Hôn nhân đổ vỡ vì con cái?

09/08/2009 17:25 GMT+7

Lẽ nào đứa con - kết quả mong đợi của hôn nhân - lại là thủ phạm đánh đắm con thuyền hôn nhân?

Nhìn đôi vợ chồng trẻ với đứa con nhỏ ngây thơ nô đùa, ai chẳng nghĩ đó là hình ảnh lý tưởng của một gia đình hạnh phúc. Nhưng thống kê từ Bộ Tư pháp Mỹ lại cho thấy tỉ lệ ly hôn của những đôi vợ chồng trẻ (còn gọi là “ly hôn xanh”) sau khi đứa con ra đời đến tròn 3 tuổi chiếm 40,27% tổng số các vụ ly hôn của quốc gia này trong năm 2005.

Hoang tưởng về tình yêu vĩnh cửu

Ngày nay, ở hầu hết các nước phát triển, mục đích cơ bản của hôn nhân không phải để sinh con nối dõi tông đường như chúng ta thường nghĩ mà vì nhu cầu được yêu thương, được chăm sóc nhau. Nhưng sự ra đời của đứa trẻ đã khiến cha mẹ chúng không còn đủ thời gian và năng lượng để đáp ứng những nhu cầu đó nữa. Và khi điều đó xảy ra có nghĩa là mục tiêu cơ bản của hôn nhân đã thất bại.

Chúng ta biết rằng hai thành tố quan trọng của quan hệ vợ chồng là tình yêu và sự cần có nhau trong cuộc đời, không thể tách rời. Khi một trong hai thành tố đó mất đi thì thành tố kia cũng mất nốt. Nếu điều kiện sống khiến đôi vợ chồng không thể đáp ứng những nhu cầu của nhau thì mối quan hệ bắt đầu phiêu lưu, mạo hiểm. Nhưng thông thường người ta không thấy nguy cơ đó. Họ tưởng rằng tình yêu sẽ bền vững vì cả hai đã quyết định yêu nhau đến trọn đời. Đó là điều hoang tưởng. Thật ra, tình yêu chỉ tồn tại khi cả hai đáp ứng được những nhu cầu thiết yếu của nhau.

 Áp lực của cuộc sống gia đình làm cạn kiệt dần những tài nguyên có hạn của tình yêu, đồng thời nguy cơ ly hôn cũng xuất hiện

Muốn vậy, hai người phải dành thời gian để trò chuyện và quan tâm đến nhau. Với những đôi vợ chồng đứng trước nguy cơ đổ vỡ, chuyên gia tâm lý yêu cầu mỗi người liệt kê ba nhu cầu quan trọng nhất của người kia, thường họ viết sai hết. Cái mà họ tưởng người kia cần thì “đối tác” lại không cần, cho nên toàn “gãi không đúng chỗ ngứa” mặc dù có thiện chí cứu vãn hôn nhân. Bởi vì đã lâu rồi họ không có điều kiện quan tâm đến nhau nên rất mù mờ về những gì người kia muốn, và cùng với nó họ đánh mất luôn niềm vui được chăm sóc nhau.

Cạn kiệt tài nguyên trái tim

Do đâu có tình trạng ấy? Khi đứa con ra đời nó trở thành một bộ phận quan trọng trong cuộc sống vợ chồng. Việc chăm sóc đứa con cuốn hút gần như toàn bộ mối quan tâm của họ, khiến cả hai không còn khả năng quan tâm đến nhau nữa, mọi xúc cảm của trái tim đều đổ dồn vào con.

Thật ra đứa trẻ có đòi hỏi cha mẹ phải quan tâm đến nó 24/24 giờ mỗi ngày? Đúng ra đôi vợ chồng vẫn có thời gian dành cho con và dành cho nhau nếu biết tổ chức cuộc sống một cách khôn ngoan. Cuộc sống hôn nhân không đòi hỏi những kỹ năng mới mà chỉ tái tạo những gì từng có trước đây, tức là làm lại cái họ đã làm với nhau lúc đang yêu: âu yếm, trò chuyện thân mật, đùa giỡn và quan hệ tình dục. Những nhu cầu này nhất thiết phải có nếu chúng ta muốn hôn nhân bền vững.

