Đạo diễn Tống Thành Vinh "Thà bị phản đối ồn ào..."

29/07/2009 10:53 GMT+7

Trong suốt cuộc đời làm nghề hơn 20 năm của đạo diễn Tống Thành Vinh, Có lẽ nào ta yêu nhau là bộ phim truyền hình đầu tiên ông nhận lời thực hiện. Quay hơn 7 tháng tại Đà Lạt, lên sóng giờ vàng VTV và đã phát tập cuối vào ngày 21-7, thế nhưng dư âm của bộ phim, lời khen lẫn chê thì vẫn còn…

Mải miết tập trung cho công việc nên sau khi phim đã phát sóng tới tập cuối cùng, đạo diễn Tống Thành Vinh mới đồng ý trả lời báo chí.

Bộ phim "Có lẽ nào ta yêu nhau" thực hiện theo kiểu vừa quay, vừa phát sóng. Có nghĩa là anh và đoàn phim vừa quay vừa phải nghe sự phản hồi của khán giả và giới truyền thông? Điều đó có khiến mọi người gặp áp lực?

Mọi người trong đoàn phim thường chuyền tay nhau đọc những bài báo về bộ phim trước khi tôi ra hiện trường bấm máy. Với một bộ phim làm theo kiểu cuốn chiếu với lịch phát sóng đã có sẵn, trong khi rất nhiều bài viết của báo chí không đồng tình về điểm này, điểm kia của phim là một điều không thuận lợi cho đoàn làm phim. Nó dễ làm cho những người đang nỗ lực làm việc rơi vào tình thế hoang mang, mệt mỏi và rã rời. Thế nhưng chúng tôi không mệt mỏi, không rã rời và không hoang mang. Mọi người đọc, mọi người suy nghĩ và tiếp tục làm việc nỗ lực hơn. Bởi vì những người chịu trách nhiệm chính của bộ phim tại hiện trường như đạo diễn, quay phim, họa sĩ thiết kế, biên tập… đều hết sức bình tĩnh để xem mình đang làm gì, làm để làm gì. Chúng tôi thấy rằng chúng tôi đang làm đúng với lương tâm của mình. Ít nhất nếu như chưa có ai chia sẻ được với mình thì tự mình chia sẻ với chính mình.

Gần đây, tôi cảm giác mọi người đang quá đồng tình với quan điểm “Cái tồn tại là cái hợp lý”. Điều đó sẽ khiến chúng ta dễ dàng sống theo chủ nghĩa đồng phục: suy nghĩ như nhau, yêu như nhau, sống như nhau và làm việc như nhau. Kinh khủng nhất là sáng tác như nhau.

Còn anh, anh không nghĩ thế?

Tôi quan niệm khác. Nếu chúng ta nhìn vấn đề giống mọi người, tiếp cận vấn đề một cách vội vã, bộp chộp thì đó không phải thái độ của trí thức. Người trí thức phải là người luôn biết nhìn mọi việc ở một khía cạnh khác, góc độ khác.

Sau khi đọc những bài báo chê bai bộ phim của mình, anh thấy bao nhiêu phần trăm là đúng?

Trước tiên, tôi muốn cảm ơn các bài báo đó. Nhờ có nó, người chịu trách nhiệm chính là tôi có dịp nhìn lại mình. Nếu như những bài báo đều khen ngợi, tung hê, tôi sẽ đâm ra hoài nghi. Tôi quan niệm, thà bị phản đối một cách ồn ào còn dễ chịu hơn sự chấp nhận trong im lặng.

Người viết có cách viết xuất phát từ quan niệm và cách nhìn của người ta. Những lời khen chê với chúng tôi không phải là tất cả. Chúng tôi cũng rút ra được trong những bài viết đó cái gì có lợi cho mình. Ví dụ như những phàn nàn về âm thanh, người phàn nàn đầu tiên là tôi chứ không phải các nhà báo. Người ta phàn nàn đôi khi ở một số diễn viên nào đó có cách thoại như trả bài, trên thực tế khi về phòng dựng, chúng tôi đã phải cắt rất nhiều.

Có bài báo cho rằng, tại sao không chọn làm phim lồng tiếng? Nhưng tôi quan niệm rằng “Hãy làm đi để thấy mình sai còn hơn là không bao giờ làm. Hãy làm đi để có điều kiện thấy mình làm đúng hay sai”. Không lẽ làm phim lồng tiếng hoài. Sáng, bật ti-vi lên coi thấy nhân vật bà A, giọng nói của Kim Mai. Trưa, nhân vật B, giọng nói của Kim Mai. Buổi chiều, buổi tối nhân vật C, D gì đó hình như vẫn là Kim Mai thì phải… Hãy thử tưởng tượng xem điều đó kinh khủng đến như thế nào?

Có những vấn đề các bài báo đề cập rất đúng đắn, nhưng cũng có những điều hơi vội. Ví dụ bài báo có nói tới việc những cảnh “tươi mát” đầu tiên của bộ phim là để câu khách và hơi rẻ. Tôi cho rằng cách nói đó quá hàm hồ. Phim truyền hình khỏi cần câu khách bởi không cần câu cũng có khách. Tại sao một hình ảnh khỏa thân trên phim truyền hình lại là câu khách. Mà nếu như bạn có suy nghĩ như vậy thì đúng là suy nghĩ của bạn thật… rẻ. Tôi không biết người viết là ai, nhưng tôi tin đó là một người trẻ. Những người trẻ phải có cách nhìn hết sức phóng khoáng. Nhìn-thấy-viết ra thể hiện nhân cách của người viết báo… Thật sự là tôi không hiểu nổi.

Có bao giờ anh cảm thấy thất vọng về những gì mình đã làm không?

Bạn đang ở xa, làm việc trong điều kiện hoàn toàn khác với các phim khác. Bạn phải đọc một bài báo như vậy, nghe những dư luận như vậy, bạn sẽ rất hoang mang? Bạn chỉ có cách hỏi mình rằng có đang làm đúng với lương tâm của mình không? Nếu không, bạn sẽ buông xuôi chiều theo mọi người. Còn tôi thì không, đến những cảnh cuối cùng tôi vẫn làm theo cách của mình. Tôi biết tôi đang làm đúng lương tâm của mình.

Thành Trung

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.