Cơ thể người phát ra ánh sáng

30/07/2009 16:47 GMT+7

Các nhà khoa học của Đại học Kyoto, Nhật Bản vừa tiến hành thử nghiệm và kết luận cơ thể người có khả năng phát ra ánh sáng. Cường độ của ánh sáng này có thể tăng, giảm theo từng thời điểm.

Các nhà khoa học dùng camera đặc biệt có khả năng phát hiện từng photon (quang tử) quan sát 5 thanh niên tình nguyện cởi trần trong một căn phòng tối và chật chội. Thí nghiệm kéo dài trong 3 ngày liên tục, từ 10 giờ tới 22 giờ. Hình ảnh từ các camera cho thấy vô số quang tử phát ra từ cơ thể 5 thanh niên này. Ánh sáng này hoàn toàn khác với bức xạ hồng ngoại.

Số lượng quang tử ít nhất là vào lúc 10 giờ và nhiều nhất là vào 16 giờ. Như vậy, mức độ phát sáng phụ thuộc vào chu kỳ sinh học trong cơ thể vì quá trình trao đổi chất trong cơ thể biến động theo thời gian. Trong các bộ phận trên cơ thể người, mặt là nơi phát ra nhiều ánh sáng nhất. Các nhà khoa học lý giải là do mặt có màu sẫm nhất và tiếp xúc với ánh sáng mặt trời nhiều nhất. Theo nhà sinh học Hitoshi Okamura, Đại học Kyoto: “Nghiên cứu về việc cơ thể người phát ra ánh sáng có ý nghĩa trong y học để chẩn đoán tình trạng sức khỏe tổng thể của con người”.

Theo Nh.Anh, Livescience,  Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.