Sống bẩn, do đâu?

07/08/2009 23:24 GMT+7

Một trong những nguyên nhân lây truyền dịch bệnh là do người dân không có thói quen vệ sinh cá nhân. Những con số được Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) công bố mới đây là một thực trạng đáng lo ngại.

Cuối năm 2006, Cục Y tế dự phòng Việt Nam, Bộ Y tế  đã có một cuộc điều tra nghiên cứu thực trạng việc rửa tay của người dân để đề phòng dịch bệnh. Cuộc điều tra, nghiên cứu tiến hành quan sát về việc thực hiện hành vi rửa tay của 1.170 người dân.

Kết quả điều tra cho thấy tỷ lệ người dân trong cộng đồng có thực hiện hành vi rửa tay xà phòng rất thấp. Chỉ có 6,1% số đối tượng được quan sát có rửa tay xà phòng trước khi ăn, 0,8% rửa tay xà phòng sau tiểu tiện và 14,6% có rửa tay xà phòng sau khi đi đại tiện. Tỷ lệ các bà mẹ đang nuôi con dưới 5 tuổi có rửa tay bằng xà phòng trước khi cho trẻ ăn, sau khi cho trẻ đi tiểu/đại tiện và đổ phân cho trẻ cũng rất thấp (2,6%, 10,5% và 16,1%).

Một nghiên cứu khác là cuộc điều tra về vệ sinh môi trường do Bộ Y tế tiến hành đầu năm 2006 trên 37.000 hộ gia đình tại 20 tỉnh đặc trưng cho vùng nông thôn Việt Nam. Tất cả các đối tượng từ 16-60 tuổi trong gia đình đều được hỏi là có rửa tay xà phòng thường xuyên hay không trước khi ăn, sau khi tiểu tiện và sau khi đại tiện? Kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ đối tượng rửa tay xà phòng rất thấp ở cả ba thời điểm, trước khi ăn là 12%, sau tiểu tiện là 12,2% và sau đại tiện là 15,6%. Kết quả của cuộc điều tra này cũng đã xác nhận hành vi rửa tay xà phòng chưa phải thói quen của người dân nông thôn Việt Nam, đặc biệt là với các đối tượng học vấn thấp, thu nhập thấp, nam giới, dân tộc thiểu số, các vùng miền núi phía Bắc, Trung Bộ và Tây Nguyên. Đối với họ, rửa tay xà phòng còn là một việc rất xa lạ.

Tại trường học, kết quả điều tra cho thấy, tỷ lệ điểm trường có học sinh rửa tay bằng xà phòng rất thấp ở tất cả các bậc học và các vùng miền. Trong tổng số học sinh được quan sát ở những điểm trường có khu vực rửa tay, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ học sinh có rửa tay bằng xà phòng sau khi đi tiểu tiện (4,6%) và sau khi đi đại tiện (11,5%). Kết quả đã khẳng định rằng đại đa số học sinh không có thói quen rửa tay xà phòng sau khi sử dụng công trình vệ sinh mặc dù trường các em có khu vực rửa tay và từ nhỏ các em  đã được dạy điều này.

“Nghiên cứu thói quen sinh hoạt của người dân” là một Dự án Quốc gia về vấn đề rửa tay được thực hiện gần đây do World Bank tiến hành điều tra tại 8 tỉnh nước ta cho thấy, 60% số người chỉ rửa tay với nước cho biết họ thấy xà phòng không cần thiết. Tìm hiểu về những động lực và cản trở hình thành thói quen rửa tay xà phòng, báo cáo nhận định, trước hết là do sự thiếu hiểu biết. Mọi người dân đều biết là vi khuẩn tồn tại, nhưng hầu hết các bà mẹ (đặc biệt là những người có trình độ học vấn thấp) chỉ nhận thức rằng vi khuẩn là các vết bẩn nhìn thấy được bằng mắt thường, do vậy, họ chỉ rửa tay với xà phòng khi tay bẩn hoặc có mùi khó chịu.

Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng thì tỷ lệ rửa tay bằng xà phòng của người dân trong cộng đồng thấp không hẳn do thiếu nước sinh hoạt (90% gia đình của những người được điều tra có đủ nước sinh hoạt hằng ngày), cũng không hẳn do nơi rửa tay cách quá xa nơi ăn hay nơi đại tiểu tiện (khoảng một nửa số gia đình quan sát có nơi rửa tay cách xa nơi ăn và đại tiểu tiện không quá 5m). Việc “ngại” rửa tay có nguyên nhân từ trình độ học vấn, mức thu nhập của gia đình và vị trí để xà phòng gần với nơi rửa tay.       

Việc ngại rửa tay bằng xà phòng không chỉ có ở người lớn mà với các em học sinh, việc này càng... ngại. Theo đánh giá của Cục Y tế dự phòng, bên cạnh việc thiếu nước và xà phòng cho rửa tay tại trường học, thì ý thức rửa tay bằng xà phòng của học sinh sau đại tiểu tiện còn chưa tốt. Nếu như ở các trường tỷ lệ học sinh rửa tay bằng xà phòng sau đại tiểu tiện thấp là do không có sẵn xà phòng thì ở tại gia đình trong điều kiện nước và xà phòng không quá thiếu, tỷ lệ học sinh rửa tay xà phòng trước khi ăn và sau đại tiểu tiện cũng rất thấp và thấp hơn cả người lớn trong gia đình.

Vũ Thơ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.