Một ngày ở khoa điều trị bỏng

08/08/2009 11:22 GMT+7

Cánh cửa sắt ngăn hành lang và phía trong khu điều trị ở khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy, TP.HCM bao giờ cũng có một điều dưỡng ngồi “gác cổng”. Đó như một nội quy ngầm mà ai cũng biết: khoa bỏng là nơi tuyệt đối hạn chế người ra vào để tránh cho bệnh nhân khỏi các biến chứng nhiễm trùng.

Khi bước vào khu điều trị khoa bỏng của bệnh viện, có một điểm đặc trưng khiến người ta không khỏi ái ngại là ở bất kỳ phòng bệnh nào cũng luôn gặp những người quấn băng trắng toát, toàn thân rỉ máu hay nước vàng do mất lớp da bên ngoài...

Con đâu anh?

Nằm trong phòng chăm sóc đặc biệt, người mẹ trẻ Nguyễn Thị Hồng Loan (18 tuổi) dường như chỉ còn đôi mắt to, trong veo là điều có thể để những ai từng biết nhận ra cô. Vợ chồng Loan mới cưới nhau được một năm. Sinh linh bé bỏng đầu lòng của họ chỉ mới được 28 tuần tuổi... “Người em bây giờ sao thấy khác quá” - Loan khào khào giọng, bảo. Có lẽ đó đang là lúc Loan tỉnh táo nhất chứ không bị lẫn lộn và hay quên kể từ sau tai nạn khủng khiếp đang đè nặng lên gia đình cô.

“Khi tỉnh dậy, Loan cứ lúc nhớ lúc quên. Nhưng câu đầu tiên cô ấy hỏi tôi là con đâu anh? Tôi chết lặng. Đau lắm... Nhưng tôi phải ráng bình tĩnh không để giọng run, nói rằng con gái mình đẹp lắm em ạ. Anh gửi bà nội nuôi rồi. Tôi không dám nói sự thật, sợ Loan không chịu nổi...” - anh Lê Ngọc Khỏe (25 tuổi), chồng Loan, kể.

Hai vợ chồng ở chung với bên nội trong một căn nhà nhỏ tại Mỹ Phú (Cao Lãnh, Đồng Tháp). Căn nhà chật chội chen chúc bảy người ấy là tài sản duy nhất của cả gia đình anh Khỏe. Cha anh mất đã 15 năm. Mẹ đi bán khoai dạo. Mấy anh em đi làm hồ, sửa xe...

Tai họa ập đến vào một buổi sáng cuối tháng 7-2009. Sáng hôm ấy, cả nhà đi làm hết. “Ở nhà chỉ còn chị Hai, vợ tôi và hai đứa con chị Hai. Chị Hai vừa đi chợ chừng 15 phút thì phát hỏa. Công an kết luận cháy nhà do chập điện. Nhà làm bằng gỗ, lợp mái tôn nên khi cháy lửa bén rất nhanh, cháy từ cửa trước ra cửa sau. Ngặt nỗi sau bếp nhà tôi là vách tường của nhà người ta. Có thể vì vậy mà vợ tôi và hai đứa nhỏ không thoát ra được...” - anh Khỏe buồn thiu nhớ lại.

Rồi anh tiếp lời: “Người ta gọi điện thoại kêu tôi về. Lúc đó căn nhà đã cháy rụi hết. Đứa cháu 4 tháng tuổi con chị Hai đã được cứu ra. Tôi lao vào để kiếm đứa cháu 3 tuổi thì thấy vợ mình đang nằm trước cửa phòng tắm, mặt bị cháy đỏ hỏn. Còn đứa cháu bị đống đổ nát và đồ đạc cháy đè lên đầu chết ngay tại chỗ. Tội nghiệp lắm... Nó chết trong vòng tay vợ tôi. Lúc lửa cháy, vợ tôi đang tắm cho nó. Còn đứa 4 tháng tuổi bị bỏng hơn 20%, phải cấy da, đang nằm ở Bệnh viện Nhi Đồng” .

