Hạ Đạt phát sốt vì... vàng!

30/07/2009 11:38 GMT+7

Một đồn mười, mười đồn trăm, hàng trăm người địa phương lẫn tứ xứ ôm theo "giấc mộng vàng" đổ xô về Hạ Đạt.

Người thôn Hạ Đạt (xã Thành Công, Phổ Yên, Thái Nguyên) ngỡ ngàng khi thấy con đường nhầy nhụa đất bùn lên đèo Bụt có cả những ôtô đời mới lao vào. Dân nghe nói đó là xe của những bưởng trưởng bãi vàng các nơi tìm về; rồi lại nghe đã có người hốt được vàng.

Thế là một đồn mười, mười đồn trăm, hàng trăm người địa phương lẫn tứ xứ ôm theo "giấc mộng vàng" đổ xô về Hạ Đạt. Nguy cơ sóng trong lòng đất khiến chính quyền xã, nhất là lực lượng công an "phát sốt", phải túc trực đêm ngày để ngăn chặn những hành vi khai thác trái phép...

Sốt sắng với tin đồn

Ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Chủ tịch UBND xã Thành Công - là người trực tiếp chịu trách nhiệm nắm tình hình "bãi vàng". Chúng tôi có mặt tại trụ sở UBND xã chiều ngày 28.7 khi ông vừa ngả lưng ngủ được một chặp. Ông Thịnh lên tiếp phóng viên khi hai mắt còn đỏ ạu. Mệt mỏi và uể oải. Ông vừa trải qua một đêm trắng trên bãi khi từ tờ mờ sáng phải lọ mọ cùng lực lượng trong xã lên tăng cường cho anh em do có tình hình phức tạp.

Ông cho biết: "Từ ngày 9.7, chúng tôi phát hiện một số bà con lên khu vực đèo Bụt khai thác khoáng sản trái phép. Điều tra, tìm hiểu, chúng tôi được biết trước đó một tháng, trên địa bàn đã có một tốp khoảng 2 - 3 người (từ TT Trại Cau, huyện Đại Từ - NV) tới địa phương lên khu vực này đào đất rồi bí mật mang đất, đá đi. Người địa phương qua hỏi thì họ trả lời là đào hang rắn. Nhưng sự việc kéo dài mãi hàng tuần, người địa phương nghi ngờ, lên xem thì hoá ra là họ đào đá quặng. Có người lên xin đá quặng này về, nghiền ra thấy bảo là có vàng. Tin đồn tìm được vàng này lan truyền đi, người nọ bảo người kia, ngày một đông người tìm lên đào đá những mong thấy vàng".
 
Thời gian cao điểm, lượng người đến đào vàng lên tới 500 - 600 người. Không chỉ có người của địa phương, mà tứ xứ dồn về, trong đó có cả người của Phúc Yên (Vĩnh Phúc), Phú Thọ, Sóc Sơn (Hà Nội), Trại Cau (Đại Từ, Thái Nguyên)... Cả những chiếc Camry đời mới từ Đà Nẵng cũng tìm ra cho thấy sức lan toả của tin đồn vàng ghê gớm thế nào.

Nhưng sự thực thì khu vực đèo Bụt ở thôn Hạ Đạt có phải là một vỉa quặng có vàng? Chính quyền địa phương khẳng định: Chưa có cơ quan nào trực tiếp thăm dò, đánh giá và trả lời một cách khoa học là có hay không. Lại đặt ra câu hỏi, là đã có ai hốt được vàng từ "bãi vàng" đèo Bụt?

Thiếu tá Vũ Quang Thọ - CA huyện Phổ Yên phụ trách xã Thành Công - cho rằng, điều này là rất khó. Có người tìm thấy thì họ nói không và ngược lại. Hàng trăm người leo lên đèo Bụt đều chỉ xúc lấy đá đổ bao tải mang đi. Hàng nghìn bao tải đá đã được cõng hạ sơn và mang đi. Nhiều người đem bán ngay những bao tải này, mỗi bao khối lượng chừng 30kg được bán với giá 60.000 đồng. Nhiều người mang đá đi thuê máy nghiền, với giá 130.000 đồng/1 giờ, rồi tìm vàng từ trong bột đá. Lại có người thoả thuận với chủ máy nghiền, rằng nếu thấy 1 cây vàng thì chủ máy nghiền được hưởng 2 chỉ! 

