Nếu không yêu nguồn cội của mình...

26/07/2009 15:15 GMT+7

Suốt mười mấy năm qua, lần nào tôi gặp Bruce Weigl, ông đều nhắc lại câu chuyện về chuyến đi VN 13 năm trước với một cảm xúc lạ lùng xen lẫn nỗi lo sợ mơ hồ cho đến tận bây giờ.

Lần đó, ông đến VN để đón đứa con nuôi về Mỹ. Visa xin nhập cảnh VN của ông đã hết hạn nhưng ông không hay biết. Mấy tuần trước khi đi VN, ông không còn tâm trí nào cho mọi chuyện khác. Ông chỉ nghĩ về đứa con nuôi của mình. Chỉ khi nhân viên an ninh cửa khẩu nói visa nhập cảnh của ông đã hết hạn, ông mới biết. Họ yêu cầu ông phải rời khỏi VN trong chuyến bay tiếp ngay sau đó.

Ông nói với tôi ông thật sự hoảng loạn bởi nghĩ rằng ông sẽ mất con nếu không đón được Hạnh lần ấy. Hôm đó, tôi và nhà thơ Phạm Tiến Duật ra sân bay đón Bruce. Thấy chúng tôi, ông mừng ứa nước mắt, ông kêu lên: “Tôi sẽ mất con. Tôi sẽ mất con. Hãy giúp tôi!”. Giọng ông lặng đi. Tôi nhận thấy nỗi hoảng sợ và đau đớn trên gương mặt ông.

Đêm đó, tôi đã tìm mọi cách và xin được cho Bruce ở lại bằng cách kể cho một cán bộ có quyền cấp visa nghe câu chuyện xúc động của ông.

 
Bruce Weigl

Năm ấy Hạnh 8 tuổi. Bruce biết Hạnh ở một trại trẻ ở Hà Nam. Bruce nói không lúc nào rời Hạnh nữa. Ông luôn mang nỗi lo sợ ai đó có thể cướp mất Hạnh trên đường từ VN về Mỹ. Ngay cả đến bây giờ, đi đâu ông cũng để mắt đến Hạnh. Một chiều ở Boston, Hạnh xuống phố và về muộn. Ông bỏ cả hội thảo ra ngóng con. Thế nhưng khi Hạnh 16 tuổi, ông đã để Hạnh trở về VN trên một chặng đường dài dằng dặc để đi tìm người cha đẻ của Hạnh đang sống một mình ở một tỉnh Nam bộ theo ước nguyện của cô.

Ông động viên Hạnh đi tìm cha đẻ của mình. Ông nói với Hạnh về sự thiêng liêng và vô giá của tình máu mủ con người. Trước khi Hạnh về VN năm đó, ông gọi điện cho tôi và nói tôi hãy bỏ thời gian giúp ông trông coi Hạnh. Bởi Hạnh đã đi một chặng đường quá dài để tìm cha và cô còn quá trẻ. Ông thật sự lo sợ nhiều điều. Tôi đã gặp Hạnh ở Hà Nội trước khi cô lên tàu đi tìm cha đẻ. Tôi thật sự xúc động vì những gì mà một cô bé không còn nói sõi tiếng Việt đang nói về cha đẻ của mình, một người cha mà cô không nhớ mặt.

Tháng trước gặp Hạnh ở Boston, cô nói cô yêu bố Bruce nhưng cách đây hai năm mới thật sự hiểu bố... Trong một đêm bão tuyết đón Hạnh từ trường trở về thấy một người da đen run rẩy trong gió tuyết và xin đi nhờ xe, Bruce đã dừng xe lại đưa người da đen đó về nhà trong một giờ lái xe giữa gió tuyết khắc nghiệt. Người da đen ra khỏi xe chửi đổng, không nói một lời cảm ơn với Bruce. Hạnh đã nổi giận và trách bố.

Bruce dịu dàng nói với cô con nuôi của mình: “Chúng ta giúp người khác đâu vì mục đích để người ta mang ơn hả con. Nếu chỉ nghĩ đến việc trả ơn của người mình giúp, lập tức lòng tốt của mình biến mất, con gái à!”. Sau đêm ấy Hạnh mất ngủ và lần đầu tiên cô nói cô thật sự hiểu tấm lòng người cha nuôi của mình.

Bây giờ cô yêu ông như yêu bao người khác và hơn thế nữa. Năm nay Hạnh tốt nghiệp đại học, cô tạm dừng việc học cao học, về VN dạy tiếng Anh và học thêm tiếng Việt cùng với tìm hiểu văn hóa. Bruce rất vui vì quyết định này của con gái.

Lần nào gặp hai cha con ông, ông cũng đều hỏi tôi tiếng Việt dạo này của Hạnh có khá không. Một câu hỏi bình thường, bao nhiêu người VN khác không cần hỏi, vậy mà ông đợi chờ tôi như đợi chờ một điều gì rất hệ trọng trong cả một nghìn năm đợi chờ, và cuối cùng mặt ông rạng ngời lên khi nghe những nhận xét tốt đẹp của tôi về tiếng Việt của Hạnh. Ông nói nếu Hạnh không yêu tiếng Việt thì Hạnh không yêu văn hóa VN nữa. Một người không yêu cội nguồn của mình thì không yêu ai cả, có đúng thế không hả Thiều?

Nguyễn Quang Thiều/ Tuổi Trẻ

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.