Thâm nhập thủ phủ cá ngựa

28/07/2009 19:00 GMT+7

(TNTS) Hơn 10 năm về trước, quốc lộ 1A qua các xã Xuân Phương, Xuân Thịnh, Xuân Cảnh (huyện Sông Cầu, tỉnh Phú Yên) được giới lái xe đường dài gọi là “mười lăm cây số ăn chơi”. Chuyện cũ ấy giờ đã lùi xa, người dân sống trên trục đường này đổ xô kinh doanh cá ngựa - loài thủy sản quý hiếm mà tác dụng của nó được ví von là “ông uống bà khen”, “cường dương bổ thận”...

Cận cảnh phố cá ngựa

Ban đầu, trên đoạn đường này chỉ rải rác vài quán nhỏ, kinh doanh với hình thức đơn giản, bán cá ngựa ngâm rượu trắng bình thường. Tin lành đồn xa, số lượng người mua tăng nhiều. Các quán, cửa hàng kinh doanh cá ngựa lần lượt xuất hiện, treo hàng trăm tấm biển quảng cáo đủ cỡ loại, tạo một dấu ấn rõ nét. Người đi đường qua đây có cảm giác như mình đang đi trên một phố cá ngựa.  

Cá ngựa ở đây có nhiều màu: vàng, đen, trắng, tím... được chủ quán mua từ nhiều nguồn khác nhau. Nếu cá còn sống, chủ quán cho cá vào bồn thủy tinh sục khí oxy. Trong môi trường nhân tạo như thế, cá chỉ sống khoảng 7 ngày. Nếu cá chết phải đem ướp lạnh hoặc phơi khô. Trong quán lúc nào cũng có 3 loại cá: sống, lạnh, khô. Người mua thích loại nào chủ quán cũng sẵn sàng chiều. Anh chủ quán không ngần ngại cho tôi xem một hộp cá ngựa đang ướp lạnh. Sờ nắn, tôi thấy cá còn mềm, tươi như vừa mới bắt.

Cách chế biến, ngâm rượu cá ngựa khá đơn giản. Anh Tống Ngọc Minh, chủ một quán rượu cá ngựa cho biết: “Do cá ăn phù du, mình xương, ở nước mặn nên cá không bẩn như các loài khác, chỉ cần rửa sạch bên ngoài, cho vào bình rượu ngâm là xong”. Có nhiều cách ngâm khác nhau. Thông thường ngâm một cặp cá ngựa sống (cỡ bằng ngón tay cái) trong hai lít rượu gạo nguyên chất. Hoặc có khi ngâm nhiều cá kết hợp với tắc kè, sao biển, sáp ong, củ đinh lăng, hay một vài vị thuốc bắc... Cá ngựa được ngâm rượu trong nhiều kiểu bình, có thời gian ngâm khác nhau. Chủ cửa hàng bày trên các kệ rượu bằng gỗ, sắt... khá sang trọng.

Giá bán mỗi bình rượu 2 - 4 lít từ 200 - 400 ngàn đồng. Ngoài bán cá ngựa ngâm rượu, nếu khách cần mua cá sống, ngâm đá hay phơi khô quán cũng có ngay. Giá mỗi con cá bình quân từ 50 - 80 ngàn đồng. Người mua cá sống được tự tay bắt cá ngâm vào bình rượu đã chuẩn bị sẵn mang về, còn cá ướp lạnh hay khô được tự do sờ nắn lựa chọn con mình ưng ý... Bạn hàng ở đây chủ yếu các quý ông đi tham quan, công tác du lịch ghé quán mua về làm quà, bồi dưỡng cơ thể, hay trưng chơi. Cá ngựa ở Sông Cầu, Phú Yên được người mua ưa chuộng, đánh giá tốt. Anh Minh tâm sự: “Bây giờ làm gì cũng khó, người mua ít, quán nhiều. Trước kia, trung bình mỗi ngày bán được một bình rượu, nay cả tuần có khi không bán được bình nào, khách chỉ vào xem rồi đi. Trong khi đó kinh doanh phải xin phép, nộp thuế. Do chỉ biết đi biển, không biết làm gì, buôn bán kiếm tiền trang trải cuộc sống chứ giàu có gì”.

Cá ngựa đã được Viện Hải dương học nuôi dưỡng thành công nhưng độ lớn còn chậm. Con giống chỉ lấy từ một nguồn duy nhất là tự nhiên. Như vậy nguồn sinh sản chủ yếu của cá ngựa vẫn là môi trường biển, chưa lai ghép được. Vùng biển Sông Cầu có nhiều vịnh, gành nên môi trường thích hợp cho loài cá ngựa tập trung sống và sinh sản. Hiện nay, cá bị người dân đánh bắt bừa bãi, khai thác một lượng lớn, e sẽ bị mất cân bằng trong hệ sinh thái.

