủ xem xét, quyết định”, ông Thuấn nói.

Thái Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.