Nữ vũ trang quân trong "Việt Nam thiên sử truyền hình"

27/07/2009 00:17 GMT+7

Khi Việt Nam thiên sử truyền hình công chiếu trên toàn thế giới từ cách đây 30 năm và trở thành bộ phim tài liệu ấn tượng nhất về cuộc chiến tranh tại Việt Nam thì bản thân những người làm ra nó cũng không ngờ rằng ẩn chứa sau đó là biết bao số phận kỳ lạ...

Đoạn phim tư liệu vô giá

Trong Việt Nam thiên sử truyền hình (VNTSTH), có một đoạn phim ngắn, chỉ chưa đầy một phút, quay cảnh bắt giữ vào khoảng 5 giờ chiều ngày mùng 5 Tết Mậu Thân 1968. Nhân vật chính là một em gái, nhìn trong phim áng chừng 15, 16 tuổi, mái tóc thề đen nhánh đã trở nên rối bù bởi những bàn tay thô bạo của đám lính, giật lên, đè xuống. Có vẻ, em gái sẽ bị bắn chết ngay tại chỗ. Lúc này, vây quanh đã lố nhố nhiều gương mặt lính viễn dương đội mũ nồi...

Bà Lê Kim Dung, Chủ tịch UBND Q.4, TP.HCM, con gái liệt sĩ Lê Văn Tươi, và đạo diễn Nguyễn Hoàng, đạo diễn phim tài liệu của HTV ngồi tua đi tua lại đoạn phim trên.  Bà Dung có một ước nguyện trong đời là tìm được mộ của cha mình, hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân. Đạo diễn Hoàng, hơn 20 năm trước đã xem, và nghiên cứu rất kỹ về VNTSTH. Ông đặc biệt lưu ý đoạn phim này và nhớ như in trong đầu hình ảnh em gái nhỏ từ đó đến nay. Ông muốn tìm bằng được em gái đó – nếu còn sống – để làm phim tài liệu. Tình cờ, bà Dung, ông Hoàng gặp nhau khi ông Hoàng làm phim tài liệu về Trung ương Cục còn bà Dung thì đang miết mải tìm tung tích người cha...

Hành trình con gái tìm cha

Trước năm 1996, từ các nguồn tin tìm hiểu sau nhiều năm tháng đằng đẵng, bà Dung mới biết cha mình là liệt sĩ Bảy Nhơn hy sinh trong Chiến dịch Mậu Thân khi tham gia cùng Tiểu đoàn 6, với nhiệm vụ giải phóng khám Chí Hòa, ở vùng Q.10.

Theo suy đoán của mình, bà nhờ nhiều người quen, tập trung mối quan tâm về khu vực Q.10. Cho đến một ngày thật đặc biệt và may mắn khoảng năm 1996. Bà Dung xuống tìm bà Nguyễn Thị Hiền, ở ấp Mỹ Huề, xã Trung Chánh, huyện Hóc Môn. Không biết thần giao cách cảm thế nào, khi bà Dung vừa vô nhà, chạm mặt, bà Hiền đã lặng người đi, miệng nói không thành tiếng: “Có phải con chú Bảy Nhơn không?”.

Năm Lan, nữ vũ trang quân nhỏ bé trong đoạn phim quay được từ hơn 30 năm trước (ảnh chụp lại từ đoạn phim do ABC News Video Source cung cấp) – N.L.N

Bà Dung kể lại, trong số những người bị bắt ở Q.10 hồi đó, bà truy ra được 5, 6 cái tên của những người còn sống, rồi bà mày mò tìm ra địa chỉ từng người. Tranh thủ ngày nghỉ cuối tuần, bà Dung tìm tới địa chỉ đầu tiên. Người cần tìm có biệt danh Năm Lan: “Thấy bà ấy nói vậy, tôi lặng người đi, hỏi có phải chị Năm Lan không? Bà Hiền gật. Chúng tôi ôm chầm lấy nhau khóc...”.

Năm Lan kể rằng: 30 Tết Mậu Thân, nhận được lệnh của cấp trên, Năm Lan lúc đó 18 tuổi, cùng với đội vũ trang Nguyễn Văn Trỗi sẽ có mặt ở khu vực trường đua Phú Thọ, hội quân với Tiểu đoàn 6 tiến về giải phóng khám Chí Hòa... Trong đội, Năm Lan và Út Nhị đã hứa hôn với nhau trước tổ chức, hẹn giải phóng sẽ làm đám cưới...

