Naltrexone: Dùng sai cách sẽ cực kỳ nguy hiểm

25/07/2009 13:51 GMT+7

Tuy có hiệu quả nhất định trong chống tái nghiện ma túy nhưng Naltrexone không phải là “thần dược” để sử dụng tùy tiện.

Sở LĐ-TB-XH TPHCM vừa có văn bản hướng dẫn sử dụng thuốc chống tái nghiện Naltrexone rộng rãi tại các trường, trung tâm cai nghiện. Loại thuốc này được những người làm công tác cai nghiện và giới chuyên môn đánh giá cao trong việc hỗ trợ người sau cai từ bỏ ma túy.

Đoạn tuyệt với ma túy

Nhiều nước trên thế giới đã sử dụng Naltrexone trong việc chống tái nghiện từ lâu. Tại VN, năm 2006, Bộ Y tế ban hành quyết định hướng dẫn hỗ trợ điều trị chống tái nghiện ma túy nhóm Opiats  bằng thuốc Naltrexone. Tuy hiệu quả nhưng do giá khá cao và đòi hỏi sự kiên trì khi sử dụng nên đến nay, Naltrexone vẫn chưa được sử dụng rộng rãi. Tại TPHCM, có Trung tâm Giáo dục lao động xã hội Nhị Xuân, Trung tâm Cai nghiện ma túy và Phục hồi chức năng Thanh Đa đang sử dụng loại thuốc này cho công tác phòng chống tái nghiện.

Bác sĩ Phùng Văn Đức, Trưởng Phòng Y tế Trung tâm Nhị Xuân, rất tâm đắc với phương pháp điều trị chống tái nghiện bằng Naltrexone. Ông cho biết: “Người sử dụng ma túy vì cảm giác hưng phấn nhưng khi sử dụng thuốc thì dùng ma túy không có cảm giác hưng phấn nữa nên dần dà, người sau cai có thể từ bỏ ma túy. Tuy nhiên, loại thuốc này hiện vẫn còn đắt nên chỉ có thể sử dụng cho các học viên cai theo diện dịch vụ, tất nhiên là phải có sự đồng ý của gia đình học viên vì sử dụng Naltrexone phải đóng khoảng 1 triệu đồng/tháng”. Cuối năm 2008, Trung tâm Nhị Xuân bắt đầu sử dụng Naltrexone, đến nay có khoảng 40 học viên được uống thuốc với những biểu hiện ổn định về sức khỏe và tâm lý. 

Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH TPHCM: Chỉ là công cụ hỗ trợ!

Naltrexone là loại thuốc đối kháng với chất ma túy, người dùng thuốc không còn thèm nhớ ma túy nên nếu được sử dụng đúng cách sẽ rất tốt cho người sau cai từ bỏ ma túy. Tuy nhiên, thuốc dù hiệu nghiệm đến đâu cũng chỉ là phương tiện hỗ trợ, bên cạnh đó cần phải có những biện pháp giáo dục, tư vấn tâm lý... quan trọng nhất phải là ý chí, quyết tâm từ bỏ ma túy của người sau cai nghiện.

Còn tại Trung tâm Thanh Đa, giám đốc trung tâm, bác sĩ Nguyễn Hữu Khánh Duy, cho biết từ tháng 7-2008, trung tâm bắt đầu đưa Naltrexone vào sử dụng cho các học viên đã được cắt cơn, giải độc, đến nay đã có 188 người tham gia chương trình.

Anh H., một học viên điều trị ngoại trú của Trung tâm Thanh Đa, kể: Nhà và cơ quan anh làm việc đều ở quận Tân Bình nhưng mỗi sáng anh đều đến Trung tâm Thanh Đa thật sớm để uống thuốc trước khi đi làm: “Ba tháng trước khi hồi gia, tôi được cho uống Naltrexone, đến nay đã được 9 tháng. Lần đầu uống thuốc thấy hơi khó chịu, khó ngủ nhưng vài ngày thì bình thường”. Còn anh N. (ngụ quận 3) chia sẻ: Ra trường vào trại nhiều lần vẫn tái nghiện, từ khi sử dụng thuốc Naltrexone, hai năm nay anh đã không còn sử dụng ma túy và đang làm việc cho một tổ chức tình nguyện của Liên Hiệp Quốc. Trong nhóm sinh hoạt đồng đẳng của anh N. có người sử dụng Naltrexone liên tục đến 7 năm. “Đó không phải là lệ thuộc vào thuốc mà là một cách để mình tự tin và gia đình an tâm hơn thôi!”- anh N. giải thích.

Sử dụng tùy tiện, hậu quả khó lường

Tuy có hiệu quả nhất định nhưng sử dụng Naltrexone không đúng cách, sẽ gây hậu quả khó lường. Nhiều học viên hoài nghi công dụng của thuốc nên đã sử dụng lại ma túy để “kiểm tra”. Anh C. (ngụ quận Phú Nhuận) chưa hết hãi hùng nhớ lại: “Bạn bè khích bác, tôi cũng muốn thử xem thuốc có công hiệu hay không nên đã sử dụng lại ma túy. Lúc sử dụng lại ma túy, tôi không có cảm giác gì cả, còn thấy ghê ghê. Hôm sau, đi uống thuốc thì tôi bị ngộ độc, nóng lạnh toàn thân và lên cơn co giật kinh khủng, may nhờ các bác sĩ của trung tâm đã cấp cứu kịp thời. Xin cạch đến già!”.

Theo bác sĩ Vũ Đình Sơn, Trưởng Phòng Y tế Sở LĐ-TB-XH: Người đã sử dụng Naltrexone nếu sử dụng lại ma túy sẽ gây ngộ độc thuốc, tổn thương gan, thận, nghiêm trọng hơn có thể dẫn đến tử vong. Vì vậy, khi sử dụng Naltrexone, người bệnh phải được tư vấn tâm lý, hướng dẫn đầy đủ những tình huống có thể xảy ra, tuyệt đối tránh việc ép hoặc lừa người bệnh sử dụng thuốc, đặc biệt cần thiết phải có một thời gian điều trị nội trú tại các trung tâm cai nghiện trước khi hồi gia. “Theo tôi biết một số người chưa biết hết các tính năng của Naltrexone, nghe phong thanh về tác dụng của thuốc, xem nó như một loại “thần dược” nên tự ý mua cho bản thân hoặc người thân sử dụng dẫn đến hậu quả khôn lường. Bên cạnh đó, Naltrexone vẫn được mua khá dễ dàng trên thị trường tân dược mà không cần toa, đơn của bác sĩ dù Bộ Y tế đã quy định: Thuốc chỉ được sử dụng trong “các cơ sở khám chữa bệnh, cơ sở điều trị cai nghiện ma túy có đầy đủ điều kiện”- bác sĩ Sơn nói.

Theo Thu Sương / Người Lao Động

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.