 Lán tạm của lực lượng an ninh canh giữ "bãi" ngăn chặn tình trạng thăm dò, khai thác trái phép

Lán tạm của lực lượng an ninh canh giữ "bãi" ngăn chặn tình trạng thăm dò, khai thác trái phép

Đã có tới 4 cái máy được cõng lên lưng núi, xung quanh Hạ Đạt. Trưởng CA xã Thành Công Dương Huy Vọng qua làm việc với Trưởng thôn Ao Sen và Hạ Đạt, nắm thông tin từ trong dân - cho biết, trong thời gian khai thác, người dân đã tìm thấy một lượng vàng tương đương 600 triệu đồng (?). Có người nói là tốp người đầu tiên tìm thấy một lượng vàng bán đi được 87 triệu đồng (?). Thế nhưng, đó chỉ là những thông tin lan truyền trong dân mà nhắc lại lời của trung tá Vũ Quang Thọ, điều này là rất khó. Liệu có ai sẵn sàng mang vàng mình đã tìm được ra trưng? Nên có thể nói, cơn sóng tìm vàng ở Hạ Đạt tới thời điểm này được dậy lên vẫn là từ những tin đồn.

Cơn sóng khiến chính quyền địa phương mất ăn, mất ngủ. UBND huyện Phổ Yên cũng sốt sắng. Ngày 14.7, ông Nguyễn Văn Khoa - Chủ tịch UBND huyện gửi một công điện khẩn tới các ngành chức năng - nêu rõ: "tình trạng đào bới, khai thác khoáng sản (vàng) trái phép vẫn diễn biến vô cùng phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác quản lý tài nguyên khoáng sản, quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn".

UBND xã Thành Công thì soạn thảo một bản cam kết không thăm dò, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép và tới từng hộ dân để gửi. Cùng với đó, 31 CA xã, 10 dân quân tự vệ, 10 công an huyện tăng cường, lại thêm sự hỗ trợ từ phía CA xã Ngọc Thanh... trực tiếp lên "bãi vàng" vận động bà con. Ba ngày miết mải vận động, số người đang nuôi giấc mộng vàng làm giàu mới chịu rút lui.

Khu vực đèo Bụt thuộc địa phận thôn Hạ Đạt là khu vực lâm nghiệp, cách xa khu dân cư ở phần ranh giới giữa xã Thành Công với xã Ngọc Thanh (TX Phúc Yên, Vĩnh Phúc). Con đường gần 7 cây số từ trung tâm xã ngược lên đèo bị công nông băm nát khiến chiếc Jeep chở chúng tôi cùng lực lượng chức năng lên bãi cứ chực chồm lên như một con ngựa bất kham. Cũng có tranh cãi, địa điểm bãi đang nằm (trên điểm đặc trưng số 6, cao 205,5m) thuộc về đất của xã Ngọc Thanh (Vĩnh Phúc). Thế nhưng, ông Nguyễn Đức Thịnh khẳng định chắc nịch: Đất này thuộc Thành Công.
 
Ông Thịnh nói: "Người khai khu đất có bãi vàng bây giờ là ông Đặng Cao Khun, năm nay đã ngoài 70 tuổi - ở xóm Ao Sen giờ giao lại cho con là Đặng Văn Sáu. Anh Sáu đã được cấp bìa đỏ lâm nghiệp diện tích 3,64ha, số thửa 111 tại tờ bản đồ 8B do UBND huyện Phổ Yên  cấp năm 1994". Tuy nhiên, điều quan trọng hàng đầu lúc này không phải tranh cãi, mà là cùng nhau ngăn chặn hành vi khai thác trái phép khoáng sản - nguồn tài nguyên quốc gia.

Mỗi người canh 10m2 đất

Ông Lưu Đình Đức (63 tuổi) - người dân tộc Sán Dìu, bản địa ở xóm Ao Sen - chỉ tay về phía lũng Tông Diệp Lọng, phía trước mặt đèo Bụt - nói đầy tiếc nuối: "Chính giữa con lũng này trước đây là một dòng suối, có cả con thác lớn, nước chảy rất đẹp. Thế mà cơn lốc đào vàng những năm cuối 80 đã xoá sạch mọi thứ. Bạo nhất là năm 1987, hàng ngàn người tìm về xới tung đất đá, phá toang sự yên tĩnh nơi rừng rú vốn hoang vu, sự việc kéo dài tới năm 1989 mới chấm dứt".

Nơi bãi vàng từ hơn 20 năm trước, những khoảnh chè vừa mới lên xanh. Ngay đỉnh đèo Bụt trong thời gian chiến tranh biên giới phía bắc là nơi trú ngụ của dân công hoả tuyến Hà Nội. Tuyến hào đào từ những năm tháng cũ giờ cũng đã chìm dưới những vạt cây guột (họ dương xỉ) bạt ngàn. Những đám guột ken dày, xanh mướt, bình yên. Thế nên, trong đôi mắt ông Đức, chúng tôi đọc thấy một nỗi lo, rằng đất rừng mới xanh màu bình yên trở lại lý nào lại đối mặt với một cơn sóng dữ trong lòng đất? Cơn sóng rất có thể sẽ phá đồi đèo Bụt tan tành như một trận địa pháo nếu như chính quyền địa phương không ra tay kịp thời, để tới khi hàng ngàn người ôm giấc mộng vàng cùng ùa về Hạ Đạt.

