Âm nhạc cho trẻ em nghèo Việt Nam

08/08/2009 23:17 GMT+7

Có một tập hợp người Việt tại Singapore sử dụng âm nhạc để kết nối những tấm lòng nhân ái đến với trẻ em thiếu may mắn ở Việt Nam.

Được thành lập từ một ý tưởng đầy chất nhạc, ba năm qua tổ chức từ thiện của người Việt tại đảo quốc sư tử Gentle Fund Organization (GFO) đã nhờ âm nhạc để tập hợp những tài năng người Việt cũng như người nước khác trong những chương trình thu hút hàng trăm nhà hảo tâm. Những chương trình nhân ái dành cho trẻ em nghèo Việt Nam lớn lên từ đó.

m nhạc của tấm lòng

Tối 1.8, nhân kỷ niệm 3 năm thành lập, GFO đã có một buổi hòa nhạc rất ấn tượng, vừa trẻ trung sôi động, lại giàu chất nhân văn. Những bản nhạc, những ca từ không mới nhưng có sức lay động sâu xa và làm phấn khích gần 600 người trong một khán phòng ấm cúng. Phương Tâm mở màn chương trình với câu chuyện lãng đãng bên Hồ Tây trong ca khúc Hà Nội mùa thu. Cô gái nhỏ nhắn nhưng giọng hát khi vút cao, khi lắng sâu đã khiến khán giả bồi hồi, xao xuyến trước một Hà Nội thâm trầm với những tà áo dài tha thướt. Có ai đó reo lên: “Tôi muốn trở về nơi ấy!”.

“Nơi ấy” không chỉ của những người Việt có cuộc sống khấm khá nơi xứ khác, bất chợt chạnh lòng nghĩ đến những số phận kém may mắn ở quê nhà, mà còn của cả những người không có dự phần nhưng giàu tình yêu âm nhạc và lòng trắc ẩn. Họ đã đến, đã hát, bằng cả trái tim và niềm đam mê. Bởi thế mà có một Surath (người Sri Lanka) bốc lửa với Heaven, với Summer 69 cùng cây guitar và chiếc mũ cao bồi ấn tượng; một Reto (cha người Thụy Sĩ, mẹ Thái Lan), một Brian (người Malaysia) điệu nghệ như “ông hoàng” rock n roll Elvis Presley với Crazy little thing called love, với Don’t be cruel, với Its now or never... đưa khán giả về lại những thập niên 60-70 của thế kỷ trước. Và rồi những Ainul, một Eli, một Gimz, những tài năng âm nhạc trẻ tuổi của xứ sư tử, tràn trề năng lượng, nồng nhiệt và nhân ái với Listen, với Circle of life, If everyone cared No bounderies như đánh thức ở mỗi con người lòng trắc ẩn, trách nhiệm với thiên nhiên, với đồng loại và khát vọng vươn lên cháy bỏng. Khán phòng như muốn nổ tung trong tiếng vỗ tay vang lên từng hồi.

Mai Trang, phụ trách chương trình và xây dựng ý tưởng sân khấu của đêm nhạc, cho biết các giọng ca tham gia trình diễn đều là những ca sĩ chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp có tiếng trên đảo quốc sư tử. Họ đã đến với GFO một cách tự nguyện, không một đồng thù lao, thông qua sự giới thiệu của bạn bè, của người quen là những người yêu mến và có nhiều đóng góp trong các hoạt động nhân ái của GFO. Ser Han và Jin Hong, hai học sinh trung học cơ sở, cũng được ba mẹ đưa đến tham gia đoàn nhạc công với những cây violin xinh xắn.

Nhưng sẽ không có một chương trình văn nghệ súc tích, đánh trúng thị hiếu âm nhạc của người Singapore, của khán giả phương Tây và của giới trẻ Việt Nam ở nước ngoài, nếu không có tài năng lựa chọn, dàn dựng các bài hát và phối nhạc của Dật Hanh. Dật Hanh mới ngoài 20 tuổi và đang theo học một ngành không dính dáng gì đến âm nhạc tại Đại học quốc gia Singapore. Bên cạnh Dật Hanh, có một đội ngũ đông đảo tình nguyện viên người Việt trẻ trung và đầy nhiệt huyết. Không ai khác, chính họ là những người đã và đang làm nên cái tên GFO tập hợp mạnh thường quân từ nhiều quốc gia khác nhau.

 

Học tập tại Trung tâm Diệu Viên

Trang kế tiếp

Trong 3 năm qua, bằng nguồn đóng góp liên tục của những nhà hảo tâm, của những công ty lớn ở đảo quốc sư tử, GFO đã đem đến cho trên 100 bệnh nhân người Việt chữa trị tại Singapore sự chăm sóc và hỗ trợ cả về vật chất lẫn tinh thần trong lúc khó khăn nơi đất khách. GFO cũng trao cho hơn 200 em học sinh nghèo học giỏi trên khắp đất nước hình chữ S những suất học bổng 400.000 đồng/tháng để bảo trợ cho quá trình học tập của các em. Hai trung tâm học tập Long Hoa ở Q.7, TP.HCM và Diệu Viên ở huyện Hương Thủy (tỉnh Thừa Thiên - Huế) được GFO xây dựng và trang bị nhiều máy tính, thư viện sách, phòng học...  nhằm đem lại cơ hội học tập và mở mang tri thức cho gần 500 trẻ mồ côi và những thiếu nhi địa phương có hoàn cảnh khó khăn.

Ông Nguyễn Đắc Thắng, Chủ tịch GFO, cho biết chi phí vận hành mỗi trung tâm ở mức 30.000 SGD (380 triệu đồng VN)/năm. Doanh thu từ bán vé và quyên góp được hơn 40.000 SGD trong đêm nhạc 1.8 sẽ được dùng vào hoạt động của hai trung tâm này. Tại Việt Nam, GFO có văn phòng ở TP.HCM, Hà Nội và Đà Nẵng với hàng chục tình nguyện viên tại chỗ tham gia điều phối các hoạt động ở mỗi địa phương. Trong hai ngày 7 và 8.8, GFO đã tổ chức trại hè cho 60 học sinh khó khăn ở Hà Nội. Cùng với sự góp sức của 40 tình nguyện viên, trại hè GFO tạo cho các em một sân chơi bổ ích và nhân ái trước khi bước vào năm học mới.

Chưa dừng lại ở đó, GFO đang làm việc với các trường nghề ở TP.HCM và Huế để đưa các em ở hai trung tâm Long Hoa và Diệu Viên đi học nghề. Dự kiến chương trình sẽ bắt đầu trong năm 2010. Ông Thắng nói rằng GFO đánh dấu một trang mới ở tuổi lên ba bằng việc trang bị cho các em thiếu niên kém may mắn một cái nghề để bước vào đời và tự lập.

Thục Minh
(VP Singapore)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.