 Hồng Loan trong phòng chăm sóc đặc biệt - Ảnh: My Lăng

Hồng Loan trong phòng chăm sóc đặc biệt - Ảnh: My Lăng

Bệnh nhân vừa được đưa vào Bệnh viện Hữu Nghị (Đồng Tháp), các bác sĩ bảo chuyển ngay lên Bệnh viện Chợ Rẫy vì tình trạng quá nặng. Chị Loan được đưa thẳng vào phòng chăm sóc đặc biệt của khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy. “Nhập viện chừng hai ngày tôi mới biết cái thai đã chết từ trong bụng do bị sẩy. Vợ chồng tôi không giữ được đứa con đầu lòng của mình...” - người cha trẻ rưng rưng nói.

“Bệnh nhân Loan bị bỏng lửa rất nặng do cháy nhà, tới 40% ở mặt, phần thân và tứ chi. Thai con so 28 tuần tuổi, chết lưu, tự sẩy. Chúng tôi đã cho bệnh nhân sinh bình thường để cứu mẹ. Các ngón tay của bàn tay phải bị hoại tử hết, đã tháo khớp. Đây là một trong những trường hợp bỏng rất nặng” - bác sĩ Lê Xuân Giang, khoa bỏng, cho biết.

Tiền lương thợ sơn sửa ôtô của anh Khỏe một tháng chỉ hơn 2 triệu đồng. Từ lúc tai họa xảy ra, anh nghỉ hẳn để chăm sóc vợ. Ngày đêm lê la ở hành lang bệnh viện. Tắm rửa cũng nhờ bệnh viện. Khi đưa vợ lên Sài Gòn, anh em trong nhà và hàng xóm mỗi người cho năm, bảy chục ngàn đồng... cũng không thấm tháp gì so với số tiền tạm ứng 30 triệu đồng và tiền thuốc đã lên tới hơn 21 triệu đồng.

Còn nước còn tát

Phòng số 5. Ngay tại cửa. Một người mẹ móm mém, khuôn mặt buồn rười rượi, đang nhẹ nhàng từng chút một, lấy khăn thấm máu đang ứa ra từ phần thân dưới của cô con gái. “Máu ra nhiều quá. Tôi sợ lắm...” - bà buồn rầu nói bằng chất giọng như hết hơi. Bà tên là Trần Thị Hai (57 tuổi), quê ở Bình Thuận (thôn Dân Thuận, xã Hàm Thạnh, huyện Hàm Thuận Nam).

Tài sản của vợ chồng bà chỉ có 2 sào ruộng và 2 công đất đầy sỏi đá trồng thanh long. Bà bảo: “Một năm thu hoạch thanh long cả bốn đợt mới được gần 10 triệu đồng. Tôi mới thu được ba đợt nhưng bèo nhèo lắm, được gần 6 triệu đồng thôi. Chồng tôi gần 60 tuổi rồi, cũng chỉ làm thuê làm mướn, đi cuốc cỏ, xịt thuốc sâu... cho người ta kiếm 60.000 đồng một ngày công. Tôi thì sức khỏe yếu nên ở nhà, chăm mấy lộc thanh long”.

Tai họa ập xuống chị Lê Thị Phượng (31 tuổi), người con thứ năm của bà Hai, vào một buổi chiều giữa tháng 7-2009. Hôm ấy, chị Phượng đang đốt đống cỏ khô trên rẫy. Bất ngờ gió thổi ào tới. Lửa bắt vào áo thun, quất vào mặt rồi cháy dữ dội. Chị Phượng chỉ kịp hét lên rồi nhảy xuống ao nước nhà hàng xóm. Ông Lê Quang Tuyến, cha chị Phượng, ở căn chòi cuối khu đất gần đó chạy tới nhưng không kịp.

“Nhìn con mà tôi muốn ngất xỉu. Hai cẳng tay lòi cả xương trắng ra. Nó bị bỏng từ cổ xuống háng. Vợ chồng tôi đưa con vào bệnh viện tỉnh (Bình Thuận). Lúc đó trong túi tôi chỉ còn gần 140.000 đồng.

Nhưng bác sĩ bảo nếu để ở đây bệnh nhân sẽ chết, phải chuyển vào Bệnh viện Chợ Rẫy gấp. Nghe bác sĩ nói vậy, thôi thì bà cứ liều mạng mà đưa con vào cho kịp rồi mượn tiền sau. Tới Sài Gòn, con trai bà Hai mượn một người bạn ở TP được 5 triệu đồng. Con rể bà về quê mượn quanh xóm được 20 triệu đồng nhưng vẫn không đủ. Anh phải bán cả nhà và 2 sào đất đang trồng 140 lộc thanh long, được 40 triệu đồng. Hai đứa con của chị Phượng, một đứa học mẫu giáo, một đứa mới 3 tuổi phải gửi bên nội chăm sóc.