Nhưng làm sao có thể thỏa mãn được nhau khi đứa con nhỏ quấn bên người? Không ít người nghĩ rằng hai vợ chồng với đứa con nhỏ ở bên là những phút riêng tư. Chẳng lẽ họ không biết sự trò chuyện thân mật tất yếu sẽ dẫn đến mơn trớn âu yếm nhau và cuối cùng là có thể yêu đương. Nhưng sự có mặt của đứa trẻ đã là một trở ngại. Có đôi vợ chồng chờ đứa con 3 tuổi ngủ để có thể âu yếm nhau nhưng nó cứ thức mãi. Chờ một lúc lâu thấy con nằm im trong lòng mẹ, chồng ghé tai vợ thì thào: “Nó ngủ chưa?”. Nào ngờ đứa bé cũng thì thào: “Con chưa ngủ bố ạ!”. Lát sau vợ chồng cũng ngủ nốt.

Thời gian vợ chồng dành riêng cho nhau phải ít nhất là 15 giờ mỗi tuần và rải đều trong tuần chứ không dồn vào hai ngày nghỉ cuối tuần. Trong thời gian ấy nhất thiết không được có trẻ con xen vào.

Giữ tình yêu, có khi phải lơ... con!

Việc tập cho con ngủ riêng trong nôi ngay từ lúc mới sinh là rất cần thiết. Không nên cho con nằm ngủ giữa bố mẹ hoặc nằm một bên mẹ, lâu dần không thể tách ra được nữa. Khi con đã ba, bốn tuổi trở lên, phải dạy con hiểu rằng bố mẹ cần có những lúc riêng tư, tập cho con thói quen tách khỏi bố mẹ, bởi vì có những chuyện của người lớn mà trẻ con không được can dự. Buổi tối, khi mẹ bảo: “Con ngoan về phòng ngủ đi, để bố mẹ nói chuyện”, đứa con phải ngoan ngoãn về phòng sau khi chúc bố mẹ ngủ ngon. Đó mới là biết cách dạy con.

Thực tế cho thấy khi vợ chồng nói chuyện, có một đứa trẻ ở giữa lúc nghịch cái này, lúc đòi cái nọ hoặc hỏi điều kia thì họ không thể nói được câu chuyện có chất lượng vì luôn bị phân tán và cắt ngang. Những cử chỉ âu yếm của họ càng khó thực hiện. Vì thế chỉ nói toàn những chuyện nhạt nhẽo, vụn vặt, thiếu chiều sâu, không đi được vào ngõ ngách tâm hồn nhau. Và thế là giữa họ dần xuất hiện một khoảng trống. Cái khoảng trống mà xưa kia luôn được lấp đầy bởi muôn vàn sự gần gũi vợ chồng. Cái khoảng trống có tên gọi: tình yêu.

Tiến sĩ Richard Burn hình dung quan hệ vợ chồng và con cái như ba đỉnh của tam giác: vợ - chồng - con. Nhưng ông lưu ý không phải là tam giác đều. Quan hệ vợ chồng là quyết định. Nếu nó tan vỡ thì gia đình sẽ tan vỡ và đó mới là nỗi bất hạnh thật sự của bất cứ đứa trẻ nào.

Suy cho cùng, nếu cha mẹ muốn những điều tốt đẹp nhất cho con cái thì họ phải coi việc quan tâm đến nhau là ưu tiên cao nhất, sao cho luôn đáp ứng đúng những nhu cầu thiết yếu của nhau. Nếu bạn chỉ tập trung vào con, quên mất người bạn đời thì điều bất hạnh lớn nhất hoàn toàn có thể xảy ra với chính đứa con của bạn.

Nhà tâm lý Trịnh Trung Hòa / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.