Mực nháy Cửa Lò

24/07/2009 16:33 GMT+7

21 giờ đêm. Mặt biển rằn ri chớp giật. Mưa đan chéo mặt người. Gió nổi lên. Xa xa, ánh đèn măng sông từ những chiếc thuyền thúng chao nghiêng, như ngụp lặn trên sóng. Du khách đang câu mực nháy ở biển Cửa Lò.

“Mưa gió thế này, khách chẳng dám xuống thuyền câu mực nháy đâu. Cậu chưa về, còn đợi ai?”, tôi tiến lại gần chàng ngư dân đang ngồi trông ra phía biển.

“Lát nữa, gió lặng, mưa sẽ ngớt. Trở trời, tha hồ mà câu mực”, thanh niên nói.

“Tối giờ đã có tour nào chưa?”.

“Tớ vừa đẩy thuyền ra, chưa có ai đi. Thằng em rể đã kịp chở bốn chuyến rồi đấy. Đêm nay giông gió, nhưng cũng nhiều khách”.

“Cậu tên gì?”.

“Đông”.

“Trú phường nào?”.

“Thu Thủy. Khối 3”.

Đứng mãi chồn chân, Đông bệt xuống cát, kiểu ngồi của dân bãi ngang. Chốc chốc, nghe tiếng bước chân sau lưng, Đông ngoảnh lại, mời chào: “Câu mực nháy đê, các bác ơi”. Lắc đầu. Cậu mời bốn năm chặp nhưng chỉ nhận được những cái lắc đầu.

Quả đúng như Đông dự đoán. Sấm chớp rền rĩ một lúc rồi im bặt. Mưa ngớt. Gió ngưng. Cửa Lò lại yên bình sau cơn giông ngẫu hứng. “Một tour kéo dài bao lâu? Bao tiền?”. “Độ một giờ đồng hồ. Giá một trăm ngàn đồng. Anh thử cái cho biết”. Tôi gật đầu.

Tôi quê miền biển. Câu mực với tôi, chẳng lạ lẫm gì. Hồi còn nhỏ, tôi từng theo thuyền vó hàng tháng trời lênh đênh trên biển, cách đất liền vài chục cây số. Say sóng, mửa mật xanh mật vàng. Câu mực nháy ở Cửa Lò tôi cũng đã thử vài ba chuyến.

“Có người bảo đi câu mực nhảy, gọi thế là sai. Mực làm chi nhảy được. Đúng ra, phải gọi là mực nháy. Khi câu lên, mực tươi rói, thân nó nhấp nháy, cư dân sông nước Cửa Lò quen gọi đó là mực nháy” - Đông giải thích.

Tôi giúp Đông kéo chiếc thuyền thúng ra sát mép nước. Sóng ú oà lưng chừng. “Anh lên thuyền mau, ướt quần bây chừ”, Đông giục. Tôi nhảy vào lòng thuyền. Chiếc thuyền nan nổi trên sóng, xoay vòng mấy lượt trước khi bươn ra khơi. Nước ngang đầu gối, Đông nhảy lẹ lên, vớ cọc chèo, làm động tác chèo thuyền.

Kiểu bơi của thuyền thúng rất lạ. Mái chèo vừa đẩy thuyền đi, vừa là bánh lái, nó được buộc chặt vào mạn thuyền bằng sợi dây lớn. Dọc, ngang, phải, trái, Đông cầm mái chèo lắc lia lịa. Tôi ngồi đằng sau, nhìn chàng ngư dân lừng lững trên nền trời. Dáng anh, nửa hiên ngang, nửa khổ hạnh.

Sóng lớn biến đi đâu mất, khi bốn bề lặng gió. Tiếng sấm động tan vào hư vô trong khi mưa vẫn rải đều trên mặt biển. Chèo thuyền trong đêm mưa cảm giác thật mênh mông, thú vị. Hơi mặn của đại dương lẫn vào mưa thấm ướt. Lành lạnh. Dễ chịu. Thoáng chốc, đất liền lùi ra xa.

Cách bờ gần một hải lý, thuyền buông neo. Từ đây, nhìn vào thị xã, Cửa Lò san sát ánh đèn màu. Tiếng nhạc bập bùng quán karaoke. Cách chỗ chúng tôi vài chục hải lý, hướng đông, hàng trăm ngọn đèn nhấp nháy như có một thành phố trên mặt biển. Đó là những chiếc thuyền lớn đánh bắt xa bờ.

 Lên thuyền ra khơi

Lên thuyền ra khơi

Trong lác đác mưa rơi, đảo Song Ngư mờ tỏ như hai án sơn trước vùng Cửa Hội, điểm cuối cùng của dòng Lam hòa vào Biển Đông.