Cho đến sáng ngày mùng 5, tổ của Năm Lan chỉ còn 2 khẩu AK, 1 khẩu K54 và dìu anh bộ đội tên Dũng đã bị thương ở đầu. Tổ vừa chống trả địch, vừa tìm chỗ ẩn nấp, chạy được vô một căn nhà trong hẻm bằng cách đục tường, chui vô. Cả tổ bàn tính: Nếu địch câu pháo vô phá nhà, kiểu gì cũng bị bắt sống hết. Chú Bảy mới nói: “Bị lộ rồi, thà hy sinh hết chứ không chịu bắt sống”. Để cầm cự, tổ chia ra Út Nhị cầm AK trèo lên gác, Năm Lan cầm AK ở dưới nhà cùng chú Bảy dùng K54, bảo vệ cho anh Dũng.

Chỉ chừng 5 phút sau, trực thăng đã vỗ cánh rầm rập trên nóc nhà, phát loa kêu gọi ra hàng. Nhìn qua các khe cửa, cách 50 mét đã thấy từng tốp lính chĩa những họng súng đen ngòm về phía căn nhà. Rồi một loạt AR 15 khô khốc vang lên, Út Nhị hy sinh... Chú Bảy bảo: “Chiến đấu là phải hy sinh. Không thể chần chừ được nữa, chú cháu phải mở đường máu xông ra, không muộn mất”. Cả 3 người dốc sức lực tàn, đạp tường xông ra ngoài. Đạn địch vãi như chấu bắn đuổi theo. Chạy được một đoạn, qua một cái cua thì anh bộ đội tên Dũng rớt lại vì không theo kịp. Đến 5 giờ chiều thì Bảy Nhơn hy sinh, Năm Lan bị bắt.

Và đạo diễn tìm nhân vật

Hơn 20 năm trôi qua, kể từ lúc xem đoạn phim trong VNTSTH, đạo diễn Hoàng vẫn bị ám ảnh bởi nữ vũ trang quân bị bắt giữ. Cho đến cuối năm 2007, có người bạn tù trong nhóm đó, nói với anh rằng “tìm được rồi Hoàng ơi...”.

Hôm đó, tại nhà bà Hiền lại diễn ra một cuộc gặp rất đặc biệt và bất ngờ: Để kiểm tra tính xác thực và vừa để dựng phim luôn, đạo diễn Hoàng mang xuống nhà bà Hiền đoạn phim trên. Chiếu tại nhà, xung quanh còn có nhiều người quen, đồng đội... Chỉ xem hình ảnh đầu tiên về mình, bà Hiền nhận ra ngay đó là hình ảnh của Năm Lan những ngày tháng Mậu Thân lịch sử. Bà thoát chết chắc cũng nhờ thế này: “Tôi thấy người quay phim, rồi có mấy thằng chĩa súng vô tính bắn, có thằng cản lại: Mẹ nó bé xíu, Việt cộng gì, chắc trẻ con trong thành phố, ham vui đi theo tụi này thôi...”.

Phim chiếu tiếp tới đoạn một người đàn ông cởi trần, người dính đầy máu bị lôi xềnh xệch dưới đường. Bà Dung nghẹn ngào nói đó là ba mình. Đó cũng là hình ảnh cuối cùng về Bảy Nhơn. Cả căn phòng lặng đi nhiều giây... Trên nhân thế, có sự tình cờ, may mắn nào đến thế? Và, có nỗi đau, có sự mất mát nào to lớn đến vậy? Hơn 40 năm sau, ở một căn phòng giữa thời bình, người phụ nữ nhỏ bé chưa kịp vui mừng vì thấy tung tích người cha, lại đau xé ruột vì đó là thi thể cha mình.

***

Có quá nhiều bất ngờ và may mắn đến lạ thường trong hành trình tìm kiếm đằng đẵng này. Cái gì đã qua, đã thuộc về quá khứ. Đau thương nhưng đáng và phải trân trọng, lưu giữ. Bà Dung nói: “Đây là một cái kết có hậu”. Đạo diễn Hoàng thì hài lòng về những gì mình đã làm. Năm Lan cũng không đòi hỏi gì dù cho bà đáng để tưởng thưởng xứng đáng hơn. Có chăng, đó là một dòng suy nghĩ chung của cả ba người, khi hướng về những người trong cuộc hồi đó: Anh bộ đội tên Dũng bị thương, rồi thất lạc khỏi tổ của Năm Lan không biết ra sao, đã hy sinh hay còn sống? Ai đã cản không cho bắn Năm Lan lúc bị bắt, người đó là bên ta hay bên địch, bây giờ có còn sống không?

Nguyễn Lê Nguyên

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.