Hành trình săn bắt

Khác với các vùng biển Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Cà Ná (Phan Thiết), Đầm Môn (Khánh Hòa), cá ngựa Sông Cầu - Phú Yên thường xuất hiện nhiều từ tháng 2 đến tháng 5 âm lịch. Khi gió nam về, cá ít hơn. Giới săn cá ngựa (còn gọi là hải mã) chủ yếu là ngư dân vùng xã Xuân Phương, Xuân Thịnh đi đánh cá lặn bắt thêm như một nghề tay trái chứ không chuyên nghiệp. Ở đây, cá ngựa được ngư dân bắt, cung cấp cho các đầu nậu từ hai nguồn chính. Nguồn ngư dân đi câu mực, đánh cá gần bờ chủ yếu trong các vịnh gành, tranh thủ lặn bắt, mỗi đêm may mắn cũng được vài con. Nhiều người nên mỗi ngày cá bắt được ở cả khu vực Sông Cầu khá nhiều. Bắt kiểu này, cá còn sống. Ngư dân sáng sớm đem bày bán giữa chợ, ai mua được thì bán, mỗi con giá bình quân từ 30 - 60 ngàn đồng. Có người đem trực tiếp đến chủ quán, vì bạn hàng nên giá cả thỏa thuận rất nhanh. Nguồn thứ hai lấy từ các ghe lớn đi giã cào ngoài khơi. Mỗi lần ngư dân về kéo được vài ký, loại này là cá ướp lạnh hoặc phơi khô nên giá rẻ hơn.

Đi bắt cá ngựa, dù không phải là chuyên nghiệp nhưng ở đây mỗi sớm ghe vào, câu chuyện bắt cá, được cá cũng trở nên rộn ràng cả xóm. Người này được bao nhiêu con, người kia bán bao nhiêu tiền trong xóm đều biết. Ngoài thu nhập từ đánh cá câu mực, tiền thu được từ con cá ngựa cũng đáng kể đối với ngư dân vùng này. Theo lời chỉ của một anh chủ quán, tôi đến chợ xem cá. Một bất ngờ là ở đây cá ngựa cũng được bày bán tự nhiên như các loại cá khác. Thấy tôi, chị bán cá vồn vã: “Chú mua đi, cá sống tốt lắm”. Tôi hỏi sáng nào chị cũng bán cá ngựa thế này chắc giàu to! Chị cười: “Ông xã tôi đi biển, lâu lâu mới bắt được vài con chứ cá đâu mà sáng nào cũng bán!”. Bán được vài con cá ngựa, tôi thấy khuôn mặt chị vui như người trúng mùa lúa.

 
Cá ngựa ướp lạnh

 
Những bình rượu ngâm cá ngựa được bày bán

Vị thuốc dân gian

Cá ngựa có tên khoa học là Hipocampus, sống nhiều ở vùng biển châu Á - Thái Bình Dương. Ở Việt Nam, cá có khắp các miền biển nhưng nhiều nhất là vùng biển Sông Cầu, Phú Yên. Đây là loài thủy sản quý hiếm, có tác dụng trị bệnh và bồi dưỡng cơ thể. Theo dân gian, cá ngựa dùng để trị bệnh hen suyễn, đinh nhọt, tráng dương bổ thận… Theo Đông y, cá ngựa có tính ôn vị ngọt, giúp khí huyết lưu thông tốt, kích thích chuyện chăn gối phòng the…

Cá ngựa ngâm rượu có tác dụng và niềm tin với người tiêu dùng. Theo thị hiếu, người tiêu dùng thích cá màu vàng vì cho rằng loại này hiếm nên giá trị càng cao. Giới sành chơi gọi sản phẩm này bằng một tên khá độc đáo “rượu ông uống bà khen”, “rượu cường dương bổ thận”. Chuyện thực hư và tác dụng thế nào chưa rõ nhưng nhìn hình thức bình rượu người mua cũng đủ đặt niềm tin.

Tôi hỏi một chủ quán rượu lớn ở Sông Cầu về “chuyện ấy”, anh bảo: “Không biết, anh muốn thì cứ thử, bởi tôi nói tốt cũng không được mà nói không cũng không được, mặc dù tôi là người bán”.

Cũng vì đặt nhiều niềm tin mà xung quanh câu chuyện rượu ngâm cá ngựa cũng có những giai thoại khá vui. Chuyện kể rằng, có một quý ông bị “chuyện ấy”, nghe người ta chỉ nên tìm mua được một bình rượu cá ngựa nguyên chất. Chưa được 2 tháng, hũ rượu đã cạn và “sức khỏe” cũng trở lại như thời trai tráng. Một ngày kia, ông đem “chuyện vui” khoe với người bạn cùng lứa, hai người ngồi nhâm nhi những ly rượu cuối cùng. Trong bình chỉ còn lại 2 con cá ngựa khô. Bỏ thì tiếc, “nhất bì nhì cốt”, mỗi người một con, đưa lên miệng cắn thấy cứng quá, sẵn lò than ông cho vào nướng, ai ngờ nghe mùi nhựa khét lẹt… Hóa ra đó là hai con cá nhựa. Từ đó có người đọc chệch, cá ngựa thành cá nhựa, tạo tâm lý không tốt cho người bán và giới tiêu dùng.

Bài & ảnh: Đào Tấn Trực

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.