Nghĩ từ chiếc nón bảo hiểm

01/08/2009 16:21 GMT+7

Trong bãi xe của một ngân hàng lớn nhất nhì thành phố, chiếc xe máy của tôi nằm lạc lõng giữa những dãy “xế hộp”, xe tay ga đắt tiền. Sau 30 phút giao dịch trở ra, chiếc nón bảo hiểm treo bên hông xe biến mất dù đội ngũ bảo vệ ở đây khá nghiêm ngặt. Người ra vào ai cũng lịch lãm, sang trọng, lẽ nào…!

Tiếc tiền mua nón mới thì ít mà bực mình vì quãng đường từ ngân hàng tới nơi bán nón (khá xa) thì nhiều, lỡ công an thổi khi chưa kịp mua nón, tôi biết giải thích làm sao?

Em tôi hay gửi xe ở một trường đại học. Trong vòng vài tháng nó mất… ba cái nón bảo hiểm khi gửi xe trong bãi. Lần đầu treo bên hông xe. Hai lần sau, em tôi treo trên cái móc câu dưới yên xe, coi như một cách “khóa” nón. Lại mất! Kẻ cắp lấy nón, để lại khúc dây đeo tòn ten trông phát bực! Lần nào cũng vậy, bảo vệ bãi xe (như đã chuẩn bị sẵn) “đền” ngay cho nó cái nón khác cũ mèm (nó thấy nhiều cái nón cũ khác để sẵn ở đó). Biết sao được? Đâu phải xe ai cũng có cái cốp to đùng để… giấu nón bên dưới!

Ba tôi cũng mất hai cái nón bảo hiểm khi gửi xe ở công ty. Công ty nơi ông làm không có chỗ để nón, mọi người tự giữ, mất ráng chịu chứ công ty không bồi thường.

Đề ra quy định đội nón bảo hiểm là để bảo vệ an toàn của người đi đường nhưng dường như những người làm luật chưa tiên liệu đến những hệ quả kéo theo việc đội nón (và dường như ở nhiều lĩnh vực khác cũng vậy), ấy là chưa nói đến những phiền toái từ việc liên tục thay đổi kiểu dáng, tem dán theo tiêu chuẩn... Giá trị cái nón chẳng là bao, nhưng bài học từ những chiếc nón bị mất “đắt” hơn nhiều: cuộc sống luôn có người giàu, kẻ nghèo, nhưng lòng tham thì hình như… ở đâu cũng có! Phải chăng chúng ta nên học tính cảnh giác hơn là chỉ tin vào sự trung thực của mọi người?

Lê Thị Ngọc Vi

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.