“Anh có biết thả câu không?”. Tôi gật đầu. Đông tìm dưới chiếc áo phao hai cuộn dây cước. Đầu dây, chiếc B52 (tên gọi loại câu mực) đã được chủ thuyền mắc sẵn, sợi dây cước nối với cần tre dài chừng sải tay. Vút! Chúng tôi tung cần.

Chiếc B52 ném ra xa, chìm nghỉm xuống mặt biển. Vừa cuộn dây, vừa giật nhẹ. Đấy là cách dụ bầy mực tiến sát đến khu vực có ánh sáng. Trên thuyền, một chiếc vợt to đùng đã phục sẵn.

“Đêm nay sẽ nhiều mực đây”. “Sao anh biết”. “Trở trời mà lỵ”, tôi đoán mò. “Anh thả chừng chục sải tay thôi, cứ thế kéo vào”, Đông dặn.

Mười phút trôi qua, vẫn chẳng thấy tăm hơi mực đâu. Đông quay sang chỗ tôi: “Lát nữa ắt thấy”. Hai chiếc câu B52 vẫn lầm lũi săn mồi. Khi kéo nó sát mạn thuyền, ánh sáng từ sợi dây phản quang phát ra, trông như con cá đang bơi.

Tiếng gọi nhau í ới váng vất trên sóng. “Được mống nào chưa?”, một chiếc thuyền thúng trờ tới, người cầm chèo hỏi vống sang. “Em chưa. Thế nào, ngoài đó mực nhiều không?”. “Đầy. Tao vô trước. Lát nữa mi vô, đổ thêm dầu. Bữa ni nhiều khách, thức khuya”. “Dạ”.

Chiếc thuyền lắc lư, mất hút trong bóng đêm. Đông quay sang chỗ tôi: “Ông anh rể, lão ta có thâm niên mười năm chèo thuyền câu mực nháy đấy”. Gia đình Đông có năm anh em, ba trai, hai gái. Đàn ông trong nhà, mỗi người ôm một chiếc thuyền thúng. Đông làm nghề câu mực được hai năm, chưa thạo hết luồng lạch.

Chàng ngư phủ cúi rạp mình, dùng tay đẩy pít-tông bơm không khí vào bình. Ngọn đèn măng sông sáng bừng lên, soi tỏ một vùng rộng lớn. Tôi ngồi bên mạn thuyền, làm động tác giật dây, thu cước. Dưới làn nước trong xanh, chợt xuất hiện đàn mực ống gần chục con. Loài mực sống quanh quẩn ở vùng biển Cửa Lò nhiều lần thoát khỏi sự săn đuổi của cư dân sông nước, cứ lởn vởn vòng ngoài, không chịu áp sát ánh đèn.

“Bọn mực ni ranh lắm. Nhưng kiểu chi cũng dính vợt”, Đông bảo. Anh vừa kéo lưỡi câu về phía thuyền, vừa vớ lấy chiếc vợt, sẵn sàng chao xuống mặt nước.

Tôi thả chừng ba sải tay cước, cứ ngâm vậy chờ mực đớp mồi. Chợt đầu dây nặng nặng, rồi nhẹ bẫng. “Mực cắn câu rồi đây”. Tôi tự nhủ, nhanh tay giật mạnh. Hỏng.

Thấy cách câu truyền thống không ăn thua, tôi chuyển sang kiểu thả câu của dân Cửa Lò, giật liên hồi, kéo dây vào mạn thuyền. Xem ra, cách làm này hiệu quả hơn. Lũ mực sấn tới ngày càng đông.

Say mồi, mất cảnh giác, những chú mực nhỏ bằng ngón tay lờ đờ tiến sát chiếc thuyền thúng. Tôi làm nhiệm vụ quan sát, thả câu. Đông đứng nhổm dậy, huơ huơ chiếc vợt bằng lưới. Hễ con nào trong tầm tay, anh nhanh nhẹn chao vợt xuống nước. Có lần Đông bắt được ba bốn con.

Làm kinh tế du lịch với mực nháy

Câu mực nháy ở Cửa Lò khoái ở chỗ, mực đánh bắt được, nướng ăn ngay tại trận. Đèn măngsông trở thành chiếc lò nướng. Chọn con to nhất, Đông đặt lên trên đỉnh đèn. Tiếng mực cháy xèo xèo, thơm lừng, lớp da bên ngoài phồng lên cháy tí tách. Chốc lát, chú mực chuyển sang màu vàng ruộm.

