“Khoan cắt bê tông” ở New York

01/08/2009 17:26 GMT+7

Mang cái tên khá sành điệu là Ăn Chơi và nằm ở quận trung tâm thành phố New York của Mỹ nhưng nhà hàng Việt của anh em Bùi Tuấn, Bùi Huy lại mang phong cách… vỉa hè Hà Nội. Mời nghe đọc bài

Ý tưởng độc đáo

Một số người Việt ở New York vẫn gọi Ăn Chơi là quán “Khoan cắt bê tông”, bởi không giống như các nhà hàng Việt khác ở Mỹ thường lấy hình ảnh Hồ Gươm, chùa Một Cột, cầu Tràng Tiền, chợ Bến Thành..., Ăn Chơi chọn những dòng chữ từng là nỗi ám ảnh của rất nhiều ngôi nhà ở Việt Nam làm điểm nhấn của quán.

Ngồi ăn ở đây giống như đang ngồi trong một con ngõ chật hẹp ở khu phố cổ Hà Nội, hai bên là những mảng tường loang lổ điểm xuyết bằng những dấu “Khoan cắt bê tông” xanh đỏ, trên đầu dây điện chăng như mạng nhện với lủng lẳng những bóng đèn tròn vàng vọt. Trên hai dãy bàn đúng kiểu bình dân đặt dọc lối đi là những lọ đũa, chai nước mắm, lọ tương ớt được bày biện không khác những quán lề đường ở quê nhà. Các món ăn được phục vụ cũng thuần túy Việt Nam như: phở bò viên, bún chả cá, gỏi gà, chả giò, bánh mì, nem cuốn...

Chủ nhân của nhà hàng Ăn Chơi - mới khai trương hồi tháng 2 năm nay tại số 85 đường Orchard, quận Manhattan, cạnh khu Chinatown - là hai anh em ruột Bùi Tuấn, 34 tuổi, và Bùi Huy, 33 tuổi. Cả hai đều là người Mỹ gốc Việt.

Anh Huy khoe kiểu bài trí “không đụng hàng” này là sáng kiến của anh. Tháng 10 năm ngoái, trong một lần cùng anh trai về Hà Nội tìm ý tưởng mở nhà hàng, anh đã rất ngạc nhiên khi thấy dòng chữ “Khoan cắt bê tông” xuất hiện dày đặc trên nhiều bức tường dọc hai bên hè phố. Tuy không hiểu nghĩa của câu này là gì, nhưng do thấy lạ mắt, ấn tượng và có vẻ phổ biến ở Việt Nam nên anh đã quyết định chọn nó làm điểm nhấn trang trí cho nhà hàng sắp mở của mình. Sau này, khi Ăn Chơi đã đi vào hoạt động, nhờ có khách đến ăn giảng nghĩa nên hai anh em mới vỡ lẽ đây là một kiểu quảng cáo bất hợp pháp đang bị tẩy chay ở trong nước. “Nhưng khi qua đây thì nó lại thành độc đáo”, anh Huy cười nói.

Đối với tên Ăn Chơi, anh Bùi Tuấn cho biết đây là cái tên do ba mẹ anh tư vấn. Sở dĩ anh chọn tên này vì nó vui vui, phù hợp với phong cách “đường phố” của nhà hàng. Tuy nhiên, không biết ông bà nói sao mà anh giải nghĩa cho khách khá... tức cười. Theo anh, “ăn nghĩa là eat, chơi nghĩa là play, ăn chơi ghép lại nghĩa là... nhậu”. Nếu khách vẫn chưa hiểu thì anh bổ sung thêm bằng một câu tiếng Việt lơ lớ: “Ăn chơi nghĩa là chỉ muốn đi nhậu chứ không muốn làm việc”.

Kiến trúc sư bán bánh mì

Hiện nay, món ăn nổi tiếng nhất của Ăn Chơi, từng được tờ New York Times giới thiệu, là món bánh mì kẹp thịt kiểu Việt Nam. Điều thú vị là món này lại do chính tay hai ông chủ quán thực hiện. Nhìn anh Huy, anh Tuấn thoăn thoắt trát pa-tê, nhét chả lụa, rưới xì dầu vào ổ bánh mì nóng hổi, ít ai nghĩ rằng mới chỉ cách đây hơn một năm, họ còn là những kiến trúc sư, cử nhân tài chính trong lĩnh vực xây dựng và thế chấp danh giá của Mỹ.

Anh Huy kể mặc dù có bằng thạc sĩ kiến trúc và nhiều năm kinh nghiệm nhưng khi khủng hoảng kinh tế nổ ra, anh đã không tìm được việc làm. Anh Tuấn thì khá hơn, vẫn giữ được việc trong một hãng thế chấp nhưng tình hình kinh doanh ngày càng xấu đi. Thấy không có tương lai, hai anh em bàn nhau chuyển nghề, hùn vốn mở nhà hàng. Anh Huy sẵn nghề kiến trúc nên đảm nhiệm phần thiết kế quán. Anh Tuấn chuyên ngành tài chính được phân công quản lý nhà hàng. Cả hai cùng dành ra vài tháng “tầm sư học đạo” làm bánh mì kẹp thịt và cuối cùng đã thành công.

Hỏi hai anh có tiếc không khi bỏ những nghề đã được học hành đàng hoàng để chuyển sang làm nhà hàng, cả hai khẳng định không hề tiếc bởi “bán bánh mì hay bán phở cũng khó khăn, đòi hỏi đam mê, nghiên cứu không thua gì làm ngân hàng, kiến trúc”. Hai anh còn khẳng định sẽ theo đuổi kinh doanh nhà hàng lâu dài chứ không chỉ tạm thời để đối phó với khủng hoảng kinh tế.

“Từ khi mở Ăn Chơi, tôi mới tìm hiểu về Việt Nam và nhờ đó mới biết quê hương mình có rất nhiều điều hay, đặc biệt là món ăn rất ngon và đa dạng. Người Mỹ ở New York không biết nhiều về món ăn Việt Nam như ở California nên tôi quyết tâm làm thật ngon để giới thiệu với họ”, anh Tuấn chia sẻ.

Tuy khai trương vào đúng lúc khủng hoảng kinh tế và chỉ mới hoạt động được gần 5 tháng nhưng Ăn Chơi đã được nhiều người biết đến, tình hình kinh doanh rất khả quan. Đó chính là lý do để anh em Bùi Tuấn, Bùi Huy tin tưởng trong những năm tới, “món ăn Việt Nam sẽ trở nên thịnh hành ở New York, cũng như thập niên 80 từng là thời của đồ ăn Tàu, những năm 90 là thời của đồ Thái và những năm 2000 là thời của đồ Nhật”. 

Lê Quang (từ New York)

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.