Học sinh trường làng đoạt cú đúp thủ khoa

14/08/2009 17:29 GMT+7

Xuất thân từ làng quê nghèo nhưng Trần Nhật Tiến (trường THPT Quốc học Huế) và Ngô Hoàng Trung (trường THPT Hương Thủy, Thừa Thiên-Huế) đều đỗ thủ khoa đại học với số điểm khá cao.

Nhút nhát, ít nói, hay cười là chân dung của thủ khoa Trần Nhật Tiến. Ở khối A, Trần Nhật Tiến thi vào ngành dược sĩ với điểm Toán 9, Lý 10, Hóa 10. Khối B, Tiến dự thi ngành Bác sĩ đa khoa với điểm Sinh 9,5, Toán 10, Hóa 9,5. Cậu học trò xuất thân từ làng cát Mỹ Lam (xã Phú Mỹ, huyện Phú Vang, Thừa Thiên-Huế) trở thành thí sinh có điểm cao nhất ĐH Huế.

Mẹ dạy học ở trường THCS Phú Mỹ, bố là lương y tại làng, liên tục 12 năm Tiến đều là học sinh giỏi và giành nhiều giải thưởng lớn của tỉnh và quốc gia. Khi trường tổ chức tham gia cuộc thi tiếp lửa tài năng để tìm người dự thi Đường lên đỉnh Olympia vừa qua, Tiến cũng tham gia. Nhưng vì thiếu tự tin, tâm lý không vững vàng nên Tiến bị loại ngay vòng đầu. Tiến tiếc nuối: “Em tiếc là mình không đủ tự tin như Hồ Ngọc Hân để có thể đoạt được vòng nguyệt quế. Khi trở thành sinh viên, em sẽ phải khắc phục nhược điểm này. Bởi em sẽ học ngành bác sĩ để theo nghiệp cứu người như tâm nguyện của bố, nên không thể nhút nhát mãi được”.

Còn chàng thủ khoa có dáng người nhỏ gầy Ngô Hoàng Trung (trường THPT Hương Thủy, huyện Hương Thủy, Thừa Thiên- Huế) kể lại: “Khối A, em thi môn Toán không được như mong muốn nên không hy vọng sẽ đạt điểm cao chứ đừng nói chi tới thủ khoa. Còn khối B, em chỉ thi để thử sức rứa thôi”. Nhưng cuối cùng niềm vui đã vỡ òa khi Trung đỗ thủ khoa vào trường ĐH Kinh tế Huế (khối A, ngành Tài chính ngân hàng với 28,5 điểm), rồi làm luôn cú đúp khi đỗ thủ khoa trường ĐH Khoa học Huế (khối B, ngành Công nghệ sinh học với 26,5 điểm).

Sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhiều bạn bè của Trung đều lên thành phố ôn thi. Hiểu hoàn cảnh khó khăn của gia đình mình, Trung không chỉ tự ôn thi ở nhà mà còn tranh thủ đỡ đần bố mẹ việc đồng áng. Mỗi ngày, Trung và bố (ông Ngô Văn Thành) phải thức dậy thật sớm để ra ruộng cắt rau muống rồi bó lại thành từng bó cho bà Lê Thị Đấu (mẹ Trung) kịp bán trong buổi chợ sáng ở chợ Bến Ngự.

Chuẩn bị cho Trung nhập học với nhiều khoản chi phí cần phải đóng, song hành trang của cha mẹ Trung vẫn là ruộng rau muống cộng với những vòng xe đạp chậm của người mẹ già 60 tuổi chở rau lên phố bán...

Tây Nguyên - Minh Phương

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.