Ông Thịnh - Phó Chủ tịch xã - cũng nói xơi xơi khi hai mắt ông vẫn đỏ ạu, rằng các cấp thẩm quyền phải thống nhất phương án quản lý, chứ cứ để một mình địa phương thì sao kham nổi. Ông Dương Huy Vọng - Trưởng CA xã đưa chúng tôi lên bãi - nơi vẫn còn hơn chục cửa hầm khoét vào lòng núi vẫn đang được bảo vệ. Miệng hố cái thì như hàm ếch, cái lại thọc sâu xuống, độ sâu từ 3 - 4 mét hoàn toàn không được chống đỡ bởi một phương tiện gì. Người dân đào hầm cũng chỉ bằng những phương tiện thô sơ. Quá nguy hiểm! Tình trạng sập hầm hoàn toàn có thể xảy ra. Và đã xảy ra. Ông Vọng cho biết: "Tối 12.7, hầm đào của anh Dương Văn Long - người địa phương bị sập. Đất vùi toàn bộ từ phần bụng xuống. Rất may là nạn nhân được phát hiện kịp thời, không có thương vong, mà anh này chỉ bị sây sát phần hông".

Diện tích "bãi vàng" chỉ chừng gần 500m2 mà có thời điểm đến 50 cán bộ phải quây lại bảo vệ, tính chẵn ra thì cứ 1 người canh 10m2 đất! Công cuộc bảo vệ bãi vàng là hết sức khó khăn. Lực lượng CA xã phải căng mình ra làm hết sức có thể. Thậm chí liền cả ba ngày đầu, không ai chợp mắt được một phút, nước không có mà uống. Có người mệt quá, lả ra như trường hợp CA viên Lưu Kim Thanh phải xuống tận Bệnh viện C tỉnh Thái Nguyên cấp cứu. Nhiều người khác cứ mặc nguyên áo mưa tựa vào gốc cây thiếp đi được chốc lát.

Hơn 20 ngày, trưởng CA xã cứ phải rảo qua, rảo lại cổng nhà mình mà không kịp ghé qua ăn một bữa cơm nhà. Những lán bạt được dựng lên tạm bợ không chống chịu được những trận mưa xối xả như ngày 16.7. Lúc đó đã 22 giờ đêm, những người làm nhiệm vụ đang ăn cơm, gió thốc tung mái bạt, ai cũng ướt sũng. Đồ ăn cũng ướt phải nấu hết lại. Điện, quạt thì từ 5 hôm nay mới mắc nhờ được một hộ dân...

Có những khi tình hình phức tạp, các anh phải đương đầu cả với sự chống đối. Như ngày 13.7, hàng trăm người lăm le lên bãi đào vàng, bị ngăn cản, có đối tượng ném đá vào những người làm nhiệm vụ. Mái bạt rách tươm.

Anh Kiên - CA huyện bị ném vào chân. Ngày 14.7, ôtô của CA huyện vào tăng cường dính phải bẫy chông dưới sâu vũng nước, bị thủng lốp, thiếu tá Vũ Quang Thọ phải ra tận TT Ba Hàng thuê thợ vào chở lốp ra ngoài huyện sửa, hết 400.000 đồng. Lại thêm đêm 27.7, xuất hiện một nhóm 3 - 4 xe máy đi từ hướng xã Ngọc Thanh sang lăng mạ, gọi điện thoại đe doạ trưởng CA xã rằng sẽ cho nổ mìn! Ông Vọng đã báo cáo việc này về xã và sau đó đội tăng cường của ông Thịnh tức tốc lên ngay...

Tin đồn vàng vẫn truyền đi, ngày nào cũng có 5 - 7 đoàn xe các nơi tìm về đòi lên mục sở thị bãi vàng. Rõ ràng, tình hình đang ngày càng phức tạp. Cả các đối tượng đào vàng các nơi cũng đang rình rập nhòm ngó quanh đèo Bụt! Điều cần phải cảnh báo là trong khi các đối tượng bãi vàng có thừa sự táo tợn thì lực lượng CA xã căng mình làm nhiệm vụ lại có quá nhiều khó khăn. Họ chỉ có lán tạm và trong tình huống xấu nhất chỉ có thể chống đỡ bằng gậy caosu và đèn pin! Cũng rất rõ ràng, việc để CA xã cứ phải ngủ đất ăn sương canh bãi vàng như hiện tại là rất... không ổn.

Theo Giang Hải - Vân Anh / Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.