Hai bên nội, ngoại đều nghèo. Bà Hai tính bán luôn 2 sào đất đang ở. Nhưng nếu bán rồi thì hai vợ chồng già và mấy đứa con ở đâu? Bà thẫn thờ bảo ở ngoài quê đang tính vào đưa chị Phượng về, trị được tới đâu hay tới đó. Nhưng tới giờ này chị vẫn lúc mê lúc tỉnh. Thứ hai này lên ca mổ, lại tốn tiền nữa mà bà không biết làm sao... Thôi thì còn nước, còn tát.

Bác sĩ Lê Xuân Giang cho biết: “Chị Phượng nhập viện trong tình trạng bị bỏng 49%, 30% độ sâu. Chị bị bỏng từ cổ xuống hết phần thân và hai tay, hai đùi. Đáng ngại nhất là bàn tay phải bị bỏng rất nặng. Chúng tôi sẽ cố gắng bảo tồn bàn tay bệnh nhân đến mức tối đa. Nếu không được mới tiến hành tháo khớp. Có khả năng chúng tôi sẽ chuyển bệnh nhân Phượng vào phòng chăm sóc đặc biệt vì tình trạng rất nặng”.

Hầu hết bệnh nhân bỏng là người nghèo

Theo bác sĩ Trần Đoàn Đạo - trưởng khoa bỏng Bệnh viện Chợ Rẫy, điều khiến các y bác sĩ tại đây “đau đầu” nhất không phải chỉ vì tình trạng nguy kịch của bệnh nhân bỏng mà là “đặc trưng” của người bệnh tại đây: hầu hết bệnh nhân bỏng lại rơi vào người lao động nghèo, rất nghèo.

Hiện khoa bỏng đang điều trị hơn 50 ca bỏng nặng từ 20-60% toàn thân, có trường hợp độ bỏng sâu có khi tới 50% - trường hợp có thể gây tử vong cho bệnh nhân. Nguyên nhân gây bỏng hầu hết là do các tai nạn trong sinh hoạt và lao động hằng ngày như nổ bình gas, cháy do điện giật, bị bỏng xăng...

“Mặc dù ban giám đốc bệnh viện đã đặc biệt quan tâm đến các bệnh nhân nghèo ở khoa bỏng về vấn đề miễn giảm viện phí, nhưng rất nhiều trường hợp bệnh nhân ở đây vẫn rơi vào tình trạng vô cùng khó khăn vì không đủ tiền trị bệnh lâu dài. Đặc biệt những bệnh nhân này hầu hết ở vùng nông thôn hoặc là người lao động nghèo nên thường không mua bảo hiểm y tế. Vì vậy mà chi phí điều trị càng trở thành gánh nặng cho cả gia đình của họ” - bác sĩ Đạo nhìn nhận.

Theo hồ sơ bệnh án tại khoa bỏng, nhiều bệnh nhân tại đây có cảnh đời rất thương tâm như có bệnh nhân là người dân tộc thiểu số ở Bình Thuận chỉ vì vô ý khi đổ xăng vào máy nổ lúc làm rẫy mà gây cháy toàn thân. Anh thợ hồ tên T.V.T. đang điều trị tại khoa. T. nhập viện từ tháng 5-2009 tới nay vẫn đang phải điều trị bằng chế độ đặc biệt.

Tai nạn trong một lần đi làm thợ hồ khiến T. bị cháy, khi đưa vào nhập viện thì tay, chân đã bị hoại tử. Hiện các bác sĩ phải cưa một tay, một chân của T. để tránh gây hoại tử sang các phần khác trên cơ thể. Sắp tới, có thể một tay nữa của T. cũng phải cắt bỏ.

Các y bác sĩ trong khoa đều ái ngại cho T. không chỉ vì tình trạng bệnh của T.. Ở quê, T. đang là lao động chính trong gia đình. Nhập viện, tiền thuốc men đã làm gia đình bệnh nhân này kiệt quệ, nhưng điều họ bế tắc nhất vẫn là tình trạng của T. khi ra viện với thân thể không lành lặn - coi như mất sức lao động để kiếm sống.

Theo MY LĂNG - LÊ VN / Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.