Chàng ngư phủ mời: “Anh thưởng thức đi”. Nóng hôi hổi. Khách cắn ngang con mực nướng. Không dám ăn ngay. Ngậm trong miệng một lát để mùi mực chín lan tỏa nơi đầu lưỡi, ngấm vào từng tế bào, lúc ấy hẵng nhai. Không lo dư lượng thuốc trừ sâu. Không lo ngộ độc. Ngón tay vương đôi chút tàn tro, ám khói, thò xuống biển vục vài cái. Sạch tinh.

Đêm trở trời, mưa lây phây, mực nhiều hơn ngày thường. Sau hơn ba chục phút thả câu, chúng tôi đã vớt được gần một kg. “Nữa không?”, tôi nhìn chiến lợi phẩm đã tròm trèm nửa thau nhôm, hỏi Đông. “Tuỳ anh. Chán thì thôi”. “Mấy bữa nay thế nào?”. “Không nhiều bằng đêm nay. Nhưng so với đầu mùa, dịp khai trương du lịch biển, bõ bèn chi”.

Đông kể, cữ đầu mùa, mực nhiều vô kể. Một đêm sáng đèn, mỗi ngư dân đánh bắt được 5 - 7 kg mực nháy. Đầu mùa giá rẻ, chỉ bán với giá 70.000 -80.000đồng/kg.

Tháng 6, tháng 7, nắng nóng, khách về Cửa Lò nườm nượp, giá mực nháy tăng chóng mặt. Bấy giờ, mực không bán theo trọng lượng, mà bán theo mớ. Mỗi mớ, đổ ra vừa vặn một đĩa nhỏ, giá 60.000 - 70.000đồng/đĩa. Một kilôgam mực, chia ra được bốn mớ. Ngư dân bán được vài trăm nghìn/kg mực nháy.

Nhưng ba ngày hè nắng nôi, câu được một kilôgam mực nháy đâu phải dễ. Có đêm, vật lộn từ đầu hôm đến khuya, Đông chỉ câu được vài chục con bé tí tẹo bằng ngón tay út.

“Đông! Mi chưa vô, định ngâm ngoài đó đến sáng mai à?”, ông anh rể chèo thuyền lướt qua chỗ thuyền chúng tôi, giọng trách móc. “Khách bỏ tiền đi câu, phải để họ thoải mái tý. Chưa chi anh đã giục”, Đông nói.

Chiếc thuyền thúng lẳng lặng buông neo cách quầng sáng chừng năm chục mét. “Ông anh thế đấy. Chở khách ra, muốn vô sớm để làm tour khác. Kiểu mì ăn liền”. Mỗi đêm, anh rể chạy sô dăm bảy chuyến. Mỗi chuyến ngã giá 150.000. Riêng Đông, cùng lắm chỉ được vài ba tour.

“Mình làm ăn, phải giữ chữ tín chứ, anh. Mần răng để khách đi rồi, lần sau về Cửa Lò người ta tìm mình thuê câu mực nữa”, Đông bảo.

Mấy lạng mực tươi vào bụng, khách no nê. Mùi mực nướng thoang thoảng theo làn gió, dư vị ngọt ngào, tiếng mực nướng cháy xèo xèo thích tai, đung đưa trên thuyền giữa bát ngát sóng nước mà nghển cổ ngắm trời mây, ai đó cao hứng đọc thơ.

Trong đất liền, những ngọn đèn đêm vẫn thao thức, không ngủ. Ngoài khơi xa, hàng trăm chiếc thuyền vẫn chong đèn, thắp sáng mặt biển, như một thành phố kéo dài.

Tôi muốn nán lại thêm chút nữa, để tận hưởng cảm giác thanh bình đêm Cửa Lò mênh mang. Nhưng chợt nhìn gương mặt thấm đẫm mồ hôi của chàng ngư phủ miền Trung: “Một giờ qua rồi, ta về thôi”.

Đông lẳng lặng nhổ neo. Chiếc thuyền thúng chao mấy vòng rồi nương theo mái chèo, nhằm hướng đất liền thẳng tiến. Dọc đường đi, thuyền vào thuyền ra tấp nập như thoi đưa. Có những chiếc chở đến sáu khách, họ ngồi chật cả khoang thuyền.

“Chở nhiều khách vậy, không sợ đắm thuyền à?”, tôi hỏi. “Quen rồi, không sợ nữa”, Đông đáp. “Có ai kiểm tra, nhắc nhở gì không?”. “Đêm hôm, chẳng ma nào kiểm tra. Hơn nữa, các chủ thuyền đều trang bị phao cứu sinh”...

Theo Quang Long / Tiền Phong

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.